Xử lý tài sản kê biên trong thi hành án dân sự

xu-ly-tai-san-ke-bien-trong-thi-hanh-an-dan-su

Kê biên, cưỡng chế trong thi hành án dân sự là hoạt động được quy định trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, bao gồm nhiều bước khác nhau như định giá tài sản, bàn giao tài sản, tiến hành bán đấu giá… Trong nội dung bài viết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quy định pháp luật hiện hành về “Xử lý tài sản kê biên trong thi hành án dân sự”.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

– Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;

1. Định giá tài sản kê biên

Đánh giá các quy định của pháp luật về các hoạt động trước khi tiến hành đấu giá tài sản THADS cho thấy pháp luật THADS ở Việt Nam đã có nhiều điểm tiến bộ như: việc xác định giá khởi điểm do đương sự thỏa thuận, đương sự được quyền định giá lại tài sản, các đương sự được lựa chọn tổ chức thẩm định giá và nếu các đương sự không thỏa thuận được thì việc định giá, sẽ thực hiện bởi tổ chức thẩm định giá do chấp hành viên lựa chọn (Điều 98, Điều 99 Luật THADS năm 2014)…Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục các hoạt động trước khi tiến hành bán đấu giá tài sản THADS đã cho thấy bất cập trong việc thực hiện các quy định về chấp hành viên tự xác định giá khởi điểm tài sản kê biên để đưa ra đấu giá. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá của tài sản kê biên. Việc tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan phải lập thành văn bản hoặc biên bản có chữ ký của chấp hành viên và cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn đó.

Trong giai đoạn hiện nay khi các tổ chức thẩm định giá phát triển rất mạnh cả về số lượng và chất lượng thì việc tồn tại hình thức chấp hành viên xác định giá trị tài sản kê biên là không phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, pháp luật cho phép chấp hành viên được ký hợp đồng thẩm định giá không phụ thuộc vào địa bàn nơi có tài sản kê biên thì việc chấp hành viên phải xác định giá rất hiếm xảy ra. Việc tài sản THADS cần được định giá bởi một tổ chức có chức năng thẩm định giá sẽ bảo đảm đúng giá trị của tài sản, bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong việc xử lý tài sản kê biên của người phải thi hành án. Mặc dù pháp luật quy định khi chấp hành viên xác định giá phải tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn nhưng theo ý kiến của tác giả việc tồn tại hình thức xác định giá này theo điểm a, khoản 3, Điều 98, Luật THADS năm 2014 là không phù hợp với thực tế. Trong thực tiễn thi hành án cho thấy việc xác định giá khởi điểm trước đây chấp hành viên thành lập Hội đồng định giá còn đã rất khó thực hiện trên tế. Nay việc tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn bằng văn bản nếu các cơ quan chuyên môn không có trả lời thì chấp hành viên căn cứ vào đâu để xác định giá khởi điểm. Mặc dù Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có hướng dẫn trong trường hợp này Thủ trưởng cơ quan THADS đề nghị chủ tịch UBND ra chỉ đạo để các cơ quan chuyên môn có ý kiến về việc xác định giá khởi điểm, nhưng rõ ràng thời gian để định giá trong tình huống này sẽ bị kéo dài. Việc trả lời công văn tham khảo giá của chấp hành viên là công tác phối hợp không phải là nghĩa vụ nên nếu để xác định giá theo quy định này tiến trình định giá bị kéo dài ngoài ý chí chủ quan của chấp hành viên. Còn nếu bắt buộc phải có ý kiến chiếu lệ, hình thức thì vô hình chung đã trao quyền cho chấp hành viên “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án dẫn đến những khiếu nại, thắc mắc không đáng có từ các đương sự.

2. Giao tài sản để thi hành án

Điều 100 Luật THADS năm 2014 cho phép trường hợp đương sự thỏa thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận, trường hợp có nhiều người được thi hành án thì người nhận tài sản phải được sự đồng ý của những người được thi hành án khác và phải thanh toán lại cho những người được thi hành án khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị mà họ được hưởng; việc giao tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được việc giao tài sản đã kê biên thì thực hiện bán tài sản đã kê biên để thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện thì rất hiếm khi các đương sự thỏa thuận được để giao nhận tài sản kê biên, chủ yếu cơ quan thi hành án phải tổ chức đấu giá tài sản kê biên. Bên cạnh đó có trường hợp các đương sự đã thỏa thuận được việc giao tài sản nhưng sau đó lại thay đổi không hợp tác tự nguyện thi hành theo thỏa thuận dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.

3. Các hình thức bán tài sản kê biên

Có hai hình thức bán tài sản đã kê biên là bán đấu giá và bán không qua thủ tục đấu giá. Bán đấu giá tài sản được phân định theo hai loại thẩm quyền phụ thuộc vào loại tài sản và tình trạng bán tài sản. Bán đấu giá thông qua tổ chức bán đấu giá và bán đấu giá do Chấp hành viên trực tiếp thực hiện.

3.1. Bán đấu giá do tổ chức đấu giá thực hiện

Khoản 2, Điều 101 Luật THADS năm 2014: “Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện”. Đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá. Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng. Khi bán đấu giá do tổ chức đấu giá thực hiện thì áp dụng Luật đấu giá tài sản để thực hiện thủ tục đấu giá.

3.2. Bán đấu giá do chấp hành viên bán đấu giá

Khoản 3, Điều 101 Luật THADS năm 2014 quy định: “chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp: Tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản; Động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”. Thủ tục bán đấu giá do Chấp hành viên bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Việc quy định chấp hành viên có quyền tổ chức bán đấu giá theo quy định của Luật THADS năm 2014 là không phù hợp với lý luận và thực tiễn trong hoạt động bán đấu giá tài sản THADS. Về lý luận việc đưa các tài sản THADS dù là các động sản có giá trị không lớn qua các tổ chức đấu giá sẽ bảo đảm tính khách quan trong việc bán tài sản.  Trong bối cảnh xã hội hoá các tổ chức đấu giá và Luật Đấu giá tài sản đã quy định việc đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn, thì việc tồn tại quy định chấp hành viên bán đấu giá tài sản trong trường hợp nêu trên theo trình tự, thủ tục đấu giá là không còn phù hợp. Nếu bán đấu giá tài sản này, chấp hành viên phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Đấu giá tài sản về trình tự, thủ tục đấu giá với đầy đủ các bước như: xây dựng quy chế, thông báo đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, cho khách hàng xem tài sản, tổ chức đấu giá… Một thực tế cho thấy, chấp hành viên không thể làm thay công việc của đấu giá viên và trong hoạt động đào tạo chấp hành viên thì việc giảng dạy về kỹ năng đấu giá tài sản chỉ có trong thời gian 10 tiết trong khi để đào tạo một đấu giá viên phải mất thời gian 06 tháng (chưa kể thời gian thực tập nghề). Quy định này sẽ là rào cản đối với chấp hành viên khi kê biên tài sản là động sản có giá trị nhỏ vì kê biên xong lại phải lo tự bán đấu giá. Bên cạnh đó, chấp hành viên vừa kê biên, vừa định giá, vừa bán đấu giá có đảm bảo tính khách quan hay không trong việc xử lý tài sản?

3.3. Bán không qua thủ tục đấu giá

Căn cứ vào khoản 4 Điều 101, Luật THADS năm 2014 quy định:“Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.Việc bán tài sản phải được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên”.Trong thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, có rất nhiều tài sản tươi sống mau hỏng nhưng giá trị lại không hề nhỏ ví dụ: kê biên một hồ nuôi tôm, một hồ nuôi cá tầm… Theo quy định của pháp luật đây là tài sản tươi sống mau hỏng không được bán qua thủ tục đấu giá. Pháp luật trao quyền cho chấp hành viên bán tài sản THADS tươi sống, mau hỏng, giá trị nhỏ được bán theo thủ tục thông thường mà không qua thủ tục bán đấu giá là không khách quan, minh bạch.

Tham khảo pháp luật nước ngoài về vấn đề này thì các nước có hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển như Pháp, Hà Lan, các tổ chức đấu giá bán đấu giá từ cá, hoa là những tài sản tươi sống, mau hỏng, ở Pháp, Anh bán đồ nội thất gia đình, đồ cũ đều được thực hiện qua thủ tục đấu giá. Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện với tất cả các loại tài sản được phép giao dịch mà không quy định tài sản đó có trị giá từ bao nhiêu mới được bán đấu giá. Việc chấp hành viên vừa được quyền kê biên tài sản, định giá tài sản và bán tài sản trong một thời gian ngắn không qua thủ tục đấu giá sẽ dẫn đến sự lạm quyền của Chấp hành viên trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi ích của các đương sự trong giai đoạn thi hành án.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon