Sau gần ba thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã hình thành những điều kiện cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn. Trong tiến trình đó, việc xây dựng hoàn thiện quy định pháp luật là một việc không thể bỏ qua. Bộ luật Dân sự (sau đây được viết tắt là BLDS) trong bối cảnh sửa đổi cũng nâng cao quyết tâm để hoàn thiện mục tiêu chung của cả nước.
Mỗi chế định trong BLDS năm 2015 đều sẽ trở thành một điểm mốc cho sự thay đổi mà nền tảng là sự bắt nhịp cũng như hòa mình vào sự phát triển mới cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chế định thừa kế – một trong những chế định trọng tâm của BLDS cũng đã có sự thay đổi căn bản.
Tuy vậy, với ý nghĩa của lần sửa đổi này, chúng tôi nhận thấy việc đánh giá và hoàn thiện quy định của BLDS năm 2005 về thừa kế chưa thực sự sâu sắc. Đặc biệt, chúng ta đang cố gắng hoàn thiện quyền năng của các chủ thể trong quan hệ thừa kế một cách toàn diện trên mọi phương diện.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới những điểm mới của BLDS năm 2015 về thừa kế. Đồng thời có những lồng ghép nhất định trên phương diện bình luận, đánh giá các quy định mới này. Qua đó, chúng tôi sẽ thể hiện một vài quan điểm cá nhân về việc kiến nghị hoàn thiện quy định mới để đảm bảo tính phù hợp hơn nữa trong quá trình thực thi BLDS năm 2015.
1. Quyền thừa kế
BLDS năm 2015 quy định:
“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
Điểm mới của việc ghi nhận quyền thừa kế lần này tại BLDS năm 2015 là nhấn mạnh “người thừa kế không phải là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”. Như vậy, với việc quy định quyền thừa kế tại Điều luật này và quy định mới trên khẳng định:
Thứ nhất, cá nhân có quyền lập hoặc không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình;
Thứ hai, cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật;
Thứ ba, chủ thể khác cá nhân chỉ có thể hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Điều này có nghĩa, những chủ thể này không được quyền lập di chúc và cũng không được quyền hưởng di sản theo pháp luật.
Tuy nhiên, với quy định trên, chúng tôi cho rằng dễ gây nhầm lẫn ở một số nội dung sau:
Một là, Điều 609 khẳng định “cá nhân có quyền …hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Khẳng định dùng từ hoặc để chỉ dẫn việc hưởng di sản rất có thể khiến cho người đọc hiểu rằng người thừa kế là cá nhân chỉ có thể được hưởng di sản theo một trong hai trình tự. Tức là, người thừa kế đã hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì thôi hưởng thừa kế theo pháp luật và ngược lại. Nhưng về bản chất, người thừa kế là cá nhân hoàn toàn có thể hưởng thừa kế đồng thời cả theo di chúc và theo pháp luật (nếu có);
Hai là, đoạn 1 quy định “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật…”. Thực tế, quy định “để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật” cần được hiểu kế tiếp quyền lập di chúc của cá nhân ở dòng trước. Tức là, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình và nếu không lập di chúc thì để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Nhưng đoạn luật lại sử dụng dấu “;” để ngăn cách hai loại quyền dễ dẫn đến nhầm lẫn. Chúng tôi cho rằng, khi quy định quyền lập di chúc cho cá nhân, điều này đã đồng nghĩa với việc cá nhân có thể lập hoặc không lập di chúc mà khi không lập di chúc thì di sản phải được chia theo pháp luật. Hơn nữa, khi chúng ta tách quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật để đứng độc lập lại trở lên không đầy đủ. Vì thực tế, di sản có thể được để lại theo di chúc và theo pháp luật, và như vậy, người thừa kế cũng sẽ được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do vậy, quy định về quyền thừa kế nên bỏ đoạn “để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật”.
2. Quản lý di sản thừa kế
Quy định về quyền của người quản lý di sản thừa kế được bổ sung thêm hai vấn đề:
Thứ nhất, được thanh toán chi phí bảo quản tài sản.
Thứ hai, trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Việc bổ sung thêm hai quy định mới được đánh giá là sự phù hợp khi xác định quyền năng cho người quản lý di sản thừa kế. Người quản lý di sản được xác định do người để lại di sản chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Hiện tại, quy định về người quản lý di sản được kế thừa từ hai BLDS cũ với những quy định cách xác định, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản.
Với quy định này, chúng tôi cho rằng, BLDS đang “né – tránh” việc ghi nhận hoặc không ghi nhận vai trò của người quản lý di sản khi họ thực hiện hoặc cho người khác thực hiện quyền sử dụng các di sản trong quá trình quản lý. Đồng thời cũng không quy định về hậu quả pháp lý khi người quản lý di sản khai thác, sử dụng di sản thừa kế để hưởng lợi ích, thậm chí tạo ra hoa lợi, lợi tức.
3. Tài sản không có người thừa kế
Việc dùng một số thuật ngữ để thay đổi quy định tài sản không có người thừa kế tại BLDS năm 2015 làm giảm bớt tính quyền uy trong quan hệ này. Điều 622 quy định:
“Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”.
4. Từ chối nhận di sản
Khoản 3 Điều 642 BLDS năm 2005 quy định việc từ chối phải thực hiện trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Theo báo cáo tổng kết của TANDTC, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế, rất ít trường hợp người nhận di sản thực hiện việc từ chối nhận di sản trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Không ít trường hợp, sau khi người để lại di sản chết vài năm, việc phân chia di sản mới được đặt ra. Khi đó, tranh chấp về thừa kế mới nảy sinh, các bên đương sự đưa nhau ra tòa, yêu cầu Tòa án giải quyết.
Mặt khác, việc ràng buộc về thời hạn nhận di sản là 6 tháng là chưa hợp lý, vì việc từ chối nhận di sản là quyền của cá nhân về tài sản. Nói cách khác, đó là quyền tự định đoạt của cá nhân (Điều 195 BLDS năm 2005).
Người thừa kế có quyền không nhận di sản bất cứ lúc nào cho đến khi di sản được phân chia mà không ai có thể buộc họ phải nhận, kể cả Tòa án, trừ trường hợp việc từ chối này nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với người khác và đảm bảo về mặt hình thức, thủ tục từ chối nhận di sản. Việc thực hiện quyền năng này ngoài thời hạn 06 tháng hoàn toàn không “gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu quy định tại Điều 165 BLDS năm 2005.
Như vậy là chưa có sự thống nhất trong quy định của BLDS hiện hành tại các Điều 642, 195 và 165. Việc áp dụng một cách máy móc Điều 642 BLDS năm 2005 chỉ là sự làm phức tạp hóa quan hệ dân sự, gây phiền phức cho người dân, chứ chưa thực nhằm mục đích làm ổn định quan hệ xã hội.
Nắm bắt được tinh thần đó, BLDS năm 2015 quy định tại Khoản 3 Điều 620 như sau: “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. Quy định này, ngoài việc giải quyết được những tồn đọng, bất cập của BLDS năm 2005 còn đồng bộ hóa được trình tự, thủ tục với một số quy định của ngành luật khác.
Do đó, quy định mới tại Khoản 3 Điều 620 BLDS năm 2015 về việc từ chối hưởng di sản không chỉ khắc phục được hạn chế của BLDS năm 2005 mà còn đảm bảo tốt hơn việc thực hiện quyền hưởng thừa kế của người thừa kế. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa hóa quyền của những người thừa kế khác đối với di sản thừa kế trong việc triển khai, thực hiện các quyền năng của mình đối với di sản thừa kế đó.
5. Về thời hiệu thừa kế
Di sản nói dưới góc độ thừa kế hay chính là tài sản phải được khai thác, sử dụng mang lại nhưng giá trị lợi ích cho con người mới chính là ý nghĩa thực sự của tài sản. Tuy vậy, trên thực tế không ít trường hợp, người thừa kế không thực hiện các thủ tục để hợp thức hóa di sản thừa kế thành tài sản của mình để tiện cho việc khai thác. Điều này được lý giải từ những khả năng sau:
Một là, người thừa kế không phân chia di sản mà để truyền từ đời này qua đời khác.
Nhìn nhận chung, tại nhiều vùng miền, địa phương trên phạm vi cả nước, người dân ngại va chạm với các thủ tục pháp lý, đặc biệt những thủ tục liên quan đến di sản thừa kế. Mà với họ, quan niệm những giá trị tài sản như quyền sử dụng đất và nhà ở (những di sản có giá trị lớn) sẽ thuộc về những người con trai hoặc người trưởng nam trong dòng họ. Do đó, khi một người qua đời nếu không có tranh chấp phát sinh thì chính di sản đó sẽ được kế tục từ đời này qua đời khác.
Hai là, người thừa kế không phân chia di sản trong thời hiệu mà pháp luật cho phép.
Cũng từ tâm lý chung xuất phát từ xã hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam là trọng tình cảm nên khi một người chết đi, hiếm khi con cháu họ yêu cầu chia thừa kế ngay. Sau khi mai táng, phong tục ở nhiều nơi trải qua nhiều lần giỗ đầu, giỗ cắt tang… xong họ mới nghĩ đến chuyện phân chia sản. Thêm nhiều lời dị nghị từ dư luận xã hội, đôi khi chính những người thừa kế lại khôm dám nói chuyện với nhau về việc thực hiện phân chia di sản.
Quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005 là 10 năm cho việc yêu cầu chia, xác nhận hoặc bác bỏ quyền thừa kế và 3 năm cho việc yêu cầu những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại từ thời điểm mở thừa kế và được cụ thể hơn tại Nghị quyết số 04/2004/HĐTPTANDTC khi quá thời hiệu phải thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, như hai ý đã phân tích ở trên cộng thêm việc đảm bảo cho việc khai thác di sản của những người thừa kế trong khoảng thời gian thời hiệu thì BLDS năm 2005 và Nghị quyết số 04/2004 nói trên không thể triệt để được.
Nắm được tinh thần đó, BLDS năm 2015 ra đời đã thay đổi khoảng thời gian của thời hiệu cũng như giải quyết được việc phân chia di sản khi kết thúc khoảng thời gian của thời hiệu đó. Cụ thể:
+ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản.
+ Hết thời hạn này, di sản thuộc về người đang quản lý di sản đó.
+ Khi không có người quản lý di sản: (i) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định của pháp luật; (ii) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu như trên.
Với quy định này, chúng tôi cho rằng BLDS năm 2015 đã giải quyết được một số tồn đọng như trên đã phân tích của BLDS năm 2005. Đúng với tinh thần của việc sửa đổi lần này gắn với mục tiêu phát triển quan hệ thị trường, một trong những điều kiện quan trọng, cần thiết bên cạnh việc bảo vệ quyền sở hữu thì phải phát huy vai trò của những người không phải là chủ sở hữu.
Điểm mới sắc nét nhất của quy định trên là ghi nhận vai trò của người quản lý di sản, khai thác, sử dụng di sản của người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của pháp luật. Theo chúng tôi, quy định này thực sự ý nghĩa và phù hợp cả từ góc độ pháp lý đến góc độ thực tiễn. Việc họ khai thác, sử dụng, quản lý di sản trong khoảng thời gian 30 năm phải được ghi nhận địa vị pháp lý của họ với tư cách là chủ sở hữu tài sản đó. Có như vậy, ý nghĩa vật lý, vai trò của tài sản mới được đảm bảo thực sự dưới góc độ pháp lý.
6. Về người lập di chúc
BLDS năm 2015 quy định: “Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”. Quy định này khẳng định, người lập di chúc phải là người đã thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Tính chất đặc thù của di chúc là phát sinh hiệu lực pháp luật sau khi người để lại di sản chết. Mà sau khi người lập di chúc chết, tính đối chất cho việc lập di chúc sẽ không còn tồn tại từ phía người lập. Do đó, quy định nghiêm ngặt hơn về người lập di chúc, khả năng lập di chúc cũng là điều dễ hiểu. Việc ghi nhận mới này của BLDS năm 2015 là một sự phù hợp.
BLDS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”. Quy định này để khắc phục bất cập trong quy định tại khoản 2 Điều 647 BLDS hiện hành là: người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc.
Tuy nhiên, điều luật không quy định rõ về thời điểm và hình thức sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thừa nhận vào thời điểm nào? Trước, trong hay sau khi con lập di chúc? Hay cả 03 thời điểm đều có giá trị pháp lý? Hình thức của sự đồng ý đó là bằng miệng hay văn bản?