Mượn tiền hay vay tiền mới đúng?

vay-tien-hay-muon-tien-moi-dung

Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người thường sử dụng hai thuật ngữ “vay tiền” và “mượn tiền” một cách lẫn lộn, thậm chí xem chúng là đồng nghĩa. Tuy nhiên, khi xét về mặt pháp lý, hai khái niệm này có sự khác biệt quan trọng, đặc biệt khi áp dụng trong các giao dịch tài chính và hợp đồng dân sự.

Vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cách nói nào mới là chính xác? Nên sử dụng “vay tiền” hay nên sử dụng “mượn tiền”? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

1. Vay tiền và mượn tiền theo ngôn ngữ thông thường

Trong đời sống hàng ngày, nhiều người thường dùng lẫn lộn giữa từ “vay” và từ “mượn” để diễn tả hành động lấy một thứ gì đó (tài sản) từ người khác với ý định sẽ trả lại sau, trong đó bao gồm cả vật hay tiền. Ví dụ: “mượn sách”, “mượn xe”, “mượn điện thoại”, “mượn tiền”…

Tuy nhiên, cách sử dụng thông thường này không hoàn toàn phản ánh chính xác bản chất của từ “vay” và “mượn” cụ thể là khía cạnh pháp lý. Để hiểu đúng về hai khái niệm “vay tiền” và “mượn tiền” theo quy định của pháp luật Việt Nam, cần phân tích từ những quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

2. Vay tiền theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015:

“ Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”

Vậy, tiền là một loại tài sản.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, vay tiền được coi là một dạng hợp đồng dân sự thuộc nhóm hợp đồng vay tài sản. Đây là một thỏa thuận giữa hai bên, trong đó một bên giao tài sản (tiền) cho bên còn lại, và bên vay có nghĩa vụ hoàn trả tài sản (tiền) và lãi theo thỏa thuận. Để hiểu rõ hơn về quy định này, chúng ta sẽ phân tích từng khía cạnh cụ thể, bao gồm bản chất pháp lý, nghĩa vụ của các bên và các điều kiện áp dụng.

2.1. Bản chất pháp lý của hợp đồng vay tiền

Định nghĩa hợp đồng vay tài sản:

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản được định nghĩa như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và có thể phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo quy định trên, có thể nêu ra những ý chính như sau:

  • Hợp đồng vay tiền là một thỏa thuận dân sự giữa bên cho vay và bên vay.
  • Lúc trả lại tài sản vay phải là tài sản cùng loại, có thể là tiền hoặc vật khác có thể đo lường được (như vàng, gạo…).
  • Bên vay có nghĩa vụ hoàn trả đúng số lượng, chất lượng như đã vay.
  • Có thể phát sinh lãi suất nếu có thỏa thuận hoặc bị chi phối bởi quy định của pháp luật.

Lưu ý: Hợp đồng vay tiền có thể được xác lập bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi thực tế. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp, nên lập thành văn bản có chữ ký hai bên hoặc có sự chứng kiến của bên thứ ba.

2.2. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tiền

Trong hợp đồng vay tiền, cả bên cho vay và bên vay đều có những nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của bên cho vay:

Theo Điều 465 Bộ luật Dân sự 2015, bên cho vay có trách nhiệm:

  • Giao đúng số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Không được yêu cầu bên vay trả nợ trước hạn, trừ khi có thỏa thuận khác hoặc bên vay vi phạm cam kết.

Ví dụ thực tế:
Ông A cho anh B vay 100 triệu đồng trong 12 tháng. Sau 6 tháng, ông A yêu cầu anh B phải trả lại toàn bộ số tiền ngay lập tức, mặc dù hợp đồng không quy định về điều này. Yêu cầu này là vi phạm thỏa thuận của hai bên vì chưa đến hạn trả nợ.

Nghĩa vụ của bên vay:

Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, bên vay có trách nhiệm:

  • Hoàn trả đúng số tiền đã vay khi đến hạn.
  • Trả lãi suất (nếu có thỏa thuận)đúng với mức đã cam kết.
  • Không được tự ý trì hoãn hoặc trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Ví dụ thực tế:
Anh B vay của ông A 50 triệu đồng, thỏa thuận sẽ trả trong 6 tháng. Đến tháng thứ 6, anh B không trả tiền và cũng không liên lạc. Trong trường hợp này, ông A có thể khởi kiện anh B ra tòa để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

2.3. Lãi suất trong hợp đồng vay tiền theo luật Việt Nam

Một điểm quan trọng trong hợp đồng vay tiền là vấn đề lãi suất. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất được chia thành hai trường hợp chính:

Lãi suất do các bên thỏa thuận:

Các bên có thể tự thỏa thuận mức lãi suất, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Ví dụ: Nếu anh C vay của chị D 100 triệu đồng, chị D có thể yêu cầu mức lãi suất tối đa là 20 triệu/năm (tức 1,67 triệu/tháng). Nếu chị D yêu cầu mức lãi suất cao hơn (ví dụ 30%/năm), phần lãi vượt quá mức quy định sẽ bị vô hiệu.

Trường hợp không có thỏa thuận về lãi suất:

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

2.4. Xử lý tranh chấp khi không trả nợ đúng hạn

Khi bên vay không trả nợ đúng hạn, bên cho vay có thể thực hiện các bước sau:

Thương lượng và nhắc nhở:

Trước khi sử dụng biện pháp pháp lý, bên cho vay nên nhắc nhở và yêu cầu bên vay trả nợ.

Ví dụ: Chị K cho anh M vay 20 triệu đồng, nhưng đến hạn anh M không trả. Chị K có thể nhắn tin, gọi điện hoặc gặp trực tiếp để yêu cầu anh M thực hiện nghĩa vụ.

