Phân tích các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?

phan-biet-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-va-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội, để có thể quyết định một mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Căn cứ pháp lý: Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

1. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gì?

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đồng thời là căn cứ để tăng trách nhiệm hình sự của người phạm tội (trong phạm vi khung hình phạt) so với trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm:

“1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;

e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội 02 lần trở lên;

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;

k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;

n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người

để phạm tội;

o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”

2. Phân tích các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?

2.1. Phạm tội có tổ chức

Là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự).

Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án.

Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm (người tổ chức) mức độ tăng nặng nhiều hơn người giúp sức trong vụ án phạm tội có tổ chức.

Vì vậy, khi quyết định hình phạt, khi đã xác định có người tổ chức thì mức hình phạt nhất thiết không thể thấp hơn người thực hành, người xúi giục hoặc người giúp sức nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.

2.2. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp

Tòa án sẽ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;

– Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

2.3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội

Là tội phạm xảy ra là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ.

Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng.

Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là có tình tiết tăng nặng này.

2.4. Phạm tội có tính chất côn đồ

Hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn cụ thể về tình tiết tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ”, dù nó được quy định là tình tiết định khung cấu thành tội phạm tăng nặng đối với tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Một số thẩm phán, kiểm sát viên cho biết cơ quan tố tụng thường hiểu phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp phạm tội chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt hoặc vô cớ, thể hiện tính coi thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng bị cáo có nhân thân xấu, có nhiều tiền án, tiền sự, khi phạm tội thể hiện tính hung hăng, càn quấy thì phải coi là có tính chất côn đồ…

2.5. Phạm tội vì động cơ đê hèn

Phạm tội vì động cơ đê hèn là phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát.

Ví dụ: giết vợ/chồng của mình để lấy người khác hay giết người đã có thai với mình nhằm trốn tránh trách nhiệm,…

2.6. Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng

Là quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của mình, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm, thể hiện sự quyết tâm phạm tội cao, thực hiện bằng được tội phạm.

Điều này không phụ thuộc vào việc người phạm tội có đạt được mục đích phạm tội hay không.

Có trường hợp, người phạm tội không đạt được mục đích vẫn có thể bị coi là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.

Có trường hợp, người phạm tội có quyết tâm phạm tội, nhưng lại không phải là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng vì trong quá trình thực hiện tội phạm, họ không bị sự cản trở nào hoặc sự cản trở đó không đáng kể.

Ví dụ: A có ý định đầu độc B, nên đã hai lần sang nhà B để bỏ thuốc độc vào thức ăn nhà B nhưng vẫn không có điều kiện. Đến lần thứ ba lợi dụng lúc B vắng nhà, A đã bỏ thuốc độc vào giếng nước nhà B làm cho gia đình B bị ngộ độc năm người, trong đó B bị nặng nhất dẫn đến tử vong.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào quyết tâm thực hiện tội phạm và những cản trở mà kẻ phạm tội vấp phải.

Nếu quyết tâm càng cao, cản trở càng lớn mà can phạm vẫn cố tình thực hiện tội phạm thì mức độ tăng nặng càng nhiều.

2.7. Phạm tội 02 lần trở lên

Tình tiết này trước đây trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được ghi nhận là “phạm tội nhiều lần” (điểm g khoản 1 Điều 48).

Theo xu hướng cụ thể hóa các quy định trong Bộ luật Hình sự, các nhà làm luật đã sửa đổi thành “phạm tội 02 lần trở lên”.

Về nội dung, ý nghĩa của tình tiết này hoàn toàn không có sự thay đổi, chỉ khác biệt về cách diễn đạt.

Phạm tội từ 02 lần trở lên được hiểu là trước lần phạm tội này, người phạm tội đã thực hiện tội phạm ít nhất một lần trước đó và chưa bị xét xử.

Hành vi phạm tội lần này là sự lặp lại tội mà người đó đã phạm trước đó nên thể hiện mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp bình thường.

Mức độ tăng nặng của tình tiết này tùy thuộc vào số lần phạm tội trước đó cũng như tính chất mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà người đó đã thực hiện trong từng lần.

2.8. Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm

Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là trường hợp phạm tội khi đã bị kết án và chưa được xóa án tích về tội phạm nhất định

Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

2.9. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên

Do phạm tội đối với các đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt nên đã xâm phạm đến chính sách bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người già hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến đạo đức xã hội và nguyên tắc nhân đạo trong quan hệ xã hội nên trường hợp phạm tội này có mức độ nguy hiểm cao hơn so với trường hợp phạm tội đối với đối tượng bình thường.

2.10. Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác

Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được là người do thể trạng yếu đuối hoặc bệnh tật dẫn đến không có khả năng chống lại hành vi phạm tội, không có khả năng tự bảo vệ mình.

Người lệ thuộc vào người phạm tội là những người khống chế bởi các mối quan hệ ràng buộc với người phạm tội về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác như tôn giáo, tín ngưỡng,…

Hiện nay, trong BLHS năm 2015, các đối tượng được bảo vệ đặc biệt đã được mở rộng thêm, bao gồm cả “người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức”. Các đối tượng này đã được làm rõ trong nội dung các tình tiết giảm nhẹ đã phân tích ở phần trên. Quy định mở rộng đối tượng trong tình tiết này thể hiện chính sách bảo vệ đặc biệt đối với nhóm đối tượng yếu thế, không có hoặc hạn chế khả năng tự vệ.

2.11. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội

Lợi dụng tình trạng khẩn cấp để phạm tội là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng tình trạng khẩn cấp trong đời sống xã hội để thực hiện hành vi phạm tội (như lợi dụng việc hoả hoạn để chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng người khác đang bị cấp cứu trên giường bệnh để chiếm đoạt tài sản của họ…).

Mức độ tăng nặng của tình tiết này phụ thuộc vào ý thức lợi dụng và tính chất mức độ của hành vi phạm tội khi lợi dụng tình

Lợi dụng hoàn cảnh thiên tai để phạm tội là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng thiên tai để thực hiện tội phạm. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức khó khăn nhiều hay ít do thiên tai gây ra và ý thức lợi dụng của người phạm tội đối với khó khăn đó.

Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng những khó khăn do dịch bệnh gây nên để thực hiện tội phạm.

Dịch bệnh là một bệnh truyền nhiễm tràn lan, làm cho nhiều người, nhiều gia súc mắc phải, trong đó có thể có những bệnh nguy hiểm như HIV, dịch hạch, dịch tả nhưng cũng có những bệnh không nguy hiểm như dịch cúm, dịch sốt sét…

Mức độ tăng nặng của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi lợi dụng dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội của người phạm tội.

Người phạm tội phải có ý thức lợi dụng những khó khăn đặc biệt của xã hội để phạm tội thì mới coi là tình tiết tăng nặng. Nếu không có sự lợi dụng thì không thuộc tình tiết tặng nặng này.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự ở tình tiết này là phụ thuộc vào mức độ lợi dụng nhiều hay ít và khó khăn cụ thể của xã hội lúc họ thực hiện tội phạm.

2.12. Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người

Dùng thủ đoạn xảo quyệt trong khi phạm tội là người phạm tội có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.

Dùng thủ đoạn tàn ác trong khi phạm tội là người phạm tội có những mánh khoé, cách thức độc ác một cách tàn nhẫn, hoặc gây tác hại cho hàng loạt người không chút thương xót (như tra tấn cho tới chết,…)

Người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phải dùng trong khi thực hiện tội phạm, nếu thủ đoạn này xảy ra sau khi tội phạm đã hoàn thành thì không thuộc trường hợp phạm tội có tình tiết tăng nặng này.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này tuỳ thuộc vào tính chất mức độ xảo quyệt, tàn ác của thủ đoạn mà kẻ phạm tội đã thực hiện.

Thủ đoạn càng nham hiểm tinh vi, tàn nhẫn bao nhiêu thì mức tăng nặng càng nhiều và ngược lại.

Thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện chỉ cần có khả năng gây nguy hại cho nhiều người đã bị coi là tình tiết tăng nặng, không cần sự nguy hại đó có thực sự xảy ra hay không.

Ví dụ: Để đầu độc một người, kẻ phạm tội đã bỏ thuốc độc xuống giếng nước uống của gia đình người này, nhưng gia đình của nạn nhân đã phát hiện nên không ai bị ngộ độc.

2.13. Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội

Xúi giục người chưa thành niên phạm tội, là hành vi của một người đã kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người chưa đủ 18 tuổi thực hiện tội phạm.

Người xúi giục có thể tham gia trong một vụ án có tổ chức hoặc chỉ phạm tội riêng lẻ. Ví dụ: một người muốn giết người khác bằng thuốc độc. Họ đã dụ dỗ một em 12 tuổi bỏ thuốc độc vào thức ăn của người mà họ định giết.

Vì người phạm tội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên người xúi giục được coi như kẻ thực hành tội phạm và hành vi phạm tội của họ vẫn bị coi là tăng nặng trong tình tiết này.

Nếu người bị xúi giục là người chưa thành niên, nhưng đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp có thể là người cầm đầu hoặc chỉ là người xúi giục.

Nếu người xúi giục lại phạm tội có tổ chức thì họ phải chịu cả hai tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và xúi giục người chưa thành niên phạm tội. Mức tăng nặng của tình tiết này phụ thuộc vào số người bị xúi giục và độ tuổi bị xúi giục.

2.14. Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm

Hành động xảo quyệt, là những việc làm gian dối một cách thâm hiểm, khó mà lường thấy được. Hành động hung hãn, là kẻ phạm tội có hành vi rất dữ tợn, phá phách, đánh giết người để tẩu thoát.

Hành động xảo quyệt hoặc hung hãn của bị cáo là nhằm mục đích trốn tránh, che giấu tội phạm.

Những hành động này cản trở hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, làm cho tội phạm mà bị cáo thực hiện khó bị phát hiện hoặc có nguy cơ khó phát hiện.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất và mức độ xảo quyệt, hung hãn mà bị cáo thực hiện sau khi phạm tội.

Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích cụ thể về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon