Hành vi công nhận có tạo ra quyền năng chủ thể LQT của quốc gia?

hanh-vi-cong-nhan-co-tao-ra-quyen-nang-chu-the-lqt-cua-quoc-gia

Quốc gia là một nước cũng chính là chủ thể có quyền năng nguyên thủy và quyền năng truyền thống. Quốc gia là chủ thể độc nhất có các khả năng để tự xác lập thực hiện quyền và nghĩa vụ cho chính mình. Thực tế cho thấy, quốc gia có quyền năng đầy đủ vì nó hội tụ được rất nhiều yếu tố, trong đó có bốn yếu tố chính là có lãnh thổ thường xuyên, dân cư ổn định, có một chính phủ và có năng lực tham gia vào quan hệ quốc tế với các chủ thể khác và chủ quyền – thuộc tính chính trị pháp lý mà các chủ thể khác không có đầy đủ. Vậy “Hành vi công nhận có tạo ra quyền năng chủ thể LQT của quốc gia được công nhận hay không?”. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

1. Công nhận quốc tế là gì?

1.1. Khái niệm công nhận

Sự xuất hiện và tồn tại trên trường quốc tế những quốc gia trẻ, mới giành được độc lập và việc thành lập tại nhiều quốc gia những chính phủ mới có quy chế pháp lý hoàn toàn khác với quy chế pháp lý của chính phủ đã tồn tại trước đó trong cộng đồng quốc tế tất yếu sẽ gây nên những phản ứng khác nhau cho các quốc gia, các chính phủ khác. Trước các sự kiện trên, các quốc gia, các chính phủ khác thường có những hành động nhất định nhằm thể hiện thái độ, phản ứng của mình, qua đó bày tỏ quan điểm của mình đối với sự kiện này. Đây là cơ sở đặt ra vấn đề công nhận trong luật quốc tế. Như vậy, hành vi công nhận được đặt ra khi có sự xuất hiện của quốc gia mới hoặc người đại diện mới cho quốc gia trong quan hệ quốc tế.

1.2. Định nghĩa

Như vậy, công nhận quốc tế là hành vi chính trị – pháp lý của quốc gia công nhận dựa trên nền tảng các động cơ nhất định (mà chủ yếu là động cơ chính trị, kinh tế, quốc phòng) nhằm xác nhận sự tồn tại của thành viên mới trong cộng đồng quốc tế, khẳng định quan hệ cuả quốc gia công nhận đối với chính sách, chế độ chính trị, kinh tế của thành viên mới và thể hiện ý định muốn được thiết lập các quan hệ bình thường, ổn định với thành viên mới của cộng đồng quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống quốc tế.

2. Công nhận và quyền năng chủ thể LQT của quốc gia được công nhận

Liên quan đến vấn đề này, trong thực tiễn quan hệ quốc tế tồn tại một số các học thuyết với những quan điểm khác nhau. Trong đó, nổi lên 2 học thuyết đó là:

  • Thuyết cấu thành: Thuyết cấu thành (hay còn gọi là thuyết sáng lập ra chủ thể LQT) xuất hiện vào đầu thế kỉ 19. Nội dung cơ bản của thuyết này cho rằng hành vi công nhận sẽ tạo ra quyền năng chủ thể LQT cho quốc gia được công nhận. Theo đó, ngoài 4 yếu tố cấu thành quốc gia, quốc gia phải được các quốc gia khác công nhận mới có tư cách là chủ thể LQT. Hạn chế lớn nhất của thuyết này đó là gắn sự tồn tại của một quốc gia vào ý chí chủ quan của một quốc gia khác. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng về nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và do đó nó mâu thuẫn với nội dung của LQT hiện đại.
  • Thuyết tuyên bố: Thuyết này được hình thành từ trào lưu chống lại thuyết cấu thành của các luật gia quốc tế tư sản. Nội dung của thuyết này cho thấy, hành vi công nhận không tạo ra quyền năng chủ thể LQT cho quốc gia được công nhận, mà hành vi công nhận chỉ có ý nghĩa như một tuyên bố về sự tồn tại của quốc gia mới trong quan hệ quốc tế. Học thuyết này được sử dụng và được thừa nhận phổ biến hơn thuyết cấu thành.

VD: Sau năm 1945, Việt nam DCCH trở thành 1 quốc gia độc lập và có đầy đủ quyền năng tham gia quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, do chưa được hầu hết các quốc gia công nhận nên khả năng thực hiện quyền năng chủ thể LQT của VNDCCH bị hạn chế rất nhiều. Ví như việc tham gia LHQ. VNDCCH có nộp đơn yêu cầu. Tuy nhiên, theo thủ tục thông qua các nghị quyết của LHQ là phải có 9/15 phiếu (trong đó có 5 phiếu của các UVTT của HĐBALHQ), nhưng VN bị 3 quốc gia là Mỹ, Pháp và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết với lý do các quốc gia này không công nhận VNDCCH là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, đến năm 1977 do có sự công nhận của hầu hết các quốc gia này nên VN đã trở thành thành viên của LHQ.

Nhận xét: Như vậy, công nhận sự tồn tại của một quốc gia mới đối với quốc gia tiến hành việc công nhận là hành vi pháp lý dựa trên chủ quyền quốc gia (là quyền của quốc gia). Pháp luật quốc tế không đặt ra nghĩa vụ phải công nhận quốc gia mới cho mỗi chủ thể LQT. Tiến hành các hành vi công nhận mang tính pháp lý, chính trị, quốc gia công nhận thường dựa trên những động cơ, mục đích nhất định nhằm thực hiện ý định, mong muốn thiết lập quan hệ bình thường và ổn định ở nhiều lĩnh vực khác nhau với quốc gia được công nhận. Và việc công nhận hay không công nhận của các quốc gia đối với quốc gia mới xuất hiện không làm ảnh hưởng đến tư cách quốc gia của thực thể đó. Tuy nhiên, hành vi công nhận của các quốc gia khác sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quốc gia được công nhận khi tham gia vào các quan hệ quốc tế.

3. Các thể loại công nhận quốc tế, hình thức và phương pháp công nhận

3.1. Các thể loại công nhận quốc tế

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế có nhiều thể loại công nhận khác nhau, như: công nhận mặt trận dân tộc giải phóng, công nhận các bên khởi nghĩa, công nhận các bên tham chiến… Song, công nhận quốc gia và công nhận chính phủ mới thành lập là hai thể loại công nhận cơ bản của công nhận quốc tế.

3.2. Công nhận quốc gia

Bản chất của công nhận quốc gia là công nhận chủ thể mới trong quan hệ quốc tế. Việc công nhận quốc gia được đặt ra khi có một quốc gia mới xuất hiện. Thông thường, các quốc gia mới được hình thành chủ yếu theo một trong các con đường sau:

– Theo cách truyền thống và cổ điển nhất: tại các lãnh thổ vô chủ không có người sống, một nhóm người đến sinh sống trên lãnh thổ đó bắt đầu có sự thiết lập chế độ quản lý nhằm duy trì trật tự xã hội và tăng cường quyền lực để mở rộng đất đai…Như vậy, quốc gia hình thành theo con đường truyền thống là sự tập hợp dần dần của 4 yếu tố cấu thành quốc gia. Yếu tố quan trọng nhất để quốc gia được hình thành theo cách này là phải tồn tại lãnh thổ vô chủ. Tuy nhiên, hiện nay lãnh thổ vô chủ hầu như không còn tồn tại trong quan hệ quốc tế, vì bên cạnh lãnh thổ quốc gia (nơi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn), thì các lãnh thổ khác (bao gồm cả các hành tinh) cũng được cộng đồng quốc tế xác lập cho nó quy chế của lãnh thổ quốc tế – nơi các quốc gia không có quyền chiếm hữu và định đoạt, nhưng có quyền sửdụng. Do đó, hiện nay quốc gia mới không còn được hình thành theo cách này.

– Hiện nay, quốc gia mới được hình thành chủ yếu theo các con đường: chia tách (Liên Xô cũ tách thành 15 quốc gia) hay hợp nhất quốc gia (VD: CHLB Đức được hợp nhất từ Đông Đức và Tây Đức); thông qua con đường đấu tranh giải phóng dân tộc (Việt Nam sau năm 1945), hoặc quốc gia hình thành từ Cách mạng xã hội (CMT10 Nga). Đối với trường hợp quốc gia cũ nhưng chính phủ mới (thường thông qua đảo chính), cộng đồng quốc tế sẽ bày tỏ thái độ, quan điểm của mình trước sự xuất hiện của chủ thể mới hay người đại diện mới cho quốc gia trong các quan hệ những phản ứng quốc tế như vậy thường đưa đến những hệ quả pháp lý nhất định, làm thay đổi hoặc củng cố thêm các mối quan hệ quốc tế đa dạng giữa các quốc gia trong quan hê quốc tế . Đồng tình hay không đồng tình, ủng hộ hay không ủng hộ…chính là biểu hiện của hành vi công nhận hay không công nhận trong quan hệ quốc tế.

Về pháp lý, bất kỳ quốc gia nào mới hình thành trong LQT không đặt ra điều kiện công nhận.

Công nhận chính phủ: Việc công nhận Chính phủ mới chỉ được đặt ra trong trường hợp chính phủ mới được thành lập không bằng con đường hợp hiến. Bản chất của công nhận Chính phủ mới là công nhận người đại diện hợp pháp cho một quốc gia vẫn đang tồn tại trong quan hệ quốc tế (trong trường hợp quốc gia mới được hình thành thì sự công nhận quốc gia mới đồng thời bao hàm cả việc công nhận chính phủ mới của quốc gia đó. Do đó, không đặt ra vấn đề công nhận riêng chính phủ trong trường hợp này). Chính phủ mới xuất hiện chủ yếu dưới 2 hình thức là chính phủ de jure (là kết quả về mặt pháp lý) và chính phủ de facto (hình thành chủ yếu do đảo chính). Tuy nhiên, việc công nhận chỉ đặt ra đối với chính phủ de facto vì: nó là chính phủ phi hiến, quốc gia khác muốn thiết lập quan hệ với chính phủ này phải tiến hành công nhận. Khác với công nhận quốc gia mới, để được công nhận, chính phủ mới thành lập phải thỏa mãn 3 điều kiện để chứng minh cho tính hữu hiệu của mình đó là:

  • Yếu tố không gian: chính phủ đó phải kiểm soát toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ quốc gia.
  • Yếu tố thời gian: Chính phủ đó phải có khả năng để duy trì quyền lực của mình trong một thời gian dài.
  • Chính phủ đó phải được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng

3.3. Hình thức công nhận

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, cho đến nay chưa có một hình thức công nhận nào được áp dụng chung thống nhất đối với các thể loại và đối với các trường hợp công nhận cụ thể. Nhìn chung, có 3 hình thức công nhận chủ yếu được đưa ra trong quan hệ quốc tế, đó là: công nhận de jure, công nhận de facto và công nhận ad hoc. 3 hình thức công nhận này biểu hiện 3 cấp độ công nhận khác nhau trong sinh hoạt quốc tế, điều này thể hiện ở chỗ:

Công nhận de jure Công nhận de facto Công nhận ad hoc

– Đây là hành vi công nhận chính thức ở mức độ đầy đủ nhất, toàn diện nhất.

– Đây là hành vi công nhận chính thức nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện.

– Là hình thức công nhận không chính thức, quan hệ giữa các bên chỉ phát sinh trong một phạm vi nhất định nhằm giải quyết một vụ việc cụ thể, và quan hệ đó sẽ chấm dứt ngay sau khi hoàn thành công việc.

  • Động cơ: thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối và thực sự muốn thiết lập quan hệ với bên được công nhận – Thể hiện sự thận trọng, e ngại và miễn cưỡng trong việc thiết lập quan hệ
  • Tính chất: là hình thức công nhận vĩnh viễn, không thể bị hủy bỏ – Là hình thức công nhận tạm thời, có thể bị hủy bỏ hoặc duy trì và nâng lên thành công nhận de jure, tùy thuộc vào động cơ công nhận
  • Hệ quả pháp lý: nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao trên tất cả các phương diện – là cơ sở cho việc thiết lập các quan hệ lãnh sự, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, thương mại
  • Khác với công nhận ad hoc-là hình thức công nhận mang tính vụ việc, 2 hình thức công nhận de jure và de facto là hình thức công nhận chính thức, quan hệ giữa quốc gia công nhận và quốc gia được công nhận trong 2 hình thức này được duy trì thường xuyên.

VD: Năm 1976 Mỹ thực thi chính sách cấm vận đối với Việt nam, tuy nhiên trong thời gian này, Mỹ cũng tiến hành công nhận ad hoc với Việt nam bằng cách ký một loạt các hiệp định song phương liên quan đến vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Mỹ mất tích tại Việt nam…

3.4. Phương pháp công nhận

Là cách thức mà các quốc gia thể hiện thái độ của mình, luật quốc tế hiện đại không bắt buộc các quốc gia hay chủ thể khác phải áp dụng phương pháp công nhận cụ thể nào cho từng trường hợp công nhận khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp công nhận nào hoàn toàn xuất phát từ sự lựa chọn của chủ thể công nhận. Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy có 2 phương pháp công nhận thường được áp dụng là công nhận minh thị và công nhận mặc thị.

  • Công nhận minh thị: Là sự công nhận được thể hiện rõ ràng, minh bạch, thông qua các hành vi rõ rệt, cụ thể của quốc gia công nhận trong các văn bản chính thức (như công hàm, văn kiện ngoại giao…).

VD: Nga công khai tuyên bố công nhận độc lập của Nam Ossetia và Apkhazia

  • Công nhận mặc thị: Là sự công nhận được thể hiện một cách kín đáo, ngấm ngầm mà bên được công nhận hoặc các quốc gia và chính phủ khác phải dựa vào tập quán hay các nguyên tắc suy diễn trong quan hệ quốc tế mới làm sáng tỏ được ý định của bên công nhận.

VD: – Hoa kỳ mặc nhiên công nhận Việt Nam DCCH khi ký kết Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt nam.

  • Quốc gia A không công khai công nhận quốc gia B, nhưng lại thiết lập các quan hệ kinh tế, thương mại, trao đổi phái đoàn ngoại giao với B.

3.5. Hệ quả pháp lý của hành vi công nhận

  • Công nhận không tạo ra chủ thể mới của LQT, nhưng việc công nhận là cơ sở để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ bình thường giữa các quốc gia.
  • Tạo cho quốc gia mới có điều kiện để tham gia vào các quan hệ quốc tế: tham gia xây dựng LQT, tham gia các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế, tham gia giải quyết

Các vấn đề quốc tế có liên quan đến mình:

  • Tạo điều kiện cho quốc gia mới phát triển về mọi mặt: kinh tế, xã hội…
  • Là cơ sở để giải quyết triệt để vấn đề quy chế pháp lý quốc gia. Nếu quốc gia không được công nhận sẽ gặp khó khăn khi tham gia quan hệ quốc tế (VD: không được hưởng quyền miễn trừ quốc gia).

Trên đây là nội dung giải đáp đối với câu hỏi “Hành vi công nhận có tạo ra quyền năng chủ thể LQT của quốc gia được công nhận hay không?”. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon