Tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS 2015). Người bị kết án nói chung và người bị kết án phạt tù nói riêng có trách nhiệm chấp hành toàn bộ bản án. Tuy nhiên, người đang phải chấp hành án phạt tù khi đáp ứng được những yêu cầu nhất định, thì có thể được tha tù trước thời hạn với điều kiện nhất định (kèm theo) – tha tù trước thời hạn có điều kiện. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội, cho phép họ sớm trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội nhưng đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu giáo dục, cải tạo và răn đe người phạm tội.
1. Tha tù trước thời hạn có điều kiện là gì?
Theo quy định tại Điều 66 BLHS 2015[1], tha tù trước thời hạn có điều kiện được hiểu là không buộc người đang chấp hành án phạt tù chấp hành hình phạt tù còn lại bằng việc buộc họ phải chịu thử thách và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Điều kiện về tính chất pháp lí của chế định này là: người đang phải chấp hành án phạt tù phải chịu thể thách với thời hạn bằng hình phạt tù còn lại; trong thời gian thủ thách họ phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ (do pháp luật quy định); không vi phạm nghĩa vụ quá mức quy định; không bị xử phạt vi phạm hành chính quá mức quy định cũng như không phạm tội mới trong thời gian thử thách.
2. Đặc điểm của tha tù trước thời hạn có điều kiện
Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện có một số đặc điểm sau:
Tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù. Tên gọi của chế định này đã cho thấy vấn đề “tha tù” chỉ được đặt ra đối với người bị kết án phạt tù mà không đặt ra đối với người bị kết án với các loại hình phạt khác. Tuy nhiên, việc tha tù không chỉ đặt ra đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn mà còn bao gồm cả người bị kết án tù chung thân và được giảm xuống thành tù có thời hạn.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ được áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù. Bởi vì, chỉ những người đang chấp hành hình phạt tù (đang bị giam giữ, cải tạo tại các trại giam) thì vấn đề “tha” tù mới được đặt ra. Đối với người bị kết án phạt tù nhưng chưa chấp hành hình phạt (chưa bị giam giữ, cải tạo) thì vấn đề “tha tù” cũng không được đặt ra.
Tha tù “trước thời hạn” (có điều kiện), tức là khi người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt tù được ghi trong bản án, quyết định. Người bị kết án được tha tù “trước thời hạn” có nghĩa là họ không phải chấp hành hình phạt tù còn lại (của bản án) với các điều kiện nhất định.
Tha tù trước thời hạn “có điều kiện” không phải là “miễn chấp hành hình phạt tù còn lại”[2]. Bởi vì, thông thường khi nói đến “miễn” – không buộc phải chấp hành hoặc không buộc thực hiện việc gì đó thì người có thẩm quyền dựa trên quy định của luật xem xét, cân nhắc rồi quyết định “miễn” hay “không miễn”; khi đáp ứng các yêu cầu nhất định và được “miễn” thì, chủ thể không bị buộc phải thực hiện việc đó nữa mà không cần kèm theo điều kiện nào. Trường hợp tha tù trước thời hạn “có điều kiện” là người bị kết án không phải chấp hành hình phạt tù còn lại với các “điều kiện” nhất định “thay thế” việc tiếp tục chấp hành hình phạt tù. Trường hợp vi phạm “điều kiện” thì người đã được “tha tù” sẽ không tiếp tục được tha nữa mà họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù còn lại của bản án (mà họ chưa chấp hành).
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, “tha tù trước thời hạn” không phải là “tha bổng”, không phải là miễn chấp hành hình phạt tù còn lại mà là “miễn chấp hành hình phạt tù còn lại có điều kiện”. Điều kiện đó là: người được tha tù trước thời hạn phải chịu thử thách cùng với việc thực hiện các nghĩa vụ cụ thể và trong thời gian thử thách đồng thời người này không được cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên hoặc không bị xử phạt hành chính hai lần trở lên hoặc không được phạm tội mới trong thời gian thử thách[3].
Nếu người đó cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính hai lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước (theo Điều 56 BLHS 2015)[4].
Như vậy, thay vì phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù (còn lại), người đang phải chấp hành án phạt tù “được tha” – được tự do cải tạo với sự giúp đỡ của gia đình, của xã hội với thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù và phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách.
Để chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện phát huy được hiệu quả của nó trong thực tiễn cũng như đảm bảo trật tự, an toàn xã hội qua đó đề cao tính nhân đạo của chế định này cũng như chính sách nhân đạo của Nhà nước, thì vấn đề đătk ra là cần làm rõ một số nội dung liên quan đến chế định này. Cụ thể là: thời gian thử thách; điều kiện để xét tha tù trước thời hạn (có điều kiện); các nghĩa vụ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện và hậu quả pháp lý của việc người đó vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới.
3. Thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện
Theo quy định tại khoản 3 Điều 66 BLHS 2015: “Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù”. Câu hỏi đặt ra là xuất phát từ cơ sở nào mà BLHS quy định thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù và việc quy định thời gian thử thách như vậy có hợp lý không khi chế định này được áp dụng đối với cả người bị phạt “tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn”[5]? Chế định án treo (Điều 65 BLHS 2015) quy định chỉ áp dụng đối với người bị “phạt tù không quá 03 năm…”, thời gian thử thách đối với án treo là “từ 01 năm đến 05 năm” và theo hướng dẫn của Toà án nhân dân Tối cao thì thời gian thử thách thường phải “bằng hai lần mức hình phạt tù”[6]. Trong sự so sánh với chế định án treo (về loại tội, điều kiện để xét cho hưởng án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện), chúng ta có thể thấy việc BLHS quy định thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện như vậy không hợp lý. Tuy nhiên, điều đó có thể chấp nhận được khi đối chiếu với quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên (Đều 63 BLHS 2015)[7] và hơn nữa, trường hợp này người bị kết án phạt tù “đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù”, “đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù”, “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự” và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác được quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS 2015[8].
4. Điều kiện xét tha tù trước thời hạn (có điều kiện)
Theo quy định tại Điều 66 BLHS 2015, người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau:
a) Phạm tội lần đầu: Trường hợp này hiện có những quan điểm khác nhau như: “phạm tội lần đầu là lần đầu bị đưa ra xét xử…”;“phạm tội lần đầu cũng là trường hợp lần đầu bị đưa ra xét xử hoặc tuy đã bị đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng trước khi bị đưa ra xét xử lần này, nếu hành vi phạm tội trước đó đã được xoá án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu”; “phạm tội lần đầu là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý hoặc bị xét xử lần nào lần đưa ra xét xử này là lần đầu tiên”; “phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào… đã bị kết án chưa được xoá án hoặc đã được xoá án, hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội mới này vẫn không được coi là phạm tội lần đầu”[9].
Theo Thông tư số 02/TTLN ngày 01 tháng 8 năm 1986 của BNV (nay là Bộ Công an) – BTP – TANDTC – VKSNDTC về việc xoá án, thì trong số các tình tiết được hướng dẫn (trong văn bản này) có tình tiết “phạm tội mới”. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, thì “tội mới phải được xác định bằng một bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật”[10]. Vì vậy, trường hợp “phạm tội lần đầu” được nói đến ở đây cũng phải hiểu là lần đầu bị xét xử và kết án về một tội nào đó. Sau khi chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định và thoả mãn được những điều kiện khác theo quy định của BLHS, thì người đang chấp hành án phạt tù có thể được Toà án xem xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt: Điều kiện này đòi hỏi người đang chấp hành án phạt tù chấp hành đầy đủ nội quy, quy chế của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên… [11].
c) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên: Điều kiện này đòi hỏi người đang chấp hành án phạt tù đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định và được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù từ 01 lần trở lên; đồng thời người đang chấp hành án phạt tù phải là người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên. Đối với những người đang chấp hành án phạt tù nhưng họ chỉ bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng thì vấn đề tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng không được đặt ra.
d) Có nơi cư trú rõ ràng: Điều kiện này đòi hỏi người đang chấp hành án phạt tù phải có nơi thường trú hoặc nơi tạm trú[12] – chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống có địa chỉ rõ ràng, cụ thể. Điều này liên quan đến việc Toà án giao người được tha tù trước thời hạn cho cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục.
đ) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự: Điều kiện này đòi hỏi người đang chấp hành án phạt tù phải đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự. Điều này không chỉ thể hiện ý thức chấp hành bản án của người phạm tội mà còn thể hiện sự tích cực khắc phục hậu quả của tội phạm qua đó thể hiện sự ăn năn, hối cải và trách nhiệm đối với xã hội của người phạm tội.
e) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn[13].
Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;
g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này: Đó là các trường hợp BLHS quy định không được áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cụ thể là:
– Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy:
[1] Tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 106 BLHS 2015
[2] Xem thêm Điều 62 BLHS 2015. Đối với trường hợp, người bị kết án khi chấp hành được một phần hình phạt đồng thời thoả mãn điều kiện nhất định, thì Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì.
[3] Khoản 3 Điều 66 BLHS 2015 quy định: “Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách”
[4] Xem: Khoản 4 Điều 66 BLHS 2015
[5] Xem: Điểm e khoản 1 Điều 66 BLHS 2015
[6] Xem: Mục 6.4 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS
[7] Xem: Điều 63 BLHS 2015.
[8] Đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, thì các điều kiện này được quy định tại khoản 1 Điều 106 BLHS 2015.
[9] Xem thêm: Đinh Văn Quế, Về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
[10] Xem thêm: Thông tư số 02/TTLN ngày 01 tháng 8 năm 1986 của BNV – BTP – TANDTC – VKSNDTC
[11] Xem thêm: Luật Đặc xá năm 2007
[12] Xem thêm: Điều 12 Luật cư trú năm 2006
[13] Quy định này có sự bất hợp lý giữa trường hợp bị phạt tù chung thân và trường hợp bị phạt 30 năm tù. Theo quy định của Điều này thì mức tối thiểu của hình phạt mà người bị kết án tù chung thân và người bị kết án 30 năm tù phải chấp hành là tương đương nhau – đều là 15 năm tù.