Thủ tục xác định cha, mẹ, con

thu-tuc-xac-dinh-cha-me-con

Trong quan hệ hôn nhân, việc xác định con chung của vợ chồng sẽ chỉ ra được ai là chủ thể mang quyền và nghĩa vụ trong mối quan hệ cha, mẹ, con, xác định ai sẽ là người có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ. Đồng thời việc xác định con chung của vợ chồng tạo nên những mối quan hệ thiêng liêng trong gia đình. Do đó, luật hôn nhân và gia đình đã có những quy định về việc xác định cha, mẹ, con trong những trường hợp cụ thể. Bài viết sẽ đi vào phân tích các trường hợp xác định cha, mẹ, con và thủ tục xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

1. Căn cứ xác định cha, mẹ, con trong một số trường hợp

1.1. Xác định cha, mẹ, con khi người vợ sinh con hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân

Căn cứ pháp lý xác định cha, mẹ, con đó là thời kỳ hôn nhân, quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng củ và phải được Tòa án xác định.”

Thời kỳ hôn nhân được coi là một căn cứ quan trọng nhất để xác định cha, mẹ, con. Khi hai bên nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân thì việc xác định cha, mẹ, con được căn cứ trước hết trên cơ sở pháp lý, tức căn cứ thời kỳ hôn nhân. Trong trường hợp này thì huyết thống không còn mang ý nghĩa quyết định trong việc xác định cha, mẹ, con nữa.

Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại của quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân hoặc được tính từ thời điểm các bên kết hôn trái pháp luật nhưng được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân.

Thời điểm chấm dứt hôn nhân khi vợ, chồng chết được xác định theo ngày thực tế vợ hoặc chồng chết ghi trong giấy chứng tử. Trường hợp chấm dứt hôn nhân khi có quyết định của Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng chết thì ngày chết xác định theo Quyết định của Tòa án và đó cũng là ngày chấm dứt hôn nhân. Trường hợp chấm dứt hôn nhân do ly hôn thì ngày chấm dứt là ngày bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định: “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Khi hôn nhân của hai bên nam nữ được hình thành sau khi đứa con sinh ra nhưng được vợ chồng thừa nhận thì để bảo vệ lợi ích của trẻ nhỏ, pháp luật quy định đứa trẻ là con chung của vợ chồng.

Nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ con được đặt ra nhằm ổn định mối quan hệ cha mẹ con cũng như quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Do vậy, mỗi khi người vợ mang thai hoặc sinh con, người vợ không cần phải chứng minh chồng mình là cha của đứa trẻ mà pháp luật mặc nhiên thừa nhận đứa trẻ đó là con chung của hai vợ chồng.

1.2. Xác định cha, mẹ, con khi người mẹ không tồn tại hôn nhân mà có thai hoặc sinh con giữa cha, mẹ của người con không có hôn nhân hợp pháp

Trường hợp người mẹ sinh con mà người đàn ông có quan hệ sinh lý hoặc sống chung với người mẹ đó không nhận con, khi có yêu cầu thì Toà án nhân dân phải căn cứ vào những chứng cứ là người mẹ đó đã có thai với ai, đứa con mang huyết thống của người đàn ông nào để xác định cha cho con. Có thể căn cứ vào thời gian người phụ nữ có thể thụ thai, người phụ nữ đó có quan hệ với người đàn ông bị nghi vấn là cha của đứa trẻ hay không. Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp y học cần thiết, điều này sẽ làm tăng độ chính xác trong việc xác định quan hệ cha, mẹ và con nói chung, đặc biệt là xác định quan hệ cha con đối với con ngoài giá thú, một trong những phương pháp đó là phương pháp giảm định gen (ADN)…

1.3. Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

– Trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm: người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh mang thai sinh con và người phụ nữ độc thân sinh con.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại Điều 93 như sau:

“1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.

2. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.”

Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được suy đoán theo thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng tương tự như đã nêu ở trường hợp 1. Theo đó, đứa con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc sau khi thời kỳ hôn nhân kết thúc tối đa 300 ngày bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản dù không mang huyết thống của bố mẹ thì vẫn được xác định là con đẻ của hai vợ chồng. Trong trường hợp này, pháp luật quan tâm đến quan hệ cha, mẹ, con về mặt pháp lý hơn là về mặt sinh học.

Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra ngay cả khi đứa con đó không mang huyết thống của người phụ nữ này. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra. Như vậy thì người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra không có quan hệ cha, mẹ, con mặc dù có cùng mã gen.

– Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

Điều 94 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện khi người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh không thể mang thai ngay cả khi áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm. Noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng sẽ được tạo thành phôi trong ống nghiệm rồi đặt vào tử cung của người mang thai hộ. Đứa trẻ mặc dù do người mang thai hộ trực tiếp sinh ra nhưng mang mã gen của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và theo quy định pháp luật thì đứa trẻ là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ.

2. Thủ tục xác định cha, mẹ, con

2.1. Xác định cha mẹ con theo thủ tục hành chính

Xác định cha, mẹ cho con theo thủ tục hành chính là việc xác định cha, mẹ cho con khi không có sự tranh chấp giữa các bên. Thủ tục xác định cha, mẹ cho con theo thủ tục hành chính thực hiện như sau:

Thẩm quyền đăng ký nhận cha mẹ con theo quy định tại điều 24 và điều 43 Luật hộ tịch như sau:

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

– Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cùng cư trú ở nước ngoài.

Trường hợp đăng ký tại UBND cấp xã, theo quy định các bên phải có mặt và nộp hồ sơ như sau:

– Tờ khai theo mẫu: trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha của con;

Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

– Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

2.2. Xác định cha mẹ cho con theo thủ tục tư pháp

Để xác định cha, mẹ con ngoài thủ tục hành chính, trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên bạn có thể nộp đơn yêu cầu xác định cha, mẹ, con ra Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:

– Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha, mẹ con;

– CMND, CCCD, giấy xác nhận cư trú của các bên;

– Giấy tờ chứng minh rằng giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu có quan hệ cha, mẹ, con.

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền, ở đây là tòa án cấp huyện nơi bị đơn đang cư trú.

Bước 3: Nhận hồ sơ và thụ lý.

Sau khi nhận hồ sơ, xét thấy hồ sơ hợp lệ tòa án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án và yêu cầu xác định cha, mẹ cho con được tiến hành theo trình tự tố tụng dân sự. Phán quyết của tòa án là cơ sở để xác định cha, mẹ cho con.

Như vậy, để thực hiện thủ tục xác định cha mẹ con bạn có thể thực hiện theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp tùy thuộc vào tranh chấp giữa các bên. Lưu ý khi đăng ký việc xác định cha, mẹ cho con các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận hoặc cha hoặc mẹ đã chết.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ về căn cứ xác định cha, mẹ, con và thủ tục xác định cha, mẹ, con. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon