Hiện nay, cùng với việc đổi mới mở cửa phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam cũng dần chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong đó ô nhiễm môi trường là một vấn đề đáng báo động nhất bởi sự phá huỷ nặng nề không chỉ đối với môi trường nói chung mà còn đối với sức khoẻ, tính mạng, tài sản của mọi người dân Việt Nam. Do đó, các chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vậy đặc trưng cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thể hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là gì?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hiểu một cách đơn giản là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường thì phải trả giá về hành vi của mình qua việc khôi phục, đền bù, bù đắp những tổn thất và khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Tóm lại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định là một trường hợp cụ thể của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ra thiệt hại là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất của các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.
2. Đặc trưng cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường
Một là, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được phát sinh không dựa trên cơ sở nội dung hợp đồng mà dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi chủ thể có hành vi hành động hoặc không hành động vi phạm pháp luật môi trường gây thiệt hại về các lợi ích hợp pháp được nhà nước bảo vệ phải bồi thường thiệt hại.
Hai là, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường mang tính tài sản và mang tính chất đền bù ngang giá (tức là mức bồi thường tương đương với thiệt hại xảy ra trên thực tế). Điểm đặc biệt là phải lượng giá được những thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường cũng như thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác. Đây là vấn đề không dễ dàng ở Việt Nam. Ví dụ: lượng giá thiệt hại về môi trường không khí, lượng giá thiệt hại về môi trường biển,…
Ba là, chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là các cá nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật môi trường phải bồi thường thiệt hại hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật. Còn chủ thể được bồi thường thiệt hại thường là cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác, như cơ quan, tổ chức, hộ gia đình bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra;
Bốn là, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cụ thể chỉ phát sinh sau khi có hậu quả là suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
Năm là, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường không chỉ đặt ra khi có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác mà còn đặt ra khi có thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Đây là loại thiệt hại mang tính đặc thù của trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Có thể thấy, với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, yếu tố thiệt hại xảy ra đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Yếu tố này nó không chỉ giúp phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong dân sự với trách nhiệm hành chính (bởi trách nhiệm hành chính không cần đặt ra yếu tố thiệt hại vẫn có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính), nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì bắt buộc phải có thiệt hại xảy ra. Bên cạnh đó, thứ tự của yếu tố có thiệt hại xảy ra trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường ở chừng mực nhất định đặt ra còn cao hơn các yếu tố khác trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung.
Sáu là, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường đặt ra ngay cả khi chủ thể làm ô nhiễm môi trường không có lỗi. Theo pháp luật hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung không coi yếu tố lỗi là điều kiện phải chứng minh để được bồi thường thiệt hại. Người bị thiệt hại không cần phải chứng minh lỗi của bên gây ra thiệt hại mà chỉ cần chứng minh 3 điều kiện là đủ, bao gồm: có hành vi vi phạm pháp luật; có thiệt hại xảy ra, và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Trách nhiệm chứng minh lỗi thuộc về người gây thiệt hại trong trường hợp muốn được loại trừ trách nhiệm bồi thường phải chứng minh một trong hai trường hợp xảy ra thiệt hại, đó là: do bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Còn muốn được giảm mức bồi thường thiệt hại thì chủ thể gây thiệt hại phải chứng minh mình không có lỗi hoặc có lỗi vô ý hoặc chứng minh bên bị thiệt hại có lỗi, nhưng không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trên.
Có thể thấy, trong Bộ luật Dân sự năm 2005, yếu tố lỗi là căn cứ đầu tiên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự năm 2015, yếu tố lỗi không được coi là điều kiện để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng là yếu tố quan trọng để xác định chủ thể nào phải bồi thường, không phải bồi thường và mức được giảm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Về thiệt hại: đối với thiệt hại môi trường, hiện nay trên thế giới đang tồn tại hai quan niệm khác nhau. Quan niệm thứ nhất cho rằng, thiệt hại môi trường chỉ là các thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, như: thiệt hại đối với hệ động vật, thực vật, đất, nước, không khí… mà không bao gồm thiệt hại về người và tài sản điển hình là các nước Cộng đồng chung Châu ÂU – EC, Kazakhstan, Kyrgystan, Phần Lan, Canada, Hàn Quốc. Còn quan niệm thứ hai cho rằng, thiệt hại môi trường không chỉ bao gồm các thiệt hại liên quan đến chất lượng môi trường nói chung mà còn bao gồm cả thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người, như: Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia… Ở Việt Nam, thiệt hại do ô nhiễm môi trường được hiểu là những tổn thất, hư hao về người và của do ô nhiễm môi trường dẫn đến suy giảm về chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Dưới góc độ pháp lý, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định rõ bao gồm: thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
Chức năng, tính hữu ích của môi trường tự nhiên là tạo cân bằng sinh thái nhằm duy trì sự sống và hoạt động bình thường của con người cũng như sinh vật. Còn tính hữu ích của chúng thể hiện ở chỗ, môi trường cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cây, chăn nuôi. Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là thiệt hại thứ nhất, thiệt hại trực tiếp hay còn gọi là thiệt hại nguyên phát. Nó xảy ra sau khi có hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác. Đây là thiệt hại thứ hai, thiệt hại gián tiếp hay thiệt hại thứ phát xảy ra sau khi có thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Nói cách khác thiệt hại chỉ xảy ra khi đã có loại thiệt hại thứ nhất.
Về hành vi vi phạm, bao gồm: có hành vi xả thải, phát tán các chất độc hoá học hoặc chất độc khách vi phạm phạm pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật môi trường rất đa dạng, như: những hành vi vi phạm điều cấm, cụ thể: vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; vi phạm các quy định về quản lý chất thải (chất thải thông thường và chất thải nguy hại); vi phạm các quy định về bảo về nguồn tài nguyên thiên nhiên như các quy định về bảo vệ rừng, khai thác, kinh doanh động vật, thực vật quý hiếm; bảo vệ nguồn đất, bảo vệ đất; vi phạm các quy định về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên…; vi phạm các quy định về vệ sinh công cộng, quy định về tiếng ồn, độ rung…; vi phạm các quy định về bảo quản và sử dụng các chất dễ gây ô nhiễm; vi phạm các quy định về phòng, chống sự cố môi trường trường trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác vận chuyển dầu khí; trong thăm dò, khai thác hầm mỏ… Hành vi vi phạm pháp luật môi trường có thể là hành vi được thể hiện dưới dạng hành động.
Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường với thiệt hại xảy ra: việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra trên thực tế với hành vi làm ô nhiễm môi trường là một trong các điều kiện quyết định cho việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Theo pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xả thải, phát tán chất độc hóa học và thiệt hại xảy ra là một trong các thành tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Do vậy, đối với đa số các loại thiệt hại môi trường, nếu không xác định được mối quan hệ này thì dù có xác định được mức độ thiệt hại cũng khó thực hiện được trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường.
Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra tức là với hành vi vi phạm pháp luật môi trường như vậy thì những thiệt hại xảy ra là tất yếu và ngược lại không có những hành vi làm ô nhiễm môi trường trên thì sẽ không có thiệt hại đó xảy ra. Thực tế nếu không xác định được mối quan hệ nhân quả thì rất khó xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Đặc trưng cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.