Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định xuất phát từ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Với tư cách là công dân, vợ chồng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, vợ chồng còn có các quyền và nghĩa vụ với nhau, với gia đình và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng bao gồm quyền và nghĩa vụ về nhân thân và quyền và nghĩa vụ về tài sản.
1. Thực tiễn về giải quyết các khoản nợ của vợ chồng khi ly hôn
Hiện tại, trong xã hội ta với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, chức năng kinh tế là một trong những chức năng chủ yếu của gia đình. Vợ chồng ngày càng thiết lập nhiều các quan hệ về tài sản. Pháp luật đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ, chồng thực hiện. Vợ, chồng rất cần nắm rõ các quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong các giao dịch về tài sản do vợ, chồng thực hiện.
Cũng như các bên thứ ba hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình trong các giao dịch về tài sản với vợ chồng. Việc xác định rõ được quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ góp phần giải quyết các tranh chấp liên quan một cách có hiệu quả, tránh việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
2. Hoàn thiện quy định về giải quyết các khoản nợ của vợ chồng khi ly hôn
Qua việc nghiên cứu thực tiễn pháp luật về xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ, chồng thực hiện theo quy định của luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như thực trạng giải quyết các tranh chấp về các giao dịch liên quan đến tài sản do vợ chồng thực hiện cho thấy, pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, thực thi pháp luật cũng còn nhiều vướng mắc. Với mong muốn nhằm nâng cao hiệu quả pháp luật trong xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ, chồng thực hiện trong thời gian tới, đưa ra một số giải pháp sau đây:
Cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật một cách cụ thể, chi tiết liên quan đến việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và trách nhiệm, nghĩa vụ của vợ chồng đối với giao dịch từ việc sử dụng hai loại tài sản này, tránh việc tùy nghi áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết các tranh chấp có liên quan.
2.1. Xây dựng các căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của vợ chồng
Thứ nhất, cần xây dựng các căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của vợ chồng khi vợ chồng tham gia các giao dịch. Cụ thể là phải dựa vào mục đích tham gia giao dịch của vợ chồng: Đối với giao dịch mà một bên vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng tham tham gia giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yêu cầu của gia đình mà phát sinh nghĩa vụ thì cần xác định đó là quyền và nghĩa vụ chung của vợ chồng. Dựa vào ý chí của vợ chồng khi tham gia giao dịch: Khi vợ chồng thực hiện các giao dịch liên quan tài sản chung của vợ chồng mà có sự thoả thuận theo luật định thì khi phát sinh quyền và nghĩa vụ cần xác định đó là quyền và nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Ngược lại, nếu một bên dùng tài sản chung tham gia giao dịch không có thoả thuận của vợ chồng thì về nguyên tắc, giao dịch đó bị coi là vô hiệu, nếu phát sinh quyền và nghĩa vụ cần xác định đó là quyền và nghĩa vụ riêng về tài sản của một bên vợ, chồng. Việc tham gia giao dịch mà vợ, chồng có hành vi trái pháp luật gây hậu quả về tài sản và phát sinh nghĩa vụ thì cần xác định đó là nghĩa vụ riêng của bên đó.
2.2. Sửa đổi, bổ sung luật Hôn nhân và Gia đình
Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cần được đặt trong mối liên hệ với các văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật Dân sự, Luật đất đại, Luật thương mại, Luật Doanh nghiệp… phải có sự thống nhất, phù hợp nhằm tạo ra một cơ chế pháp lý đồng bộ để xác định rõ ràng và chính xác quyền, nghĩa vụ của vợ chồng khi vợ, chồng tham gia vào các giao dịch dân sự, thương mại, hoạt động kinh doanh.
2.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Tòa án
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Tòa án: Ngành Tòa án cần xây dựng một đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; cần tuyển dụng những cán bộ thực sự tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản,chính quy vào làm việc hoặc sắp xếp những người giàu kinh nghiệm xét xử, làm việc thấu tình đạt lý, được người dân yêu quý, tín nhiệm để giữ những vị trí quan trọng trong ngành. Làm được như thế thì chất lượng của những phiên tòa mới được nâng lên, xét xử đúng người, đúng việc, tạo niềm tin của nhân dân vào Tòa án, vào đường lối xét xử của chúng ta, từ đó nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta.
Tòa án cần đa dạng hóa việc áp dụng pháp luật, đặc biệt vận dụng các phong tục, tập quán về HN&GĐ. Ngoài ra, cũng cần thiết phải công nhận hình thức án lệ áp dụng cho các quan hệ mới phát sinh khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh hoặc đã có quy định pháp luật nhưng việc điều chỉnh không còn phù hợp với thực tế.
3. Kết luận
Xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ chồng thực hiện là một vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, vợ chồng tham gia vào ngày càng nhiều các giao dịch dân sự về tài sản. Cùng với đó, số lượng, nội dung tranh chấp phát sinh từ các giao dịch về tài sản do vợ chồng thực hiện ngày càng đa dạng, phức tạp. Đòi hỏi các quy định pháp luật ngày càng phải chặt chẽ, rõ ràng cũng như việc áp dụng pháp luật của những người thực thi pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan phải đảm bảo công bằng, khách quan.
Qua tìm hiểu thực hiện việc xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ chồng thực hiện thông qua một số vụ án do Tòa án nhân dân xét xử có thể thấy, việc xét xử các vụ án hôn nhân gia đình về cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích của các bên đương sự. Chất lượng bản án ngày càng cao, giải quyết thấu tình đạt lý. Tuy nhiên thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ chồng thực hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập, khó khăn.
Qua bài viết đã nghiên cứu, phân tích những vấn đề lý luận cũng như những quy định của pháp luật hiện hành trong việc xác định, giải quyết tranh chấp về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ chồng thực hiện. Ngoài ra, bài viết cũng đã liên hệ đến thực tiễn áp dụng pháp luật trong giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua hoạt động xét xử của Tòa án. Chuyên đề đã đánh giá những bất cập còn tồn tại trong quy định của pháp luật, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, từ đó đề xuất một số giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật vào thực tế, góp phần hoàn thiện pháp luật hôn nhân gia đình nói chung và các quy định liên quan đến việc xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong các giao dịch do vợ chồng thực hiện