Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

toi-giao-cho-nguoi-khong-du-dieu-kien-dieu-khien-phuong-tien-tham-gia-giao-thong-duong-bo

Trong xã hội hiện đại, giao thông đường bộ ngày càng phát triển và trở thành một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc tham gia giao thông không chỉ yêu cầu sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, mà còn cần đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia. Một trong những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao thông là tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đây là hành vi có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự xã hội. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định rõ ràng về hành vi này, nhằm bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của cộng đồng.

Vậy Bộ luật Hình sự quy định về hành vi này như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây của Luật Dương Gia.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.

1. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là gì?

Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được hiểu là hành vi của người sở hữu hoặc quản lý phương tiện giao thông khi giao phương tiện cho một người không đủ điều kiện hoặc khả năng điều khiển phương tiện. Các điều kiện này bao gồm:

  • Có Giấy phép lái xe hợp pháp,
  • Không bị ảnh hưởng bởi chất cồn, ma túy hay các chất kích thích,
  • Không có các yếu tố nguy hiểm khác.

Khi một người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, điều này có thể dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, Bộ luật Hình sự đã quy định rõ ràng hình phạt đối với hành vi này nhằm đảm bảo sự an toàn của mọi người tham gia giao thông tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.”

2. Phân tích tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành sau đây:

2.1. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Chủ thể của tội phạm này là người không có trách nhiệm điều động người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nhưng họ là chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện giao thông đường bộ. Ví dụ, chủ xe mô tô giao xe cho người không có Giấy phép lái xe để điều khiển, hoặc lái xe giao xe cho phụ xe không có Giấy phép lái xe.

2.2. Khách thể

Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Để xác định hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, cần phải đối chiếu với quy định của Luật Giao thông đường bộ về các điều kiện cần và đủ đối với người điều khiển phương tiện. Những điều kiện này do Luật Giao thông đường bộ quy định.

2.3. Mặt khách quan

– Hành vi khách quan: Hành vi khách quan trong tội phạm này là việc giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đây là hành vi của người sở hữu hoặc quản lý phương tiện, biết rõ rằng người nhận phương tiện không đủ điều kiện điều khiển, nhưng vẫn giao phương tiện cho họ.

Ví dụ: Trong vụ việc cụ thể, Vũ Khắc T, là lái xe khách, sau khi trả khách xong, đã giao xe cho Nguyễn Văn M, phụ xe không có Giấy phép lái xe, để M điều khiển xe đi thay dầu trong khi T ngồi vào quán uống bia. Trên đường đi, M đã gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến một người thiệt mạng. Trong trường hợp này, hành vi của T là giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển, dẫn đến hậu quả chết người, do đó T phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Tương tự, trong trường hợp một người cho mượn xe mô tô, xe máy, mặc dù biết rõ người mượn không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông, nhưng vẫn đồng ý cho mượn, dẫn đến việc người mượn gây tai nạn nghiêm trọng thì người cho mượn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho thấy người cho mượn không biết hoặc không thể biết người mượn không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, thì hành vi của họ sẽ không bị coi là giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

– Hậu quả: Là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

2.4. Mặt chủ quan

Giống như các tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể xảy ra do lỗi vô ý, có thể là vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Mặc dù hành vi này là vô ý, nhưng trước khi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội phải biết người mà mình giao cho phải là người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Nếu người phạm tội không biết, hoặc không thể biết được người nhận phương tiện không đủ điều kiện, do thiếu thông tin hoặc không thể lường trước được, thì hành vi này sẽ không cấu thành tội phạm.

3. Khung hình phạt

Tội phạm và hình phạt của tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội có 3 khung hình phạt, cụ thể:

Khung 1. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

So với khoản 1 Điều 205 BLHS năm 1999 thì khoản 1 Điều 264 BLHS năm 2015 quy định cụ thể dấu hiệu hậu quả như sau:

  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu có một trong các tình tiết tăng nặng:

  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Khung 3. Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A là chủ sở hữu chiếc xe ô tô tải mang BKS 29C-123.45 chuyên chở vật tư xây dựng cho cửa hàng của vợ chồng ông A. Ngày 10/10/2024, đã giao phương tiện này cho Trần Quang B là nhân viên của cửa hàng để B điều khiển đi giao hàng. Tuy nhiên, mặc dù biết B không có Giấy phép lái xe nhưng ông A vẫn giao xe cho B để đi giao hàng. Khi di chuyển trên đường Tôn Đức Thắng hướng từ Cầu vượt ngã ba Huế – đèo Hải Vân, khi đến giao lộ Nguyễn Sinh Sắc – Tôn Đức Thắng, Trần Quang B đã không làm chủ được tốc độ và gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một người tử vong và hai người bị thương nặng.

Với hành vi này, ông Nguyễn Văn A đã bị xử lý về tội giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ còn Trần Quang B bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông và cộng đồng. Việc vi phạm quy định này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, vì vậy, mỗi cá nhân cần ý thức rõ ràng về trách nhiệm khi giao phương tiện cho người khác.

Trên đây là nội dung về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp quý khách hàng vẫn còn thắc mắc hoặc cần được tư vấn thêm, vui lòng liên hệ số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Gọi ngay
Gọi ngay