Trong bối cảnh giao thông đường bộ ngày càng phát triển, phương tiện cơ giới và xe máy chuyên dùng đóng vai trò thiết yếu trong vận tải hàng hóa, hành khách và phục vụ sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích đó, việc sử dụng các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và trật tự an toàn giao thông. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm từ hành vi này, pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định cụ thể tội danh “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông” nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và tính mạng của người dân.
Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này thông qua bài viết dưới đây
Căn cứ pháp lý
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899
1. Thế nào là không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật ?
Theo quy định các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Việc “không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật” được hiểu là phương tiện không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định được hiểu như:
– Phương tiện không được kiểm định hoặc kiểm định không đạt yêu cầu.
– Phương tiện có hệ thống phanh, lái, đèn chiếu sáng, lốp xe, hoặc các bộ phận khác không đảm bảo hoạt động an toàn.
– Phương tiện đã bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa đúng cách.
– Phương tiện không đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải và tiếng ồn theo quy định.
Sử dụng phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông. Do đó, việc tuân thủ các quy định về kiểm định và bảo dưỡng phương tiện là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức khi tham gia giao thông đường bộ.
2. Quy định pháp luật về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
Hiện nay, không ít trường hợp các phương tiện cơ giới và xe máy chuyên dùng không đạt tiêu chuẩn vẫn được đưa vào sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, để ngăn chặn và xử lý hành vi nguy hiểm này, Bộ luật Hình sự năm 2015, đã quy định cụ thể tại Điều 262 về tội đưa vào sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
“Điều 262. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm
3.1. Khách thể
Đối tượng tác động của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông là:
– Phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, nhưng chủ yếu là phương tiện giao thông cơ giới đương bộ.
– Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
– Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm các loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của công dân.
Theo đó, khách thể của tội danh này là sự xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của công dân.
3.2. Khách quan
a. Hành vi
Tội phạm được thể hiện ở hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn: hỏng bộ phận chuyển động, hỏng tay lái, hỏng phanh, hỏng gầm, lốp, vỏ xe… đã mòn quá quy định, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn báo hãm, đèn báo hiệu các loại không đạt tiêu chuẩn, hệ thống chuyển hướng không có hiệu lực, bánh lốp không đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật và áp lực hơi theo quy định cho từng loại xe…
Cho phép các chủ phương tiện sử dụng các phương tiện giao thông vận tải đường bộ không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết, hành vi này thường là của những người có thẩm quyền cho phép các chủ phương tiện sử dụng các phương tiện giao thông vận tải: cán bộ cơ quan đăng kiểm…
Điều động các phương tiện giao thông vận tải đường bộ không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia vào các hoạt động giao thông.
b. Hậu quả
Hậu quả của tội thể hiện bằng việc gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thể hiện bằng một trong các tình tiết sau đây:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Lưu ý: Giữa hành vi và hậu quả xảy ra cần có mối quan hệ nhân quả.Dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc: chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên gây chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác
3.3. Chủ quan
Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.
Lỗi vô ý của người phạm tội thể hiện ở sự quá tự tin cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.Người phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông có thể vì động cơ khác nhau nhưng không có mục đích vì lỗi của người phạm tội là do vô ý nên không thể có mục đích
3.4. Chủ thể
Chủ thể của tội này là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng.
Chủ thể của tội phạm này được xác định là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
4. Quy định về khung hình phạt
Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt sau đây:
Khung hình phạt 1: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Làm chết 02 người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khung hình phạt 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nhận thấy, việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tai nạn, thiệt hại về người và tài sản.Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan cần nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các quy định kỹ thuật khi đưa phương tiện vào sử dụng, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và bền vững.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến tội Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông. Trong trường bạn cần tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899