Lập đơn khởi kiện ra tòa án:

Nếu bên vay cố tình không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân cấp huyện/quận nơi bên vay cư trú để yêu cầu giải quyết.

Ví dụ: Anh P vay của chị Q 300 triệu đồng nhưng không trả đúng hạn, mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Chị Q có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa để yêu cầu anh P hoàn trả số tiền gốc và lãi.

2.5. Quyền sở hữu đối với tài sản vay

“ Điều 464. Quyền sở hữu đối với tài sản vay

Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.”

Đặc biệt, sau khi chuyển giao tài sản vay (tiền) từ bên cho vay sang cho bên vay, khi đó số tiền vay đó sẽ thuộc quyền sở hữu của bên vay và bên vay có toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt số tiền vay đó.

Có thể nói:

  • Hợp đồng vay tiền là một loại hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật.
  • Các bên có thể tự thỏa thuận mức lãi suất nhưng không vượt quá 20%/năm.
  • Nếu bên vay không trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.
  • Sau khi chuyển giao số tiền vay, bên vay sẽ là chủ sở hữu của số tiền đó.

3. Mượn tiền có đúng theo quy định pháp luật không?

Theo Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng mượn tài sản như sau:

“Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời gian nhất định mà không phải trả tiền, và bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được.”

Từ điều luật này, có thể thấy rằng:

  • Là sự thỏa thuận của các bên: Bên cho mượn và bên mượn.
  • Không có lãi suất: Vì mượn tài sản là miễn phí, không có chuyện trả lãi hay phí sử dụng.
  • Phải trả lại đúng vật đã mượn: Khi hết thời hạn mượn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được, bên mượn phải trả lại đúng tài sản đã mượn, không được trả bằng tài sản tương đương.
  • Mục đích của việc mượn tài sản là để sử dụng

Theo đó, quy định tại Điều 495 Bộ luật dân sự 2015 thì Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản: Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.

Theo Điều 112 Bộ luật dân sự 2015 thì Vật tiêu hao và vật không tiêu hao:

“1. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.

2. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.”

Vậy, vật tiêu hao là vật sau khi sử dụng một lần thì mất đi hoặc không giữ được tính năng, hình dáng và tính chất ban đầu. Tiền sau khi sử dụng lần đầu tiên thì bị mất đi. Đối với hợp đồng mượn thì người mượn phải trả lại tài sản ban đầu cho chủ sở hữu sau khi sử dụng. Tiền sẽ bị mất đi sau khi sử dụng thì không thể trả lại tờ tiền ban đầu được. Vì vậy, tiền không thể là đối tượng của loại hợp đồng này.

4. Phân biệt giữa vay và mượn trong dân sự

4.1. Vay tài sản là gì?

  • Vay tài sản là thỏa thuận mà bên cho vay đưa cho bên vay một loại tài sản nhất định, đến thời hạn bên vay phải trả lại theo đúng giá trị, số lượng chất lượng như tài sản đã vay.
  • Bên vay còn phải trả thêm lãi suất theo thỏa thuận (nếu có) và theo pháp luật quy định.
  • Vay tài sản là hợp đồng song vụ hoặc đơn vụ, trong đó các bên có quyền thỏa thuận bên vay đều có quyền và nghĩa vụ (vd: bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho vay theo thỏa thuận, không được đòi lại trước hạn, ….; bên vay phải trả lại tài sản khi đến hạn, phải trả lãi theo thỏa thuận và theo quy định pháp luật, …)
  • Đối tượng của hợp đồng vay là tài sản tiêu hao hoặc không tiêu hao.
  • Quyền sở hữu tài sản của bên cho vay được chuyển giao cho bên vay kể từ khi bên vay nhận tài sản vay.

4.2. Mượn tài sản là gì?

  • Mượn tài sản là thỏa thuận mà bên cho mượn đưa cho bên mượn một loại tài sản nhất định, đến thời hạn bên mượn phải trả lại đúng tài sản đã mượn đó như ban đầu.
  • Mượn tài sản không có lãi, pháp luật không quy định về lãi mượn tiền
  • Mượn tài sản là hợp đồng đơn vụ, trong đó chỉ có bên mượn có nghĩa vụ với bên cho mượn tài sản
  • Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là tài sản không tiêu hao
  • Quyền của chủ sở hữu tài sản không chuyển giao cho bên mượn tài sản.

5. Vậy mượn tiền hay vay tiền mới đúng?

Như đã trình bày ở trên

“Vay tiền” là thuật ngữ chính xác, có cơ sở pháp lý và được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015.

“Mượn tiền” không phải là khái niệm pháp lý đúng, nhưng vẫn có thể được sử dụng trong giao tiếp thông thường.

Trong các hợp đồng hoặc giao dịch tài chính chính thức, nên sử dụng “vay tiền” để đảm bảo tính pháp lý.

Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa “vay tiền” và “mượn tiền” không chỉ giúp bạn khi thực hiện các giao dịch đúng, chính xác hơn mà còn tránh những rủi ro pháp lý khi thực hiện các giao dịch tài chính. Nếu cần vay tiền, hãy đảm bảo có hợp đồng hoặc giấy tờ chứng minh rõ ràng để tránh tranh chấp về sau.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, “vay tiền” là thuật ngữ chính xác và có cơ sở pháp lý rõ ràng khi nói về các giao dịch tài chính có nghĩa vụ hoàn trả.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Mượn tiền hay vay tiền mới đúng? ”. Trong trường hợp còn đang thắc mắc hoặc cần sử dụng dịch vụ. Qúy Khách hàng có thể liên hệ thông tin dưới đây để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Mục Lục
Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon