Bị lừa tiền qua mạng báo ai? Xử lý như thế nào?

bi-lua-tien-qua-mang-bao-ai-xu-ly-nhu-the-nao

Khi tình hình kinh tế khó khăn, số lượng tội phạm tăng, đặc biệt là loại tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, lừa tiền qua mạng là một trong những hình thức phổ biến, nhiều người nhẹ dạ, cả tin hoặc không tìm hiểu kỹ đã bị lừa. Một số người dân sử dụng mạng, nhưng ít thu thập thông tin, nhẹ dạ cả tin hay vì lòng tham, lợi ích cá nhân đã mắc vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Vậy, khi bị lừa tiền qua mạng sẽ báo ai và bị xử lý như thế nào. Bài viết dưới đây, luật Dương Gia sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình;

1. Lừa tiền qua mạng là gì?

Chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về việc lừa tiền qua mạng. Thế nhưng, ta có thể hiểu lừa tiền qua mạng là hình thức lừa đảo, sử dụng thủ đoạn gian dối thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa tiền người khác.

Tội phạm lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber…tạo ra những thông tin giả, sai sự thật đánh vào tâm lý người dùng, khiến họ tin tưởng, ham lợi mà giao tiền, tài sản. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để tiếp cận thêm nhiều “con mồi” sau đó thực hiện hành vi lừa đảo. Có thể thấy, lừa đảo qua mạng là một hình thức phạm tội phổ biến hiện nay.

2. Quy định của pháp luật đối với hành vi lừa tiền qua mạng

Liên quan đến tội phạm lừa tiền qua mạng. Xét thấy, lừa tiền là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình thức lừa tiền qua mạng có thể hiểu là hình thức của tội phạm công nghệ cao, lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi lừa tiền.

Hình thức lừa tiền qua mạng thể hiện qua các hành vi như sau: sử dụng thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng  của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân  tại các tổ chức tín dụng thực hiện chiếm đoạt tài sản;…

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Căn cứ vào Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì:

“1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoánqua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Căn cứ tại khoản 1 Điều này, nếu cá nhân sử dụng mạng để thực hiện hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản này thì bị phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ cho đến khung hình phạt 03 năm.

Theo quy định khoản 2 Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội phạm có tổ chức, mang tính chất chuyên nghiệp hay phạm tội 02 lần trở lên,… vi phạm thuộc trường hợp tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Với đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng chịu khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm nếu tội phạm chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, hay gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng,… theo khoản 3 Điều này.

Chiếm đoạt hay gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng trở lên thì vi phạm vào khoản 4 Điều này, thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và chịu khung hình phạt cao nhất từ 12 đến 20 năm.

Về hình phạt bổ sung của tội này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Nếu người lợi dụng nghề nghiệp, chức vụ để thực hiện thì bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.

Ngoài ra, trong một số trường hợp nhất định, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản không thuộc trường hợp sử dụng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử thì thuộc trường hợp quy định Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Nếu người phạm tội bằng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính về tội này, hoặc bị kết án tội này hoặc các tội khác theo quy định tại Điều này,… thì thuộc khung hình phạt cho tội phạm ít nghiêm trọng,sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đối với tội phạm có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hay tội phạm tái phạm, sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, hay người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm này thuộc tội phạm nghiêm trọng, khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Với trị giá tài sản chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng tình hình thiên tai dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thuộc hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì bị xử lý trách nhiệm hình sự phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Khung hình phạt cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tội này là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên,…

Về hình phạt bổ sung, được quy định tại khoản 5 Điều này. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3. Khi phát hiện bị lừa tiền qua mạng thì làm như thế nào?

Thông thường, với những vụ lừa đảo qua mạng sẽ rất khó để xác định được thông tin chính xác của kẻ lừa đảo vì chúng sẽ sử dụng các thông tin giả mạo hoặc ẩn danh. Do đó, việc tự mình lấy lại số tiền lừa đảo sẽ rất khó.

Khi đã phát hiện mình đã bị lừa tiền, việc đầu tiên mà người bị hại cần làm là thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng.

Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để đề nghị giải quyết.

Khi người bị hại muốn làm đơn tố giác gửi tới cơ quan Công an, người bị hại cần thực hiện những hồ sơ cụ thể như sau:

– Đơn trình báo công an;

– Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);

– Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).

– Thông tin của bên lừa đảo (nếu có) như: Số điện thoại, thông tin tài khoản mạng xã hội, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ…

Trường hợp tới tố cáo trực tiếp, người tố cáo cũng mang theo Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân và chứng cứ kèm theo để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.

Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm:

– Cơ quan điều tra;

– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

– Viện kiểm sát các cấp;

– Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Như vậy, người bị hại trong các vụ lừa đảo qua mạng có thể tố cáo hành vi phạm tội tới các cơ quan nêu trên để được giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, bị hại cũng thể thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng, đề nghị tạm thời khóa thẻ ngân hàng của mình trong trường hợp bị lừa mất mật khẩu, tài khoản ngân hàng. Hoặc đề nghị phía ngân hàng phối hợp với Cơ quan điều tra, hỗ trợ tạm khóa tài khoản nhận tiền để đảm bảo quyền lợi của mình.

4. Một số hành vi lừa đảo, lừa tiền qua mạng phổ biến

Thứ nhất, tội phạm sẽ giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Branname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, tội phạm có thể thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.

Thứ ba, tội phạm đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

Thứ tư, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội ( như gửi các đường link giả mạo thông tin dịch bệnh Covid-19, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…). Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thứ năm, giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.

Thứ sáu, thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đăng tin, chào bán thiết bị y tế, dược phẩm phòng, chống dịch hoặc rao bán vé máy bay chiếm đoạt tiền của người tham gia giao dịch.

Thứ bảy, sử dụng các thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) để lừa đảo, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập hình ảnh CCCD của người dân. Sau đó, sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ” hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ tám, thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo: các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.

Trên đây là bài viết về việc lừa tiền qua mạng phải xử lí như thế nào. Hy vọng, bài viết trên của luật Dương Gia sẽ giúp các bạn hiểu hơn về hình thức lừa tiền qua mạng. Từ đó, cảnh giác hơn với những chiêu trò lừa đảo này. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon