Kê biên, cưỡng chế tài sản của doanh nghiệp là một trong những công việc rất khó và phức tạp. Chấp hành viên phải nghiên cứu quy đinh pháp luật về thi hành án dân sự và luật doanh nghiệp cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy, quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này còn chưa được đồng bộ, có một số khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, nội dung bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp khắc phục những quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập khi tiến hành kê biên tài sản của doanh nghiệp.
1. Giải pháp về thể chế
– Về vấn đề kê biên quyền sử dụng đất thuê được trả tiền thuê hàng năm. Như nội dung nghiên cứu được phân tích ở mục 2.1. một trong những khó khăn vướng mắc của hoạt động kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của doanh nghiệp là xác định đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp đối với quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê hàng năm. Rõ ràng, quyền thuê của doanh nghiệp là lâu dài, để khai thác các công năng của đất đai cùng với niềm tin rằng mình sẽ thu lợi nhuận sau khi đầu tư vào đất, doanh nghiệp đã bỏ ra các khoản chi phí để đầu tư vào đất như chi phí san lấp mặt bằng, thi công cọc móng…, đồng thời đã tạo ra giá trị thương mại nhất định cho quyền sử dụng đất đó nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chỉ được công nhận quyền sở hữu của mình đối với tài sản trên đất (một khoản tiền quá nhỏ so với giá trị tài sản mà đáng ra phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp). Sự chênh lệch này tạo ra sự mất cân bằng về quyền lợi, vi phạm nguyên lý cân bằng quyền lợi – kim chỉ nam cho hoạt động THADS và pháp luật điều chỉnh hoạt động đó là Luật THADS và pháp luật liên quan là Luật Đất đai. Để giải quyết cho sự chênh lệch này, có quan điểm cho rằng cơ quan THADS có thể áp dụng tương tự quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và khoản 53 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP để giải quyết theo hướng cho người mua tài sản tự thoả thuận với người phải thi hành án về việc chi trả chi phí đầu tư vào đất, trường hợp không thoả thuận được thì các bên có liên quan có quyền khởi kiện tại toà án theo quy định của pháp luật[1]. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này cho hoạt động THADS là không phù hợp bởi lẽ hoạt động mua bán trong THADS là hoạt động mua bán có tính chất cưỡng chế, trong đó, người đưa quyền sử dụng đất ra bán không phải là chủ sở hữu tài sản, thủ tục mua bán cũng được thực hiện thông qua trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, người phải thi hành án luôn có xu hướng chống đối lại các quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên việc thoả thuận là không khả thi. Thực hiện theo quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người mua tài sản trúng đấu giá. Bên cạnh đó, quyền đối với giá trị thương mại của quyền sử dụng đất cũng là quyền chính đáng của người phải thi hành án nhưng chưa được tính đến trong quy định pháp luật nên càng khiến cho sự phản kháng của người phải thi hành án thêm quyết liệt. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải bổ sung quy định về quyền kê biên đối quyền thuê đất để đảm bảo lợi ích chính đáng cho các bên đương sự.
– Về việc kê biên tài sản là động sản của doanh nghiệp: Để đảm bảo hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản của doanh nghiệp cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản, các quy định pháp luật về THADS và các quy định pháp luật có liên quan cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
+ Đối với pháp luật THADS: cần bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm của người phải thi hành án nếu cố tình cất giấu, tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án; bổ sung trách nhiệm của người phải thi hành án trong việc cung cấp các sổ sách quản lý vốn, tài sản khi chấp hành viên có yêu cầu.
+ Đối với pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cần: sửa đổi quy định về mức xử phạt đối với trường hợp người phải thi hành án tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án. Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành thì mức xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này đang là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 52, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP). Nếu đặt trong mối liên hệ với giá trị tài sản mà người phải thi hành án có thể nhận được nếu tẩu tán tài sản thành công thì số tiền phạt này không đủ sức mạnh để “răn đe” người phải thi hành án. Do đó, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có thể xem xét để quy định mức xử phạt căn cứ vào giá trị tài sản tẩu tán chứ không nên quy định một mức xử phạt chung căn cứ vào hành vi vi phạm. Bổ sung quy định về việc xử phạt đối với hành vi không cung cấp các sổ sách quản lý vốn, tài sản khi chấp hành viên có yêu cầu.
+ Đối với thủ tục truy tố tội không chấp hành án theo quy định của pháp luật về hình sự: cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khi có đề nghị truy tố của chấp hành viên đối với trường hợp người phải thi hành án tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án.
2. Giải pháp khác
– Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ chấp hành viên.
Trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ chấp hành viên quyết định chất lượng công tác thi hành án nói chung, công tác kê biên tài sản của doanh nghiệp nói riêng. Pháp luật THADS dù có hoàn thiện, hoàn mỹ đến đâu thì sẽ không phát huy tác dụng nếu trình độ, phẩm chất của chấp hành viên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng đúng hướng sẽ giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, cần chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chấp hành viên. Nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ cho các cơ quan THADS, đặc biệt là những cán bộ là nguồn bổ nhiệm chấp hành viên, để đảm bảo cho đội ngũ cán bộ thi hành án có kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức thực tiễn, phẩm chất, đạo đức trong sạch và dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN. Theo hướng đó, phải chú trọng các việc sau đây:
Một là, đào tạo nguồn cán bộ một cách toàn diện, đồng thời nâng cao dần chất lượng đội ngũ chấp hành viên;
Hai là, tăng cường đào tạo lại cho đội ngũ chấp hành viên đã được bổ nhiệm;
Ba là, tăng cường chất lượng đào tạo, kết hợp lý luận với thực tiễn có tính chất chuyên sâu của chấp hành viên;
Bốn là, đào tạo nguồn đội ngũ chấp hành viên để thay dần dần những người có trình độ chuyên môn yếu hoặc “do lịch sử để lại”;
Năm là, từng bước đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ chấp hành viên.
Như tác giả đã trình bày ở mục 2 để kê biên tài sản của doanh nghiệp một cách hiệu quả, ngoài việc chấp hành viên phải nắm vững quy định pháp luật về THADS; nắm vững trình tự, thủ tục kê biên, có mối quan hệ tốt với các cơ quan, tổ chức có liên quan, chấp hành viên còn phải nắm được các quy định khác như Luật doanh nghiệp, chế độ pháp lý về vốn và tài sản của doanh nghiệp… Để làm tốt công tác này, không có con đường nào nhanh và hiệu quả hơn con đường đào tạo.
– Tăng cường chế độ trách nhiệm, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của chấp hành viên.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý thi hành án theo quy định của pháp luật, kịp thời khắc phục những thiếu sót và sai phạm trong công tác THADS, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm về nghiệp vụ, về công tác quản lý, các tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Kết hợp kiểm tra THADS với kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, mở rộng sự giám sát của quần chúng để hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm trong hoạt động THADS nói chung và trong hoạt động kê biên tài sản của doanh nghiệp nói riêng.
– Tập trung công tác hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn
Trước mắt, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, nhất là trong việc chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về THADS. Như đã phân tích ở mục 2, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm, thiếu hiệu quả trong việc kê biên tài sản của doanh nghiệp là do pháp luật chưa quy định hoặc quy định thiếu rõ ràng, trong khi công tác sửa đổi, xây dựng văn bản luật cần một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, trong thời gian chưa thay đổi được quy định pháp luật, việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn là hết sức cần thiết để đảm bảo việc kê biên tài sản của doanh nghiệp hiệu quả hơn./.
[1] Đặng Đình Quyền (2012), “Hiệu quả áp dụng pháp luật trong THADS ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.16.