Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra là loại trách nhiệm có từ lâu đời. Ngay từ thời La mã cổ đại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra đã được các học giả La Mã đề cập đến thông qua quy định về tố quyền cautio damni infecti (tố quyền để bảo vệ sự thiệt hại viễn ảnh[1]). Theo đó, trong trường hợp một tòa nhà có nguy cơ bị sụp đổ, tạo ra một mối đe dọa cho những người láng giềng thì những người này có quyền yêu cầu các Pháp quan buộc chủ sở hữu của tòa nhà phải nộp một số tài sản bảo đảm với mục đích nếu thiệt hại thực sự xảy ra thì người bị thiệt hại sẽ luôn được bồi thường. Cùng với tố quyền cautio damni infecti Luật La Mã cũng quy định trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi các vật bị ném ra hoặc rơi ra khỏi khỏi tòa nhà (actio effusis et dejectis).
Kế thừa các quy định trong Luật La mã, pháp luật dân sự của các quốc gia sau này đều có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Tuy nhiên, do được xây dựng dựa trên nền tảng những học thuyết khác nhau nên bản chất và nội dung của trách nhiệm này ở các quốc gia cũng được quy định khác nhau.
Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây tại một số quốc gia trên thế giới”
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác tại Anh
Anh không có quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Trách nhiệm này nằm trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên tài sản (“Liability for harm occurring on premises”) được quy định trong Luật về trách nhiệm của người chiếm hữu năm 1957 và 1984 (Occupiers’
Liability Act 1957, 1984f. Khái niệm “premises” (tài sản) trong trường hợp này được hiểu là “bất kỳ một cấu trúc cố định hoặc di động nào bao gồm cả tàu, xe hoặc máy bay”4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên tài sản của Anh được xây dựng dựa trên học thuyết về sự cẩu thả (“the tort of negligence”5). Để được bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại phải chứng minh được người chiếm hữu (“ocupiers”) tài sản có một nghĩa vụ theo quy định của pháp luật là phải quan tâm bảo đảm sự an toàn về tính mạng, tài sản, sức khoẻ cho mình (“the common duty of care”); người chiếm hữu đã vi phạm nghĩa vụ đó (a breach of this duty); thiệt hại xảy ra là hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ của người chiếm hữu[2] [3] [4] [5].
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác tại Đức
BLDS Đức dành tới 3 điều luật (Điều 836, 837, 838)[6] để quy định về trách nhiệm đối với những thiệt hại phát sinh do “sự sụp đổ hoặc sự vỡ ra” của một
“toà nhà hoặc công trình xây dựng khác gắn liền với đất”
Theo quy định của BLDS Đức, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra ở Đức phát sinh khi thoả mãn các điều kiện: (1) người bị thiệt hại chứng minh được 3 yếu tố: có thiệt hại, có sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra với sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng; (2) Chủ sở hữu của mảnh đất mà trên đó có các toà nhà hoặc công trình, người chiếm hữu toà nhà hoặc công trình trên đất của người khác và người chịu trách nhiệm bảo trì toà nhà hoặc công trình không thể chứng minh được là mình không có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại.
Như vậy, có thể thấy rằng, BLDS Đức sử dụng học thuyết lỗi do suy đoán để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra[7]. So với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật Anh, BLDS Đức tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại do gánh nặng về nghĩa vụ chứng minh lỗi đã được chuyển từ nguyên đơn sang bị đơn. Sự chuyển “gánh nặng” này là hợp lý bởi với tư cách là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người bảo trì nhà cửa, công trình xây dựng thì những chủ thể này thường có kiến thức, có sự am hiểu nhất định về nhà cửa, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu, quản lý của mình, do đó, họ có những điểm thuận lợi nhất định khi đưa ra những bằng chứng chứng minh mình đã thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng ngừa, chăm sóc cần thiết nhưng nhà cửa, công trình xây dựng vẫn sụp đổ, gây thiệt hại.
3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác tại Pháp
Điều 1386 BLDS Pháp quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu của một “công trình xây dựng” (bâtiment) đối với những “thiệt hại do công trình bị đổ vì thiếu bảo dưỡng hoặc vì khuyết tật trong khi xây dựng” 9. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 1386 BLDS Pháp phát sinh khi thoả mãn ba điều kiện: (1) có thiệt hại; (2) có sự tự thân tác động của công trình xây dựng; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra với sự tự thân tác động của công trình xây dựng (thiệt hại là hậu quả của sự sụp đổ của nhà cửa, công trình xây dựng khác). Nguyên đơn không cần chứng minh yếu tố lỗi của chủ sở hữu; ngược lại, chủ sở hữu cũng không thể được miễn trách nhiệm chỉ vì chứng minh được rằng mình không có lỗi.
Có thể nói rằng, BLDS Pháp đã xây dựng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên cơ sở học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt10. Đây chính là điểm khác biệt với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong BLDS Đức. Nếu như trong BLDS Đức, bị đơn sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi (“đã tuân thủ sự cẩn trọng cần thiết nhằm mục đích phòng tránh nguy cơ”11); còn trong BLDS Pháp, kể cả trong trường hợp chứng minh được là mình không có lỗi, bị đơn vẫn phải chịu trách nhiệm. Bị đơn chỉ được loại trừ trách nhiệm trong ba trường hợp: thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của nạn nhân hoặc hoàn toàn do lỗi của người thứ ba.
So với pháp luật dân sự của Anh và Đức, các quy định trong BLDS Pháp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nạn nhân trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan
Nếu pháp luật Anh hoàn toàn dựa trên học thuyết về sự cẩu thả, BLDS Đức hoàn toàn dựa trên học thuyết về lỗi do suy đoán, BLDS Pháp hoàn toàn dựa trên học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt thì một số quốc gia (Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…) lại rất sáng tạo khi kết hợp cả hai học thuyết (học thuyết về lỗi do suy đoán và học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt) để xây dựng quy định về TNBTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Cụ thể: BLDS Nhật Bản, Hàn Quốc, Bộ luật dân sự và Thương mại Thái Lan đều có chung quy định: trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại do khuyết tật trong xây dựng hoặc thiếu bảo dưỡng thì [8] [9] [10] người chiếm hữu nhà cửa, công trình xây dựng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; người chiếm hữu sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi (học thuyết về lỗi do suy đoán), “đã thể hiện sự quan tâm đúng mức nhằm ngăn chặn việc xảy ra thiệt hại ” (Điều 717 BLDS Nhật Bản); “đã thực hiện đầy đủ các biện pháp để ngăn chặn thiệt hại xảy ra” (Điều 758 BLDS Hàn Quốc); “đã có sự chăm nom thích đáng để ngăn ngừa xẩy ra tổn thất” (Điều 434 BLDS và Thương mại Thái Lan); trong trường hợp này, khi người chiếm hữu đã loại trừ được trách nhiệm cho mình bằng việc chứng minh minh không có lỗi thì chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm bồi thường; chủ sở hữu phải chịu TNBTTH ngay cả khi chứng minh được là mình không có lỗi (học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt).
Việc kết hợp cả hai học thuyết về lỗi do suy đoán và học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt khi xây dựng quy định về TNBTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như trên đã tạo ra một nguyên tắc rất minh bạch trong việc xác định thứ tự cũng như căn cứ buộc các chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, đặc biệt trong trường hợp tại thời điểm gây thiệt hại, nhà cửa, công trình xây dựng khác vừa có chủ sở hữu vừa có người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng.
[1] Xem: Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo (quyển II – Nghĩa vụ và khế ước), Nxb. Sài Gòn, Sài Gòn, 1963, tr. 469.
[2] Xem: Christian von Bar (2009), Non-contractual Liability Arising Out of Damage Caused to Another: (PEL Liab. Dam.), Nxb Sellier Eropean law publishers, tr. 671;
[3] Điểm a, khoản 3, điều 1 Occupiers’ Liability Act 1957: “any fixed or moveable structure, including any vessel, vehicle or aircraít”
[4] Xem thêm học thuyết về sự cẩu thả (negligence) tại: Kirsty Horsey, Erika Rackley, Tort Law, Nxb OUP Oxford, 4th edition, 2013, tr. 27-278;
[5] Xem thêm Kirsty Horsey, Erika Rackley, Tort Law, Nxb OUP Oxford, 4th edition, 2013, tr. 38-44;
[6] Xem bản tiếng Đức tại: https://dejure.org/gesetze/BGB
Bản dịch tiếng Việt: Trường Đại học Luật Hà Nội, German Civil Code (BGB) Bộ luật dân sự Đức (BGB) Chế định nghĩa vụ, Nxb Lao động, tr 685-686;
[7] Xem thêm: Xiang Li, Jigang Jin, Concise Chinese Tort Laws, Nxb Springer, 2014, tr. 29.
[8] Điều 1386 BLDS Pháp ;
[9] Xem thêm Richard A. Epstein, A Theory of Strict Liability, 1973;
[10] Điều 836 BLDS Đức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ luật Dân sự năm 2015 (Việt Nam);
- Luật về trách nhiệm của người chiếm hữu năm 1957 và 1984 (Anh)
- Bộ luật Dân sự Pháp
- Bộ luật Dân sự Đức;
- Bộ luật Dân sự Nhật Bản;
- Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan;