Tố tụng Hình sự là lĩnh vực hoạt động nhà nước nhạy cảm mà trong đó quyền con người của người bị buộc tội dễ bị xâm phạm nhất. Chính vì vậy, pháp luật nước về tố tụng hình sự cần hoàn thiện hơn nữa để có thể bảo đảm quyền lợi của các đương sự, nhất là đối với những người bị buộc tội. Sau đây, Luật Dương Gia xin đem đến cho quý bạn đọc bài viết về việc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự.
1. Đặt vấn đề
Quyền con người đang trở thành vấn đề có tính chất toàn cầu. Trong xu hướng tăng cường tính nhân văn trong hoạt động TTHS, bảo đảm quyền con người thậm chí được xem xét như là một chức năng cơ bản trong TTHS cùng với chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử.
Theo đó, thay vì quan niệm truyền thống rằng mục tiêu bảo vệ quyền con người là mục tiêu phái sinh, được coi là đương nhiên đạt được khi tội phạm đã bị phát hiện và trừng trị, bảo đảm quyền con người trong TTHS đang được nhận thức là mục tiêu trực tiếp cần được quan tâm trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Theo nhiều nghiên cứu, quy định đầy đủ, rõ ràng và bảo đảm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của người bị buộc tội là một trong những nội dung bảo đảm quyền con người trong TTHS. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những biện pháp quan trọng để phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, sai lầm trong hoạt động của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng đồng thời là biện pháp hữu hiệu để cá nhân, cơ quan, tổ chức sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng hình sự.
2. Một số điểm mới về quyền khiếu nại, tố cáo của người bị buộc tội
BLTTHS năm 2015 đã khắc phục nhiều hạn chế trong các quy định của BLTTHS năm 2003 về khiếu nại, tố cáo trong TTHS. Mới đây, các cơ quan liên ngành đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC- BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo đã hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về khiếu nại, tố cáo trong TTHS có thể thấy một số điểm mới như sau:
Một là, BLTTHS năm 2015 mở rộng chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng. Cụ thể là ngoài chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng như quy định của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thêm các chủ thể là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người chứng kiến; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 57,58,67,70,83,84 BLTTHS).
Hai là, bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Phó Viện trưởng VKS. Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn: giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS ngoại trừ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của chính mình (Điều 41).
Ba là, phân định phạm vi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo chương XXXIII của BLTTHS. Đối với khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn không được giải quyết theo chương XXXIII cho nên khi giải quyết không phải ban hành quyết định giải quyết, mà chỉ ban hành văn bản trả lời dạng công văn. Tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng đang thực hiện để xem xét trả lời và hướng dẫn người khiếu nại; nếu vụ án đã xét xử thì VKS hướng dẫn người khiếu nại làm đơn kháng cáo (bản án chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (bản án đã có hiệu lực pháp luật); việc trả lời và hướng dẫn chỉ thực hiện một lần. Đơn vị thụ lý giải quyết vụ án có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu tới lãnh đạo VKS giải quyết khiếu nại trên (Điều 469).
Bốn là, quy định rõ hơn về chủ thể ban hành quyết định tố tụng và chủ thể có hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại. Chủ thể của quyết định tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra; chủ thể của hành vi tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (có 3 chủ thể mới là: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên) (Điều 470).
Năm là, đối với khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn quy định thẩm quyền giải quyết của VKS đối với khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam và bổ sung thêm thẩm quyền của VKS giải quyết khiếu nại việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã chỉ rõ việc giải quyết các khiếu nại trên chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố (Điều 474).
Ngoài việc các lệnh, quyết định trong tạm giữ, tạm giam có thể bị khiếu nại thì các hành vi thực hiện các lệnh, quyết định đó cũng có thể bị khiếu nại; đồng thời pháp luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại và thời hạn giải quyết của VKS tối đa là 3 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại (Điều 474).
Sáu là, quy định thời hạn khiếu nại lần 2. Để tránh tình trạng người khiếu nại khi không đồng ý kết quả giải quyết lần 1, có thể khiếu nại lên cấp trên bất cứ lúc nào vì Bộ luật TTHS 2003 không quy định thời hạn khiếu nại lần 2. BLTTHS 2015 đã quy định rõ nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết (Điều 474).
Bảy là, thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. BLTTHS năm 2003 không quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (Điều 475).
Tám là, quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của VKSND cấp cao. Cùng với việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết của VKSND cấp cao đối với quyết định, hành vi tố tụng; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử (điểm b khoản 3 Điều 476).
Chín là, BLTTHS quy định theo hướng mở rộng chủ thể có quyền tố cáo so với BLTTHS năm 2003. Cụ thể là: “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Với quy định của BLTTHS năm 2015 thì kể cả người nước ngoài (thay vì chỉ có công dân như BLTTHS năm 2015) cũng có quyền tố cáo. Một điểm khác nữa là người tố cáo và người bị tố cáo có quyền được nhận quyết định giải quyết tố cáo. Như vậy, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định giải quyết tố cáo (Điều 479,480).
3. Giải pháp đảm bảo quyền tố cáo, khiếu nại của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự
Để đảm bảo quyền tố cáo, khiếu nại của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự, theo chúng tôi cần có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo. Quy định của BLTTHS năm 2015 mặc dù đã tương đối đầy đủ, toàn diện, khắc phục nhiều bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2003 song theo chúng tôi còn một số điểm cần tiếp tục được hoàn thiện. Cụ thể là:
– Khoản 2 và khoản 3 Điều 474 quy định về khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam như sau:
“Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết nếu quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại là của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.”
“Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án Tòa án trên một cấp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án trên một cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.”
Quy định này mặc dù có điểm tích cực là giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng hơn nhưng lại có hạn chế là tước bỏ quyền khiếu nại lần thứ hai của người khiếu nại nếu họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng, Chánh án Tòa án cấp trên một cấp trong khi các quyết định giải quyết khiếu nại này cũng có thể không chính xác.
Theo chúng tôi, để vừa đảm bảo quyền khiếu nại lần thứ hai vừa phù hợp với tính khẩn trương của việc giải quyết khiếu nại về bắt, tạm giam, có thể rút ngắn thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu (5 ngày) và quy định quyền khiếu nại lần hai nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, trường trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu là của Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Quy định về giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát tại khoản 3 Điều 476. Cụ thể điều luật quy định:
“3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu là khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì được giải quyết:
a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật;
b) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.”
Như vậy, điều luật quy định thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại khác nhau với cùng một đối tượng là quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Theo chúng tôi, quy định như vậy là không hợp lý, làm rắc rối thêm việc giải quyết khiếu nại và cũng không xuất phát từ cơ sở thuyết phục nào vì chưa chắc chắn rằng cứ cấp trên cao nhất giải quyết khiếu nại sẽ khách quan, đúng đắn hơn. Theo nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp nên việc bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, bảo đảm sự hoạt động đúng đắn của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Vì vậy, cùng là quyết định, hành vi của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh bị khiếu nại mà lại phân biệt nếu khiếu nại quyết định, hành vi này phải do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết; khiếu nại quyết định, hành vi kia Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao giải quyết là không hợp lý, nên giao cho cấp trên trực tiếp giải quyết sẽ vừa nhanh chóng vừa có khả năng chính xác hơn.
– Điều 477 quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án và Chánh án Tòa án. Tuy nhiên, theo các quy định của BLTTHS thì không có quy định Thẩm tra viên có quyền ra quyết định gì và thực hiện những hành vi tố tụng nào trước khi mở phiên tòa .Vì vậy, cần có sự giải thích cụ thể để cho thấy trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, Thẩm tra viên của Tòa án cấp huyện có nhiệm vụ quyền hạn gì và có quyền ra quyết định tố tụng nào hoặc được thực hiện hành vi tố tụng nào để giải quyết vụ án để xác định cụ thể đối tượng khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm tra viên.
Thứ hai, đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động tố tụng. BLTTHS năm 2003 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch của hoạt động tố tụng như quy định về sự tham gia của người bào chữa trong nhiều hoạt động tố tụng và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; quy định về việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can (khoản 6 Điều 183). Việc đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong các hoạt động tố tụng là một trong các điều kiện để người bị buộc tội thực hiện quyền khiếu nại vì chỉ khi các hoạt động tố tụng được thực hiện một cách minh bạch người bị buộc tội và người bào chữa mới có thể giám sát, đánh giá về hoạt động tố tụng từ đó kịp thời thực hiện quyền khiếu nại.
Thứ ba, tăng cường sự tham gia của luật sư bào chữa trong vụ án hình sự. Tăng cường sự tham gia của người bào chữa nói chung và luật sư bào chữa nói riêng được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Đối với việc thực hiện quyền khiếu nại của người bị buộc tội, sự tham gia của luật sư bào chữa đặc biệt có ý nghĩa cả từ hai góc độ: (i) giám sát quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm ngăn chặn và phát hiện sai sót cần khiếu nại; (ii) thực hiện quyền khiếu nại. Điểm a khoản 1 Điều 472 BLTTHS năm 2015 quy định người khiếu nại có quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại.
Quy định này đã tạo thuận lợi để người có quyền khiếu nại thực hiện quyền của mình đặc biệt trong bối cảnh nhận thức pháp luật của người có quyền khiếu nại nhìn chung còn chưa cao. Đối với người bị buộc tội, với sự giải thích, tư vấn và hỗ trợ của luật sư bào chữa, người bị buộc tội chắc chắn sẽ thực hiện tốt hơn quyền khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỉ lệ các vụ án có sự tham gia của người bào chữa trong tố tụng hình sự còn khá khiêm tốn, có tới gần 80% vụ án không có sự tham gia của luật sư bào chữa. Với các vụ án có sự tham gia của luật sư thì việc luật sư tham gia các hoạt động tố tụng, đặc biệt là hoạt động điều tra, còn gặp nhiều cản trở. Vì vậy, để bảo đảm quyền con người nói chung, quyền khiếu nại tố cáo của người bị buộc tội nói riêng, cần tăng cường cả về số lượng luật sư bào chữa tham gia tố tụng và chất lượng, hiệu quả tham gia tố tụng của luật sư.