Thoả thuận trong các vụ việc dân sự. Những điểm tích cực, hạn chế của thỏa thuận

thoa-thuan-trong-cac-vu-viec-dan-su-nhung-diem-tich-cuc-han-che-cua-thoa-thuan

Vụ việc dân sự là cách gọi tắt của vụ án dân sự và việc dân sự. Vụ án dân sự là trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội liên quan đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết. Việc giải quyết vụ án dân sự phải được thực hiện theo các trình tự thủ tục tố tụng do luật định. Việc dân sự là trường hợp không có tranh chấp xảy ra nhưng các bên chủ thể vẫn phải yêu cầu Toà án công nhận quyền, nghĩa vụ cho các chủ thể nhất định. Việc dân sự được giải quyết theo trình tự cụ thể mà pháp luật ghi nhận.

Vụ việc dân sự thực chất phát sinh sau khi đã hình thành nên một hoặc một số quan hệ dân sự. Do tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể hoặc cần công nhận các quyền, nghĩa vụ này thì các chủ thể lựa chọn khởi kiện hoặc yêu cầu Toà án công nhận. Nếu như khi hình thành quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể xác lập thông qua con đường thoả thuận là chủ yếu thì khi phát sinh tranh chấp, đây cũng là con đường cơ bản để các chủ thể giải quyết những vấn đề đang chưa thống nhất giữa các bên chủ thể này.

1. Khái quát chung về thoả thuận trong các vụ việc dân sự

Trong Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Toà án[1] ghi nhận: các Toà án đã thụ lý 432.666 vụ việc, trong đó đã giải quyết 379.441 vụ việc với các thủ tục khác nhau như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong những con số này, hoà giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc trên tổng số 47.493 vụ việc chỉ tính trên 16 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ những con số biết nói trên cho thấy, thoả thuận, hoà giải là một phương thức tích cực trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. 

 Thoả thuận dẫn đến hoà giải thành, tránh việc phải xét xử tại Toà án và cơ quan nhà nước chỉ việc công nhận kết quả hoà giải, thống nhất thoả thuận của các bên được áp dụng trong rất nhiều nhóm tranh chấp như từ tranh chấp hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng thuê tài sản, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp chia tài sản chung, tranh chấp trong đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, tranh chấp đất đai về đòi đất cho mượn, cho sử dụng nhờ, lấn chiếm[2]… Như vậy, các chủ thể thoả thuận đối với mọi tranh chấp, vụ việc dân sự từ quan hệ hợp đồng – kết quả của sự thoả thuận của các bên – cho đến quan hệ hình thành trên cơ sở luật định như yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Qua một vài con số cũng như lĩnh vực nêu trên cho thấy, những vụ việc dân sự giải quyết tại Toà án luôn được ưu tiên áp dụng giải quyết bằng phương pháp thoả thuận, hoà giải giữa các bên chủ thể. Tình hình chung của việc áp dụng thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự được phác hoạ qua những nét cơ bản sau:

Thứ nhất, phương pháp thoả thuận, hoà giải là phương pháp luôn được ưu tiên áp dụng trong giải quyết bất kỳ vụ việc dân sự nào dù ở bất kỳ toà án và theo thủ tục giải quyết nào. Đối với những vụ án mà buộc Toà án phải ra bản án, phán quyết thì Toà án cũng chỉ đưa ra phán quyết khi các bên chủ thể không đạt được sự thoả thuận với nhau. Toà án cho phép các chủ thể được thoả thuận cho đến trước khi Toà án ra phán quyết cuối cùng. Nếu các chủ thể đạt được sự thoả thuận thì Toà án sẽ ra quyết định công nhận kết quả thoả thuận, hoà giải của các bên chủ thể.

Thứ hai, phương pháp thoả thuận là phương pháp giúp tối đa hoá ý chí, tiệm cận gần nhất mong muốn về lợi ích của các bên chủ thể trong các vụ việc dân sự. Khi các chủ thể được tính toán, cân bằng lợi ích một cách phù hợp giữa các bên thì đương nhiên, lợi ích của từng chủ thể sẽ đảm bảo ở mức cao nhất, phù hợp nhất trong vụ việc đó. Bất kỳ sự phán quyết nào của bên thứ ba cũng chỉ có thể đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các bên trên cơ sở luật định và đương nhiên không thể đảm bảo đó là phương thức hài hoà nhất, phù hợp nhất với điều kiện của từng bên chủ thể. Thế nên, cách thức thoả thuận là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và thuận lợi nhất cho các bên chủ thể. Hơn nữa, đây cũng là con đường đảm bảo cho các chủ thể giảm thiểu sự thiệt hại về thời gian, chi phí vật chất như án phí, chi phí cho nhân lực…

Trong giai đoạn hiện nay, tỉ lệ thuận với số lượng các quan hệ dân sự được hình thành ngày càng tăng thì các vụ việc dân sự cũng tăng rất lớn. Nên chính vì thế, thoả thuận được áp dụng phổ biến trong quá trình Toà án giải quyết các vụ việc dân sự. Quá trình áp dụng thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự đã đem lại các hiệu quả rất tích cực và điều đó được thể hiện rõ nét qua các con số được ghi nhận trong báo cáo tổng kết ngành Toà án hàng năm.

2. Những điểm tích cực trong việc áp dụng thoả thuận khi giải quyết vụ việc dân sự

Từ con số hoà giải thành trong vụ việc dân sự ngày càng gia tăng đã cho thấy, phương pháp này có những điểm tích cực nhất định và đó cũng chính là lý do thúc đẩy sự ra đời các Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án cũng như xu hướng xây dựng, ban hành Luật Hoà giải trong tương lai. Những mặt tích cực của phương pháp thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự phải kể đến các giác độ sau:

Trước hết, phương pháp thoả thuận là phương pháp luôn luôn gắn liền với bản chất của quan hệ dân sự. Khi một phương pháp giải quyết mà phù hợp và mang bản chất của quan hệ pháp luật nó điều chỉnh thì đương nhiên đây sẽ là con đường đi nhanh nhất, phù hợp nhất. Nên chính vì thế, phương pháp này phản ánh bản chất của quan hệ dân sự và nó sẽ tiếp tục được ưu tiên áp dụng không chỉ ở giai đoạn hình thành, thực hiện quan hệ dân sự mà còn ở cả giai đoạn giải quyết các tranh chấp nếu có.

Thứ hai, phương pháp thoả thuận cho phép các chủ thể tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực, vật lực cho các chủ thể. Nếu các chủ thể không thể thoả thuận, hoà giải được thì đương nhiên việc giải quyết các vụ việc phải tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật ghi nhận. Điều này đồng nghĩa, các chủ thể nếu không có sự thoả thuận thì đương nhiên không thể đẩy nhanh hoặc cắt bớt các thủ tục trong quy trình tố tụng được. Con đường nhanh nhất và phù hợp nhất cho các chủ thể khi giải quyết vụ việc dân sự chính là thoả thuận.

Thứ ba, phương pháp thoả thuận giúp cho Toà án giảm bớt những áp lực trong giải quyết vụ việc dân sự. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thì Toà án sẽ không có quyền từ chối thụ lý vụ việc dân sự trong trường hợp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề phát sinh đó. Thế nên, số lượng vụ việc dân sự Toà án phải thụ lý và giải quyết sẽ vô cùng đồ sộ trong khi đó số lượng thẩm phán, những chức danh tư pháp làm việc tại Toà án không đủ để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ việc. Từ đó dẫn đến các Toà án bị quá tải trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Chính vì thế, nếu các chủ thể đạt được sự thoả thuận thì khâu giải quyết vụ việc dân sự sẽ trở nên nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả và giảm tải áp lực cho Toà án có thẩm quyền.

Thứ tư, phương pháp thoả thuận là phương thức tốt nhất tiết kiệm chi phí cho các chủ thể, mở ra các điều kiện tận dụng các cơ hội mới đến với từng chủ thể. Các chủ thể khi không phải dành nhiều thời gian, nhân lực cho việc giải quyết vụ việc dân sự thì có thể tập trung tìm kiếm, tận dụng cơ hội dành cho mình. Từ đó, hiệu quả kinh tế – văn hoá và xã hội sẽ cao hơn đối với từng chủ thể. Tất yếu, từng chủ thể thu được nhiều lợi ích tích cực thì kéo theo cả xã hội cũng thu được nhiều lợi ích tích cực.

3. Những điểm hạn chế trong việc áp dụng thoả thuận khi giải quyết vụ việc dân sự

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, thoả thuận, hoà giải cũng có những điểm hạn chế nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, thoả thuận là phương thức cho phép các chủ thể tự do bày tỏ ý chí của mình nên tính cố định cũng sẽ không cao. Tức là, các chủ thể hoàn toàn có thể thay đổi ý chí của mình trong từng thời điểm khác nhau. Khi ý chí của các chủ thể thay đổi liên tục thì dẫn đến các bên khó đi đến điểm thống nhất. Tất yếu, các chủ thể không thể đạt được hoà giải thành và khi đó vụ việc dân sự không được giải quyết. Vụ việc dân sự lại phải quay lại giải quyết theo các thủ tục tố tụng thông thường mà pháp luật quy định.

Thứ hai, thoả thuận là phương pháp chịu sự chi phối rất lớn theo cảm xúc, nhu cầu của các chủ thể. Đây cũng là một điểm hạn chế dành cho phương pháp thoả thuận này. Mỗi một chủ thể sẽ có cảm xúc hoặc nhu cầu nhất định trong từng mốc thời gian khác nhau. Nên chính vì thế dẫn đến tình trạng, tại thời điểm này, chủ thể có cảm xúc hoặc nhu cầu nhất định nhưng sang thời điểm khác thì nhu cầu, cảm xúc của chủ thể đã thay đổi. Đây cũng là nguyên nhân góp phần tạo nên tính thiếu ổn định của phương pháp thoả thuận.

Thứ ba, phương pháp thoả thuận dường như không thể áp dụng nếu như các chủ thể không còn sự thiện chí. Nói một cách khác, điều kiện tiên quyết để có thể áp dụng phương pháp thoả thuận đó chính là sự thiện chí, mong muốn đôi bên cùng có lợi và giảm thiểu thiệt hại cho đối tác. Nếu như mất đi sự thiện chí thì các bên không thể thoả thuận để đi đến sự thống nhất trong phương án giải quyết vụ việc dân sự.

Tóm lại, phương pháp thoả thuận cũng có những điểm hạn chế nhất định khi áp dụng vào giải quyết các vụ việc dân sự. Khi nắm bắt những điểm hạn chế này, cơ quan nhà nước, cụ thể Toà án có thẩm quyền cần có sự linh hoạt trong áp dụng để phương pháp thoả thuận phát huy được vai trò của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

[1] Xem Báo cáo công bố tại cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao

[2] Kết quả tra cứu trên trang congbobanan.toaan.gov.vn sau khi sử dụng từ khoá “quyết định đình chỉ của Toà án cấp sơ thẩm”.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon