Thực trạng khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam

thuc-trang-khung-phap-ly-ve-tai-tro-von-co-dam-bao-bang-tai-san-tri-tue

Rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam hiện nay chính là nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, tâm lý chờ hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước, chưa có sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan hữu quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học Công nghệ để đưa ra các quy định chung thống nhất.[1] Hơn nữa, pháp luật SHTT của Việt Nam mặc dù khá đầy đủ và tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nhưng thực thi quyền SHTT lại là khâu yếu nhất, làm giảm sút đáng kể giá trị của tài sản trí tuệ. Các dịch vụ thẩm định, định giá tài sản trí tuệ còn chưa phát triển. Bài viết sau đây đề cập đến “Thực trạng khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam”

1. Pháp luật về giao dịch bảo đảm

Nhìn chung, khung pháp lý về giao dịch bảo đảm của Việt Nam đã tương đối đầy đủ và thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Trong 2 thập kỷ gần đây, các nhà làm luật Việt Nam đã tích cực tham khảo và tiếp thu thông lệ tốt của quốc tế để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, từ Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm đến BLDS năm 2015 và gần đây nhất là Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/3/2021 quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi là “Nghị định số 21/2021/NĐ-CP”). Mặc dù pháp luật giao dịch bảo đảm của Việt Nam vẫn dựa trên cách tiếp cận truyền thống về phân biệt các biện pháp bảo đảm, nhưng từng bước đã tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại theo khuyến nghị của UNCITRAL. Nghị định số 21/2021/NĐ-CP lần đầu tiên đưa ra một quy định rất thông thoáng: “Trường hợp thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với thỏa thuận đó”. Đây là một điểm tiến bộ, thể hiện tư duy hiện đại, tập trung vào bản chất, chức năng của giao dịch bảo đảm hơn là tên gọi của giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, khắc phục tình trạng Tòa án tuyên giao dịch bảo đảm vô hiệu do xác định không rõ hoặc không đúng tên gọi, hình thức của biện pháp bảo đảm được quy định trong BLDS.

BLDS năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đều quy định rất mở về phạm vi tài sản bảo đảm: Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.[2] Nghị định cũng đã bước đầu thừa nhận “tài sản phái sinh từ tài sản bảo đảm” với việc dành một điều quy định riêng về “Biến động về tài sản bảo đảm”, trong đó liệt kê các trường hợp tài sản bảo đảm có sự biến động về mặt vật lý hay pháp lý thì tài sản phái sinh từ tài sản bảo đảm cũng là tài sản bảo đảm, chẳng hạn như cổ phần hay phần vốn góp trong trường hợp dùng tài sản bảo đảm góp vốn vào pháp nhân, số tiền bồi thường hoặc tài sản thay thế mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm… số tiền được bồi thường…tài sản mới phát sinh hoặc được thay thế trong các trường hợp khác theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan.”[3] Nghị định số 21/2021/NĐ-CP cũng làm rõ thêm các loại tài sản vô hình được dùng làm tài sản bảo đảm, như quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học – công nghệ.[4] [5]

Về phạm vi tài sản trí tuệ được dùng làm tài sản bảo đảm, Nghị định số 21/2021/NĐ-C quy định khá cụ thể nhưng không hạn chế: “Chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ”.

Về mô tả tài sản bảo đảm, phù hợp với khuyến nghị của UNCITRAL, BLDS năm 2015 cho phép “tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được”}1 Cụ thể hóa điều này, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định việc mô tả tài sản bảo đảm do các bên thỏa thuận, và Nghị định đặt ra rất ít yêu cầu bắt buộc đối với các bên trong việc mô tả tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký.[6] Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải thể hiện được tên, căn cứ pháp lý phát sinh quyền tài sản.

2. Pháp luật sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và các quy định pháp luật khác có liên quan

Pháp luật Việt Nam hiện hành bảo hộ tương đối đầy đủ các loại đối tượng quyền SHTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, và quyền đối với giống cây trồng. Pháp luật quy định rõ các điều kiện bảo hộ đối với từng loại đối tượng quyền SHTT, cơ chế xác lập quyền, nội dung và chủ thể quyền, giới hạn quyền, cơ chế thực thi quyền và các chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT. Theo các tiêu chí và thang đo phổ biến của quốc tế, Việt Nam được xếp hạng 2/6 nước ASEAN điển hình, chỉ đứng sau Singapore, xét về tính đầy đủ của hệ thống pháp luật SHTT; tuy nhiên, tính hiệu quả của hệ thống thực thi pháp luật SHTT còn khá thấp, đứng thứ 5/6 nước ASEAN điển hình, chỉ trên Thái Lan và thấp hơn đáng kể so với Singapore và Malaysia.[7]

Tuy Luật SHTT không có quy định nào về việc sử dụng tài sản trí tuệ trong giao dịch bảo đảm, nhưng Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ đã bước đầu đề cập vấn đề này. Điều 35 Luật chuyển giao công nghệ quy định Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận các loại quyền tài sản như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng SHTT để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.[8] Nghị định số 76/2018/NĐ-CP dành riêng một điều (Điều 11) về sử dụng quyền tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn, liệt kê lại 3 nhóm đối tượng có thể được dùng làm tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn để thực hiện các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm:[9]

Thứ nhất, quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;

Thứ hai, quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng SHTT theo quy định của pháp luật SHTT có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;

Thứ ba, quyền khác phát sinh từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đối tượng SHTT theo quy định của pháp luật có thể xác định được giá trị là quyền tài sản.

Quy định trên cho thấy tài sản trí tuệ được dùng làm tài sản bảo đảm bao gồm cả các đối tượng được bảo hộ quyền SHTT và các đối tượng khác không được bảo hộ quyền SHTT, nhưng phải thỏa mãn điều kiện bắt buộc là “có thể xác định được giá trị”, tức là phải thông qua khâu định giá.

Về định giá tài sản trí tuệ, khung pháp lý ở Việt Nam hiện nay cũng đã tương đối đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, bao gồm Thông tư số 04/2016/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Thẩm định giá tài sản vô hình, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư liên tịch số 39/2014), Thông tư số 10/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Thông tư liên tịch số 39/2014 lần đầu tiên giải thích khái niệm “tài sản trí tuệ”, theo đó, tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu tài sản đó. Tài sản trí tuệ bao gồm đối tượng được bảo hộ và đối tượng không được bảo hộ theo quy định của pháp luật SHTT như sáng chế, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, tác phẩm khoa học, sáng kiến, giống vật nuôi, thiết kế kỹ thuật.[10] Khái niệm “tài sản trí tuệ” này mặc dù đã tương đối mở rộng so với khái niệm “quyền SHTT”, song cũng chưa bao quát được đầy đủ các loại tài sản trí tuệ có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm như dữ liệu, tên miền, quyền phát sinh theo hợp đồng li xăng…

Như vậy, Việt Nam đã có khung pháp lý khá đầy đủ và thuận lợi cho tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Pháp luật giao dịch bảo đảm của Việt Nam không hạn chế việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm và có các quy định tiến bộ về tài sản bảo đảm. Do pháp luật SHTT hiện hành không có quy định cụ thể về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ phải thực hiện tại cơ quan SHTT nên bên nhận bảo đảm ở Việt Nam hoàn toàn có thể đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như đối với các động sản khác mà không vấp phải sự chồng chéo, không rõ ràng trong quy định đăng ký. Pháp luật Việt Nam chưa có các quy định đặc thù về giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ liên quan đến hợp đồng li xăng, tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển sơ khai của hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, cũng chưa thực sự cần thiết xây dựng ngay các quy định này.

3. Kết luận

Để thúc đẩy tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, giải pháp trước mắt là ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước giống như kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, kể cả trợ cấp về lãi suất, về định giá tài sản trí tuệ, kết nối giữa bên cấp vốn và bên có nhu cầu vay vốn, phát triển dịch vụ bảo hiểm tài sản trí tuệ.. ,[11] Mặt khác, về lâu dài, tiếp tục hoàn thiện pháp luật giao dịch bảo đảm, pháp luật SHTT và các quy định có liên quan theo mô hình lý luận đã phân tích ở trên để tạo nền tảng vững chắc cho khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ./.[12]

[1]   Ở Trung Quốc, từ năm 2010, sáu cơ quan hữu quan gồm Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, Ngân hàng Trung ương, Cơ quan đăng ký sáng chế, Cơ quan đăng ký nhãn hiệu và Cơ quan đăng ký quyền tác giả đã ban hành một văn bản hướng dẫn chung về đẩy mạnh tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.

Xem: Notice on Strengthening the Intellectual Property Pledge Financing and Evaluation Management to Support the Development of Small- and Medium-sized Enterprises (8/12/2010), 

[2]   Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

[3]   Điều 21 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

[4]   Điều 14, Điều 17 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

[5]   Khoản 2 Điều 295 BLDS năm 2015.

[6]   Điều 9 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

[7]    Nguyễn Hữu Cẩn, “Chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam so với một số nước ASEAN”, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam điện tử

[8]   Điều 35.3 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017.

[9]   Điều 11.1 Nghị định số 76/2018/nĐ-CP.

[10]  Điều 3.2 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.

[11]   Patent and Trademark Pledge Financing in China Gains the Largest Increase in the 13th Five-Year 

[12]   Nguyen, Xuan-Thao. “Financing Innovation: Legal Development of Intellectual Property as Security in Financing, 1845-2014.” Indiana Law Review 48 (2014): 509, p. 247.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon