Hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

hoan-thien-quy-dinh-phap-luat-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-nha-cong-trinh-xay-dung-khac-gay-ra

Hiện nay, các trường hợp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác xảy ra tương đối nhiều trên thực tế. Vấn đề này đã được pháp luật của một số nước quy định, điều chỉnh từ rất sớm. Tại nước ta, vấn đề này được quy định tại Điều 605 BLDS 2015. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn xảy ra một số vướng mắc, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

1. Nên sử dụng khái niệm “công trình xây dựng” thay cho khái niệm “nhà cửa, công trình xây dựng khác”

Về bản chất “nhà cửa” và “công trình xây dựng khác” đều là “công trình xây dựng”. Do đó, Điều 605 nên sử dụng khái niệm “công trình xây dựng” thay cho khái niệm “nhà cửa, công trình xây dựng khác” như hiện nay.

Nghiên cứu pháp luật một số quốc gia trên thế giới cho thấy, pháp luật đa số các quốc gia cũng chỉ sử dụng thống nhất một thuật ngữ. VD: sử dụng thuật ngữ “công trình xây dựng” (“bâtiment”) (như BLDS Pháp (Điều 1386), BLDS Bỉ (Điều 1386), “cấu trúc” (structure ) như BLDS Ba Lan (Điều 434); BLDS Áo (1319); BLDS Hàn Quốc (758); hoặc rộng hơn nữa là “bất động sản” như BLDS Quebec – Canada (Điều 1467); Bộ tham khảo chung về BTTH ngoài hợp đồng (DCFR) (Điều VI – 302)

2. Hai là, nên tách trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công thành một điều khoản độc lập

Sửa đổi để làm rõ hơn cơ sở để buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý nhà cửa, công trình xây dựng khác phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cùng người thi công

Như đã phân tích, cách đoạn 2 Điều 605 BLDS 2015 quy định “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường” (cùng chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác) như hiện nay là chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế. Do vậy, đoạn 2 Điều 605 cần được sửa đổi theo hướng làm rõ hơn cơ sở để buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải chịu trách nhiệm liên đới BTTH cùng người thi công. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải liên đới bồi thường thiệt hại cùng người thi công nếu thiệt hại xảy ra vừa do hành vi trái pháp luật, có lỗi của người thi công vừa do sự (tự thân) tác động của nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của kỹ sư, kiến trúc sư, người giám sát và các chủ thể khác khi có một phần lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại.

Nhà cửa, công trình xây dựng khác là sản phẩm của sức lao động và trí tuệ của nhiều người. Nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa nhiều khâu, nhiều công đoạn mà mỗi một khâu, một công đoạn lại do một chủ thể khác nhau đảm nhận: từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát…, trong đó, kết quả, chất lượng của công đoạn trước ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, chất lượng của công đoạn sau. Bản thân người thi công cũng chỉ là người làm theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc thi công trên cơ sở bản thiết kế; mà bản thiết kế lại được kiến trúc sư hoàn thành trên kết quả của bản khảo sát.. .Vì vậy, việc chỉ xem xét lỗi của người thi công mà không xem xét lỗi của người khảo sát, người thiết kế là không công bằng với người thi công và cả chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Pháp luật các quốc gia trên thế giới bên cạnh quy định về TNBTTH của người thi công thì cũng quy định cả TNBTTH của kiến trúc sư, kỹ sư, người giám sát.

Điều 1591 BLDS Tây Ban Nha quy định cả trách nhiệm của nhà thầu xây dựng và kiến trúc sư, theo đó: “Nhà thầu của công trình bị sụp đổ do khiếm khuyết trong xây dựng sẽ phải chịu TNBTTH nếu sự sụp đổ đó xảy ra trong vòng 10 năm kể từ ngày công trình hoàn thành; kỹ sư – người quản lý công trình xây dựng – phải chịu trách nhiệm trong thời gian tương tự nếu sự sụp đổ là hậu quả của khiếm khuyết trong nền đất hoặc do lỗi trong quản lý. Nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của nhà thầu thì thời hạn trên sẽ kéo dài 15 năm ”[1] [2]

Điều 1723 BLDS Philippin quy định trách nhiệm của cả kỹ sư, kiến trúc sư và nhà thầu, theo đó: “Kỹ sư hoặc kiến trúc sư – người thiết kế bản vẽ và chi tiết kỹ thuật cho toà nhà – phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại xảy ra trong vòng 15 năm kể từ ngày công trình hoàn thành, nếu thiệt hại xảy ra do khiếm khuyết trong bản vẽ và chi tiết kỹ thuật hoặc khuyết tật trong nền đất. Nhà thầu cũng phải chịu TNBTTH nếu công trình bị sụp đổ – trong thời gian tương tự – do khiếm khuyết trong xây dựng hoặc do việc sử dụng vật liệu chất lượng kém hoặc do vi phạm các điều khoản hợp đồng. Nếu kiến trúc sư hoặc kỹ sư giám sát công trình xây dựng, họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới với nhà thầu”x%

Tương tự, Điều 2118 BLDS Quebec – Canada quy định: “Trừ khi họ có thể được giảm bớt trách nhiệm pháp lý, nhà thầu, kiến trúc sư và kỹ sư, trong trường hợp chỉ đạo hoặc giám sát công việc, và cả nhà thầu phụ đối với phần việc do mình thực hiện, đều phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của công trình xảy ra trong vòng năm năm sau khi công trình hoàn thành, cho dù thiệt hại do lỗi trong thiết kế, trong xây dựng, trong việc sử dụng vật liệu hoặc các khuyết tật của nền đất”[3].

Từ những nội dung vừa phân tích trên, tác giả kiến nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của: kiến trúc sư, kỹ sư, người giám sát, người khảo sát cùng với trách nhiệm của người thi công.

3. Bổ sung quy định về mức bồi thường

Theo nguyên tắc quy định tại Điều 587, trong trách nhiệm liên đới: “Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chỉ người thi công, người khảo sát, người giám sát, kiến trúc sư hoặc kỹ sư có lỗi; còn chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác không có lỗi. Do vậy, cơ sở xác định mức bồi thường của những chủ thể này sẽ khác nhau. Đối với người thi công, người khảo sát, người giám sát, kiến trúc sư và kỹ sư mức bồi thường của những chủ thể này căn cứ vào mức độ lỗi của họ; còn đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác, mức bồi thường sẽ căn cứ vào mức tự gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng khác (VD: căn cứ vào mức độ xuống cấp, hư hỏng sẵn có của công trình tại thời điểm công trình bị tác động bởi hành vi của người thi công, kiến trúc sư, kỹ sư…).

Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị tách đoạn 2 Điều 605 thành một khoản độc lập theo hướng sau:

“Khi người thi công, người khảo sát, người giám sát, kiến trúc sư và kỹ sư có lỗi trong việc để công trình xây dựng gây thiệt hại thì phải chịu TNBTTH. Khi công trình xây dựng gây thiệt hại có một phần lỗi của người thi công, người khảo sát, giám sát, kiến trúc sư, kỹ sư thì những chủ thể này phải liên đới BTTH cùng chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người hoặc mức độ gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng khác; nếu không xác định được mức độ lỗi, mức độ gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng khác thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau ”

Với quy định này, nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công, người khảo sát, người giám sát, kiến trúc sư và kỹ sư thì những chủ thể này phải chịu TNBTTH. Nếu thiệt hại xảy ra một phần do lỗi của những chủ thể này, một phần do sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng khác thì những chủ thể này phải liên đới chịu TNBTTH cùng với chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Mức bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người và mức độ gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng khác; nếu không xác định được mức độ lỗi và mức độ gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng khác thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Quy định này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của kiến trúc sư, kỹ sư, người khảo sát, người giám sát trong công việc xây dựng, đảm bảo chất lượng của công trình, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu cũng như của người bị thiệt hại.

Ba là, ban hành văn bản hướng dẫn xác đinh thứ tư chủ thể chiu trách nhiệm bồi thường trong TNBTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

BLDS 1995, 2005 cũng như BLDS 2015 đều chỉ dừng lại ở việc liệt kê các chủ thể phải chịu TNBTTH mà không đưa ra bất kỳ một tiêu chí hay cơ sở nào để xác định thứ tự các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Điều này gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu cũng như áp dụng pháp luật trong việc xác định chủ thể chịu TNBTTH trên thực tế, đặc biệt trong trường hợp tại thời điểm nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại, cả chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác đều đang thực tế chiếm hữu, quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác (VD: chủ sở hữu chỉ dành một phần nhà cho thuê, phần còn lại chủ sở hữu vẫn tiếp tục sử dụng…)

Vì vậy, tác giả kiến nghị HĐTP TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, trong đó có mục hướng dẫn cụ thể việc xác định thứ tự chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hướng:

Nếu tại thời điểm gây thiệt hại, nhà cửa, công trình xây dựng khác đang do chủ sở hữu trực tiếp chiếm hữu, quản lý, sử dụng thì chủ sở hữu đương nhiên phải chịu TNBTTH – kể cả trong trường hợp chủ sở hữu chứng minh được mình không có lỗi. chủ sở hữu chỉ được loại trừ trách nhiệm bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Nếu tại thời điểm gây thiệt hại, nhà cửa, công trình xây dựng khác đang do một chủ thể khác (không phải chủ sở hữu) chiếm hữu, quản lý, sử dụng thì người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác (bên thuê, bên đi mượn, bên ở nhờ, bên được giao quản lý, sử dụng) … phải BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra trừ khi họ chứng minh được là mình không có lỗi trong việc nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác). Trong trường hợp này, khi người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác đã chứng minh được là mình không có lỗi thì chủ sở hữu sẽ phải chịu TNBTTH (ngay cả khi chủ sở hữu chứng minh được là minh không có lỗi). Chủ sở hữu chỉ được loại trừ TNBTTH nếu chứng minh được thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại

Đây cũng là hướng mà BLDS Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đã sử dụng để phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa chủ sở hữu với người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, ông trình xây dựng khác. Việc phân định trách nhiệm theo hướng này rất phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay. Xây dựng trách nhiệm theo hướng này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại – vì không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác; đồng thời cũng bảo vệ được người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác – họ không phải BTTH nếu chứng minh được mình không có lỗi; nó cũng bảo vệ được cả chủ sở hữu – người sẽ không phải bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của người khác (nạn nhân hoặc của người thứ ba) hoặc do sự kiện bất khả kháng. Trách nhiệm phân định theo hướng này sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, đem sự công bằng cho tất cả mọi chủ thể./.

[1]  BLDS Tây Ban Nha

[2]  Bộ luật Dân sự Philippin;

[3]  Bộ luật Dân sự bang Quebec (Canada);

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon