Ném tiền, đốt tiền hoặc hủy hoại tiền bị xử lý như thế nào?

nem-tien-dot-tien-hoac-huy-hoai-tien-bi-xu-ly-nhu-the-nao

Tiền là vật ngang giá chung dùng để trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Tiền được mọi người cùng thừa nhận sử dụng, được Nhà nước phát hành, bảo đảm giá trị kinh tế. Tiền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống hàng ngày, được bảo vệ bởi những quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp từ chối nhận tiền lẻ, ném tiền, đốt tiền… Vậy, những hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010;

– Bộ luật Hình sự;

– Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ;

1. Những vi phạm phổ biến trong thực tế

Thứ nhất, một trong những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam là trong mâm cúng rằm tháng 7 (ngày xá tội vong nhân) ngoài các lễ vật còn có tiền, vàng mã và cả tiền thật để hóa vàng, để rải sau khi cúng xong. Hoặc ở miền Trung, miền Nam thì những lễ vật kèm với tiền này sẽ được những người khác giành (tất nhiên là được sự đồng ý của chủ nhà).

Thứ hai, trong những đám tang, chúng ta cũng có thể thấy thân nhân của người mất cũng sử dụng vàng mã, tiền lẻ để rải dọc đường hoặc tại các ngã tư trong quá trình di chuyển từ nhà tới nơi an táng.

Thứ ba, cá biệt hơn, vào ngày 2/10/2022, trên mạng xã hội, tài khoản Facebook có tên H.Tr đăng tải đoạn video kèm nội dung về việc về một người đàn ông ở TP Đà Nẵng ném tiền tung tóe tại một quán bún bò trên đường Chương Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), khiến dư luận bất bình.

Sau khi nhận tiền, nhân viên có trả lại 25.000 đồng tiền thừa cho một vị khách tầm 16 tuổi. Vì không có tiền chẵn, nên nhân viên mới trả lại tiền lẻ. “Sau đó, ông bố quay lại quán ném tiền và nói tụi bây đưa rác cho con tao à, nhà tao ở đây xem chúng mày kinh doanh được bao lâu” – tài khoản này viết.

Sau khi ném tiền người đàn ông có tát anh Tr. một cái. Đến khoảng 1 giờ chiều cùng ngày, người đàn ông cùng một nhóm khoảng 7 người trở lại quán bún để đe dọa.

Liên quan thông tin người hăm dọa, ném tiền là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Sở này cho biết đã nắm được thông tin và đang xác minh. “Việc này nếu đúng là của cá nhân nào thì người đó sẽ chịu trách nhiệm. Quan điểm của sở sẽ xử lý cán bộ theo đúng quy định nếu có hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín. Còn lại nếu gây ảnh hưởng an toàn trật tự thì cơ quan chức năng sẽ xử lý. Sở sẽ cho xác minh toàn bộ vụ việc” – vị này thông tin.

Theo thông tin từ Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, người trong đoạn clip nêu trên là ông Đ.C.P, Phó trưởng Phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT Đà Nẵng.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất làm rõ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật hoặc chuẩn mực đạo đức của cán bộ P., báo cáo kết quả về Giám đốc sở trong ngày 3-10 để công khai kết quả xử lý trong thời gian sớm nhất.

(Nguồn: Báo Người lao động)

Thứ tư, một số người thích thể hiện với người khác hoặc câu view, câu like trên mạng xã hội đã đem tiền ra đốt rồi quay video, up lên các trang mạng xã hội.

2. Hành vi ném tiền, đốt tiền bị xử lý như thế nào?

Đầu tiên, phải khẳng định, đây là những hành vi là phản văn hóa và không văn minh trong đời sống hiện đại vi phạm pháp luật và bị cấm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010:

Điều 23. Các hành vi bị cấm

1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

2. Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.

3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

4. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Mặc dù việc từ chối nhận tiền là hành vi bị cấm nhưng pháp luật hiện hành chưa đưa ra mức xử phạt đối với hành vi này. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Điều 31. Vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam

“1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

b) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

c) Bố trí cán bộ làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ hoặc giao dịch viên chưa qua đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả;

d) Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

b) Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

c) Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.”

Hành vi cố tình vứt bỏ đồng tiền đang được lưu hành có thể dẫn tới hậu quả là những đồng tiền này bị hư hỏng do thời tiết như mưa, nắng, gió hoặc bị các phương tiện giao thông cán qua làm rách, nát, biến dạng không thể lưu hành được. Do đó, sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

3. Xử lý hình sự

Trước đây, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1985, Hành vi hủy hoại tiền tệ được xem là tội phạm có mức phạt tù 5-15 năm và nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, qua các lần sửa đổi, bổ sung kể từ Bộ luật hình sự 1999 đến Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã không còn đề cập đến tội phá hủy tiền tệ nữa.

Tuy nhiên, nếu hủy hoại tiền của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon