Trách nhiệm liên đới là gì? Trách nhiệm liên đới của vợ chồng

trach-nhiem-lien-doi-la-gi-trach-nhiem-lien-doi-cua-vo-chong

Tình yêu là sự tự nguyện giữa hai người, hôn nhân là đích đến, là kết kết quả đẹp của mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, chung sống một nhà sẽ phát sinh rất nhiều trách nhiệm. Kết hôn, trở thành vợ chồng ngoài phát sinh ra quyền và nghĩa vụ khi vợ chồng cùng chung sống, cùng nhau đóng góp tạo nên khối tài sản chung mục đích vì gia đình, còn phát sinh trách nhiệm khác với nhau. Trong hôn nhân và gia đình gọi đây là trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng.

Căn cứ pháp lý :

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng là gì?

Hiện nay, chưa có khái niệm cụ thể về trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, trong bộ luật dân sự có quy định về liên đới, từ đó ta có thể hiểu trách nhiệm liên đới là trách nhiệm dân sự do nhiều người gây ra thiệt hại đối với một hay nhiều người khác và cùng nhau chịu trách nhiệm đó. Mức độ chịu trách nhiệm sẽ xác định theo mức thiệt hại mà mỗi người gây ra.

Vậy, trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng được hiểu là trách nhiệm của vợ và chồng đối với giao dịch mà một trong hai bên đại diện xác lập, thay đổi hay chấm dứt hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Khái niệm trách nhiệm liên đới trong tiếng Anh

Trách nhiệm liên đới được dịch sang tiếng anh là: “Joint and several liability”

Trách nhiệm liên đới giữa hai vợ chồng: Husband and wife are jointly responsible for transactions performed by one party in accordance with the law.

Một số thuật ngữ tiếng Anh liên quan:

Trách nhiệm: responsible

Nghĩa vụ: obligation

Cần thiết: necessity

Quyền lợi: benefit

Thỏa thuận: agreement

Thừa hưởng, thừa kế: inherited

Thu nhập: earn

3. Quy định của pháp luật về tài sản của vợ chồng

3.1. Tài sản chung và nghĩa vụ chung của vợ chồng

Chế độ tài sản giữa vợ chồng là bình đẳng, tôn trọng. Cả hai có nghĩa vụ phải đảm bảo điều kiện để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của gia đình. Việc xác định trách nhiệm liên đới trong quan hệ vợ chồng là vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo lợi ích của vợ chồng, lợi ích của gia đình, quyền lợi của người khác khi tham gia giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân từ thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác…

Ngoài ra, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đối với tài sản của vợ chồng thì luật có quy định về nghĩa vụ chung căn cứ tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng có nghĩa vụ chịu trách nhiệm từ các giao dịch phát sinh do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật; hoặc nghĩa vụ do vợ chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình; hay phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung,…

3.2. Tài sản riêng của vợ chồng và nghĩa vụ riêng về tài sản

Trong hôn nhân, nhiều người hiểu chưa chính xác về việc tài sản của vợ cũng như tài sản của chồng, đều là tài sản chung. Tuy nhiên, tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hay được tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ hoặc chồng theo quy định. Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ chồng thì được coi là tài sản riêng.

Đối với tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kì hôn nhân, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Với tài sản riêng thì vợ, chồng sẽ có nghĩa vụ riêng về tài sản, được quy định tại Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình, phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật hay phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ chồng theo quy định,…

4. Quy định của pháp luật về trách nhiệm liên đới của vợ chồng

Căn cứ tại Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng.

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Theo khoản 1 Điều 30 thì vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ thực hiện giao dịch trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Ngoài ra, luật còn quy định về đại diện giữa vợ và chồng có liên quan đến trách nhiệm liên đới tại điều 24, 25 và 26 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

Vợ và chồng đồng ý để cho một bên đại diện, ủy quyền cho nhau trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan.

Trường hợp vợ, chồng có kinh doanh chung thì khi vợ hoặc chồng thực hiện theo ý định , mong muốn trong kinh doanh của hai vợ chồng, tài sản được sử dụng vào mục đích kinh doanh thì cả hai cùng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba trong quan hệ tài sản.

Việc đại diện giữa vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì mọi giao dịch liên quan đến tài sản chung này đều do hai vợ chồng chịu trách nhiệm.

Giao dịch do cả 2 vợ chồng thỏa thuận xác lập, thực hiện hay chấm dứt thì khi có vấn đề xảy ra, tranh chấp, bồi thường trong bất kì vụ giao dịch nào thì cả hai đều phải đứng ra chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp, con của hai người chưa thành niên gây ra thiệt hại cần phải bồi thường thì cha mẹ là người giám hộ của con sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trường hợp nào vợ hoặc chồng không phải chịu trách nhiệm liên đới

Việc vợ hoặc chồng đại diện giao dịch là hợp pháp. Thế nhưng có những trường hợp trên thực tế một trong hai bên lại không chấp nhận trách nhiệm liên đới trong các vấn đề như bồi thường thiệt hại, trả nợ, cầm cố tài sản, thế chấp tài sản…

Khi tham gia vào giao dịch dân sự nói chung cũng như hợp đồng dân sự nói riêng đối với tài sản chung của vợ và chồng đều phải có sự thỏa thuận và đồng ý của cả vợ và chồng. Nếu một bên vợ hoặc chồng không có sự đồng ý, thì giao dịch dân sự hay hợp đồng dân sự đó là bất hợp pháp, bị coi là vô hiệu. Dưới đây là một vài trường hợp vợ hoặc chồng không phải chịu trách nhiệm liên đới:

Trường hợp 1: Giao dịch dân sự giữa vợ hoặc chồng xác lập, thay đổi mà một bên còn lại (vợ hoặc chồng) không biết về việc xác lập hay thay đổi trong giao dịch và giao dịch không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của gia đình mà chỉ mang tính chất quyền lợi của cá nhân đó. 

Ví dụ: Chồng tự ý đi vay tiền tín dụng đen để đánh bạc. Vợ không hề biết việc vay mượn này và tất nhiên không tham gia vào việc đánh bạc đó. Người cho vay cũng biết rõ là vợ không đồng ý cho chồng vay và mục đích của việc vay tiền. Như vậy, khoản vay này sẽ là khoản nợ riêng của chồng.

Trường hợp 2: Trước khi tham gia giao dịch cả hai đã có thỏa thuận riêng là không liên quan, ảnh hưởng gì đến tài sản chung. Việc thực hiện xác lập hay giao dịch trong quan hệ dân sự đó chỉ có một bên vợ hoặc chồng xác lập bằng tài sản riêng của mình và không đem lại hoa lợi, lợi tức chung nhằm đáp ứng nhu cầu trong gia đình.

Ví dụ: Hai vợ chồng thỏa thuận bằng văn bản về việc chồng dùng tiền bố mẹ đẻ cho riêng để thành lập công ty, việc phát sinh hoa lợi, lợi tức, doanh thu, lợi nhuận hoặc thiệt hại của công ty này không có trách nhiệm liên đới của hai vợ chồng.

Trường hợp 3: Vợ và chồng vẫn trong thời kì hôn nhân nhưng trong tình trạng ly thân hoặc ly hôn nhưng chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Cả hai có thỏa thuận riêng về tài sản, con cái. Nếu liên quan đến việc bồi thường trong dân sự thì cá nhân phải chứng minh được mối quan hệ giữa hai vợ chồng, đồng thời giao dịch dân sự không phục vụ cho mục đích trong hôn nhân.

Ví dụ: Hai vợ chồng đã ly thân nhiều năm nhưng chưa làm thủ tục ly hôn theo quy định. Tuy nhiên, cả hai đã thỏa thuận bằng văn bản về việc chia tà sản chung, nợ chung trước đó, thỏa thuận về việc không ràng buộc trách nhiệm liên đới… Sau đó, chồng đi xe gây tai nạn giao thông. Lúc này, trách nhiệm bồi thường chỉ thuộc về người chồng, người vợ không có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại.

6. Ví dụ về trách nhiệm liên đới của vợ chồng

Ngày 22/01/2021 ông N.T.A lập hợp đồng bán cho anh V.D.T căn nhà tại tổ 3, phường X, thành phố Y là tài sản chung của vợ chồng ông và bà T.T.H với giá 2.500.000.000 đồng, không có sự đồng ý của bà H. Do đó bà H đã khởi kiện đòi anh T phải trả lại nhà cho bà.

Ông A và anh T đều thừa nhận việc mua bán nhà chưa có sự đồng ý của bà H, tiền bán nhà ông A đã sử dụng. Anh T đề nghị được tiếp tục thực hiện hợp đồng, trường hợp phải trả lại nhà thì yêu cầu ông A, bà H phải trả cho anh tiền mua nhà và tiền sửa chữa nhà mà anh đã bỏ ra là 100.000.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng mua bán nhà giữa ông A với ông T là vô hiệu. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/DSST của Tòa án nhân dân thành phố Y đã quyết định: Buộc anh T phải trả cho bà H, ông A căn nhà tại tổ 3, phường X, thành phố Y. Buộc ông A phải trả cho anh T 2.500.000.000 đồng. Vợ chồng bà H, ông A có trách nhiệm liên đới thanh toán tiền sửa chữa nhà cho anh T (vì bà H, ông A cùng được nhận lại nhà, thì cùng phải liên đới thanh tóan cho anh T tiền sửa chữa nhà).

Qua ví dụ nêu trên cho thấy: Hợp đồng dân sự được một bên vợ hoặc chồng xác lập liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì hợp đồng dân sự đó bị Tòa án tuyên bố vô hiệu là đúng. Song việc xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với hợp đồng dân sự do một bên thực hiện và việc xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu có khác nhau.

Trên đây là những phân tích của Luật Dương Gia về trách nhiệm liên đới và quy định của pháp luật về trách nhiệm liên đới của vợ chồng . Trường hợp cần tư vấn chi tiết, các bạn có thể liên hệ hotline 19006586 để được tư vấn, báo phí và hỗ trợ dịch vụ pháp lý.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon