Rào cản thương mại đối với thương mại hóa sáng chế, thực tiễn từ việc phân loại rác thải tự động

thuong-mai-hoa-sang-che-thuc-tien-tu-viec-phan-loai-rac-thai

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến 2025, toàn bộ tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.

Bài viết dưới đây sẽ đi sâu, phân tích rào cản thương mại đối với thương mại hóa sáng chế, thực tiễn từ việc phân loại rác thải tự động

1. Những rào cản trong thương mại hoá công nghệ xử lý rác dựa trên sáng chế là gì?

Để giải đáp, các tác giả đã sử dụng phương pháp kế thừa kết quả của những dự án, đề tài liên quan đã công bố, kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt; báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia trên phạm vi cả nước. Phương pháp nghiên cứu tình huống (case study) cũng được sử dụng triệt để minh hoạ thông qua các thông tin và dữ liệu thực tế của Công ty nơi chính các tác giả đang điều hành. Trong nền kinh tế tuần hoàn, việc tái chế tái sử dụng rác thải sinh hoạt là một trong những việc làm tất yếu của mỗi quốc gia. Việc nhập ngoại các công nghệ xử lý rác vào Việt Nam suốt 20 năm qua chưa thành công (hoặc kém hiệu quả và gây lãng phí tài nguyên như công nghệ điện rác) là bởi trong quy trình xử lý rác còn thiếu một mắt xích đó là phân loại rác tại nguồn (phân loại tập trung). Nhận thấy lỗ hổng này ngay từ năm 2008 tại nhà máy xử lý rác thải Sơn tây Seraphin, tác giả Lại Minh Chức, nay là Giám đốc Công ty Khoa học Công nghệ Môi trường Việt Nam, đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo tổ hợp thiết bị tự động phân loại rác thải ở quy mô công nghiệp hàng trăm tấn ngày. Công trình đoạt giải thưởng VIFOTEC năm 2014 và sáng chế này đã được chuyên gia độc lập của WIPO thực hiện đinh giá 12,24 triệu USD.[1]

2. Quy định hiện hành về phân loại và xử lý rác thải rắn sinh hoạt

Những văn bản hiện hành chủ yếu về phân loại và xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay gồm:

  • Luật số 72/2020/ QH14 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
  • Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
  • Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
  • Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
  • Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
  • Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;
  • Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  • Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
  • Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;
  • Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Theo Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định tại Điều 75 về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như sau:

“1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tại chế;

b) Chất thải thực phẩm;

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

3. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân ”.

Để phù hợp với tình hình mới, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, đẩy mạnh xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

3. Tóm lược về các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phổ biến là chôn lấp còn lại là đốt, ủ phân hữu cơ và tái chế. Các công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng ở nước ta (kể cả các công nghệ nhập ngoại từ nước ngoài) ngày càng đa dạng nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định. Các công nghệ được nghiên cứu trong nước hầu hết do các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đảm nhiệm nên việc hoàn thiện công nghệ cũng như triển khai ứng dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên cả nước có 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh[2].

Sơ đồ sau thể hiện chỉ có một quy trình xử lý rác thải tổng hợp bao gồm cả 4 phương pháp đó trong một khu xử lý rác, và cả 4 phương pháp này đã được thực hiện ở Việt Nam.

4. Sự thiếu nhất quán trong các quy định hiện hành về chủ thể quản lý về rác thải tại Việt Nam và một số hệ lụy

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là đầu mối thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn và đã tiến hành đánh giá, xây dựng Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung; kiểm tra, đánh giá thực tế công tác

quản lý chất thải rắn tại các địa phương; xây dựng và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý chất thải rắn. Về cơ cấu quản lý, hiện nay, việc quản lý rác thải sinh hoạt toàn quốc đang giao cho Bộ Xây dựng. Tuy vậy, ở cấp địa phương, việc quản lý này không thống nhất: 22 tỉnh giao Sở TN&MT là đầu mối, 33 tỉnh thành giao cho Sở Xây dựng và có 8 tỉnh thành cả Sở TN&MT và Sở Xây dựng cùng chịu trách nhiệm[3].

Những hệ lụy trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt hiện nay ở nước ta là:

  • Tại nhiều nơi trên cả nước việc vận chuyển rác thải sinh hoạt vẫn chưa sử dụng phương tiện chuyên dụng.
  • Do chưa có phương tiện chuyên dụng, quy trình thu gom vận chuyển và xử lý rác thải chưa phân loại tại nguồn nên nhiều nơi triển khai phân loại rác thải tại nguồn không thành công.
  • Môi trường đất, nước và không khí bị tàn phá năng nề thêm do ô nhiễm thứ cấp từ quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.
  • Cho đến nay chưa có mô hình mẫu xử lý rác thải sinh hoạt nào được chính phủ chấp nhận cho phép nhân rộng.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% được chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội như: rác thải bốc mùi, bãi rác quá tải và ô nhiễm môi trường. Tại TPHCM, thống kê mỗi ngày người dân thải ra khoảng 8.500 tấn rác, tại Hà Nội mỗi ngày thải ra khoảng 7.500 tấn rác, trong đó có nhiều loại chất thải nguy hại. Điều này cho thấy, việc phân loại và xử lý rác hiệu quả, an toàn là vấn đề vô cùng quan trọng, nhất là tại các thành phố lớn.

Để xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng yêu cầu an toàn và hiệu quả, đối với bất cứ công nghệ xử lý nào cũng cần áp dụng tổng hợp các giải pháp công nghệ như: rác phải được phân loại tại nguồn hoặc phân loại tập trung bằng thiết bị công nghệ phân loại phù hợp; Tận thu các loại rác có thể tái chế theo hướng kinh tế tuần hoàn; Áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực ủ sinh học yếm khí hoặc hiếu khí để tái chế rác thải hữu cơ dễ phân hủy sinh học thành mùn hữu cơ sinh học an toàn phục vụ nông nghiệp hoặc lấy khí gas để phát điện; Đốt bỏ các loại rác hữu cơ có nhiệt trị cao nhưng khó tái chế.

Hiện nay, tại Việt Nam, các giải pháp này chưa được triển khai kết hợp, đồng bộ. Việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó chưa có một công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt nào chứng minh được tính phù hợp trong thực tế sản xuất ở quy mô công nghiệp. Do được ưu đãi hưởng suất vốn đầu tư và mức phí xử lý cao nên công nghệ đốt bỏ triệt để rác thải được nhiều địa phương lựa chọn. Tuy nhiên, khí thải lò đốt hiện gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí dẫn tới sự phản đối người dân một số địa phương. Đặc biệt loại lò đốt công suất nhỏ nhập khẩu và sản xuất trong nước có công nghệ xử lý khí thải yếu dẫn đến khí thải không đạt các chỉ tiêu về chất lượng theo Quy chuẩn 61/2016, hàm lượng dioxin/furan vượt nhiều lần mức cho phép. Đối với các lò đốt công suất lớn, công suất thực tế thấp hơn nhiều lần so với công suất thiết kế do rác thải đầu vào còn ẩm ướt, chưa được phân loại và xử lý.

Các giải pháp khác như sản xuất phân compost từ rác thải hay nhiệt điện rác đều gặp khó khăn vì thành phẩm không đạt chuẩn hay chi phí cao. Thực tế cho thấy, trong điều kiện rác thải chưa phân loại tại nguồn thì phân loại rác thải tự động là công cụ để thực hiện thành công 4 phương pháp đã nêu trên. Chỉ khi rác thải ở Việt Nam thực hiện được phân loại tại nguồn thì không cần thiết bị phân loại rác thải tự động nữa.

5. Các khả năng khác nhau đối với thương mại hoá sáng chế

Để thúc đẩy thương mại hoá sáng chế, trước hết cần thấy rang không phải cứ có trong tay ý tưởng sáng chế hoặc bang sáng chế là có thể mang ra thương mại hóa ngay được.

Có những bằng sáng chế chỉ có giá trị bảo hộ, do tác giả là người đăng ký bảo hộ trước nhưng người nộp đơn khác. Trường hợp này nếu có thương mại hóa được thì người mua chỉ cần mua sáng chế để hợp pháp hóa quyền được tiêu thu sản phẩm do mình sản xuất ra, chứ không cần phải mua phần nội dung của sáng chế vì họ có thể là một trong những người tạo ra và nắm giữ nội dung nêu bản mô tả sáng chế đó. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, có những sáng chế có thể thương mại hóa được nhưng mỗi sáng chế khác nhau lại có những đòi hỏi về những điều kiện thương mại hóa hoặc vấp phải những cản trở khác nhau trong quá trình thương mại hóa sáng chế.

Một sáng chế (hoặc giải pháp hữu ích) có thể thương mại hóa ngay được từ bàn giấy ra thị trường vì yếu tố sáng tạo trong đó không quá phức tạp và dễ áp dụng và theo đó có thể giúp cho một sản phẩm có sẵn nâng cao giá trị hay hiệu quả của sản phẩm ấy. Hoặc nhờ đó tạo ra một sản phẩm mới đơn giản dễ hiểu, dễ sử dụng.

Đối với những sáng chế mà theo đó tạo ra sản phẩm mới là sự một tổ hợp thiết bị được hình thành bởi sự tổng hợp của nhiểu lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau mà trong đó sáng chế chỉ là một yếu tố góp phần then chốt để tạo ra sản phẩm khác biệt đó, thì việc thương mại hóa sáng chế loại không thể đi thẳng từ ý tưởng của nhà sáng chế ra thị trường thậm chí thông qua các tổ chức trung gian. Những sáng chế loại này thường chỉ có thể thương mại hóa khi nó được bán kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ để qua đó đơn vị tiếp nhận có thể tạo ra sản phẩm mới và bảo hộ quyền được bán sản phẩm đó ra thị trường. Vì thế để thương mại hóa được những sáng chế loại này đòi hỏi nhà sáng chế phải vượt qua một chặng đường dài từ nghiên cứu thử nghiệm đến nghiên cứu ứng dụng và cuối cùng là xây dựng được mô hình mẫu ứng dụng ở quy mô công nghiệp.

[1] Trần Văn Nam, “Nhận dạng về một số bất cập trong xác định giá trị tài sản trí tuệ cho các Start-up tại Việt Nam ”, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, tháng 1/2020.

[2] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Tờ trình Chính phủ ngày 08/06/2020.

[3] Mai Chi, “Xã hội hoá xử lý chất thải rắn”, Báo Tài nguyên và môi trường, 19/11/2019.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon