Văn bản quy phạm pháp luật dân sự Nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam

van-ban-quy-pham-phap-luat-dan-su-nguon-cua-phap-luat-dan-su-viet-nam

Có thể thấy rằng, từ khi pháp luật xuất hiện, văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật dân sự nói riêng đã được coi là một trong những loại nguồn của pháp luật, ở đó có chứa đựng các quy phạm pháp luật với ý nghĩa là những quy tắc xử sự chung, được nhà nước bảo đảm thực hiện.

1. Khái quát về văn bản quy phạm pháp luật dân sự – Nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam

Nếu so sánh với tập quán pháp về mặt thời gian thì văn bản quy phạm pháp luật dân sự xuất hiện muộn hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng đây là hình thức pháp luật có nhiều ưu điểm và được các quốc gia, trong đó có Việt Nam sử dụng phổ biến để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên lĩnh vực dân sự nói chung.

Theo từ điển Tiếng Việt “Văn bản” là bản viết hay in mang những gì cần ghi lại để làm bằng chứng. Nghĩa thứ hai là chuỗi ký hiệu ngôn ngữ làm thành một chỉnh thể mang một nội dung ý nghĩa trọn vẹn. Còn “quy phạm” là điều quy định làm khuôn thước để theo.[1]

Theo Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 định nghĩa: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”.

Do đó, văn bản quy phạm pháp luật dân sự là hình thức pháp luật thành văn, do các cơ quan nhà nước soạn thảo và ban hành. Các nhà làm luật khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dân sự thường trình bày các quy phạm pháp luật dân sự trong các điều luật. Việc trình bày các quy phạm pháp luật dân sự trong các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật dân sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như việc thực hiện và áp dụng pháp luật.

Từ đó có thể hiểu, văn bản quy phạm pháp luật dân sự là: “Văn bản có chứa quy phạm pháp luật dân sự, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục do luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự”.[2]

2. Đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật dân sự

Văn bản quy phạm pháp luật dân sự chứa đựng quy phạm pháp luật dân sự. Đây là đặc điểm thể hiện rõ sự khác biệt rõ nét giữa văn bản quy phạm pháp luật dân sự với các văn bản khác của nhà nước. Quy phạm pháp luật dân sự là những quy định của Nhà nước về cách xử sử của các chủ thể trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định. Do điều kiện và hoàn cảnh rất đa dạng cho nên, cách xử sự của các chủ thể cũng rất phong phú và đa dạng. Trong nhiều trường hợp, pháp luật không chỉ dự liệu những ứng xử cụ thể mà còn đưa ra khung, giới hạn của các xử sự đó hoặc chỉ ra các khung pháp lý mà trong phạm vi khung đó các chủ thể có thể tùy ý lựa chọn cách thức xử sự phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sao cho có lợi nhất. Tùy theo cách thức quy định trong các quy phạm, người ta có thể phân chia quy phạm pháp luật dân sự thành những loại quy phạm sau: Quy phạm định nghĩa, quy phạm mệnh lệnh, quy phạm tùy nghi. Cách thức áp dụng mỗi loại quy phạm đó có những điểm khác nhau nhất định. Cụ thể, đối với quy phạm mệnh lệnh thì phải được áp dụng vô điều kiện và chỉ tuân theo nội dung của quy phạm. Đối với quy phạm tùy nghi (quy phạm hướng dẫn, quy phạm lựa chọn), khi áp dụng thì có thể lựa chọn quy định phù hợp với mỗi loại quan hệ cụ thể để áp dụng. Còn đối với quy phạm định nghĩa không được áp dụng một cách trực tiếp như các quy phạm mệnh lệnh và tùy nghi, nhưng có giá trị trong việc xác định phạm vi, tính chất và đặc điểm của quan hệ để từ đó có căn cứ xác định chuẩn xác quy phạm cần được áp dụng, tránh sự nhầm lẫn hoặc áp dụng sai quy phạm.[3]

Văn bản quy phạm pháp luật dân sự do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Pháp luật quy định cho một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Pháp luật quy định cho một số cơ quan nhà nước được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và những cơ quan đó cũng chỉ được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và những cơ quan đó cũng chỉ được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về những vấn đề ở những mức độ phù hợp với thẩm quyền của mình do luật định.

Trình tự, thủ tục, hình thức, tên gọi của văn bản quy phạm pháp luật dân sự được pháp luật quy định cụ thể. Văn bản quy phạm pháp luật dân sự được ban hành theo hình thức, thủ tục, tên gọi được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Văn bản quy phạm pháp luật dân sự được áp dụng nhiều lần trong đời sống nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự. Vì văn bản quy phạm pháp luật dân sự chứa đựng các quy phạm pháp luật dân sự nên văn bản quy phạm pháp luật dân sự luôn có tính bắt buộc chung được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống. Tính chất bắt buộc chung của văn bản quy phạm pháp luật dân sự được hiểu là bắt buộc đối với mọi chủ thể khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh mà văn bản quy phạm pháp luật đó quy định.

3. Sơ lược lịch sử phát triển văn bản quy phạm pháp luật dân sự

3.1. Thời kỳ cổ luật

Hệ thống văn bản pháp luật của nước ta thời kỳ này khá rời rạc. Những điều luật được soạn thảo ra trong “Quốc triều hình luật” hay “Luật Hồng Đức” và trong “Hoàng Triều Luật Lệ” hay “Luật Gia Long” thực chất là xuất phát từ ý nguyện của các vị vua và cho dù nó gắn bó với thực tiễn cuộc sống nhưng về cơ bản nó mang những tư tưởng, tình cảm và quan niệm của các vua. Hơn nữa, pháp luật thời kỳ này “là công cụ trong tay giai cấp phong kiến thống trị, pháp luật là ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến được nâng lên thành luật pháp mà nội dung của ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp phong kiến. Pháp luật phong kiến là phương tiện để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến mà trước hết là quan hệ sản xuất phong kiến”[4]. Cụ thể là, dưới thời Lê, Bộ Quốc triều hình luật dành hai chương: Hộ hôn và Điền sản – để nói không chỉ về hôn nhân, gia đình và ruộng đất, mà còn cả về chế độ tài sản của vợ, chồng, thừa kế, tặng cho và di chúc, hương hỏa, nghĩa vụ, hợp đồng,… không kể các quy định có liên quan đến quan hệ pháp luật dân sự nằm rải rác ở các chương khác hoặc trong các văn bản luật riêng lẻ mà không được đưa vào Bộ luật. Nói chung, mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa pháp lý Trung Quốc, người làm luật thời Lê vẫn nhận ra những đặc điểm riêng của đời sống dân sự Việt Nam và đã xây dựng được nhiều quy tắc pháp lý thể hiện tính độc đáo của pháp luật dân sự Việt Nam, nhất là những quy tắc liên quan đến hôn nhân, chế độ tài sản của vợ, chồng và thừa kế.

Đến thời Nguyễn, luật viết lại trở về với thân phận chư hầu của Trung Quốc. Nói riêng về luật dân sự, Bộ luật Gia Long hầu như chỉ lấy lại câu chữ của các quy định liên quan trong Bộ luật nhà Thanh. Thực ra, người làm luật nhà Thanh, cũng như người làm luật thời trước đó ở Trung Quốc, không có ý niệm gì về luật dân sự: đối với luật, ngoài các quan hệ trong nội bộ gia đình, con người chỉ có các quan hệ với quyền lực công cộng. Sao chép luật nhà Thanh, Bộ luật Gia Long giải quyết các vấn đề dân sự như là một phần của những vấn đề lớn hơn về gia đình, hành chính và hình sự. Trong thời gian áp dụng Bộ luật Gia Long, người làm luật thời Nguyễn có bổ sung một số quy định về dân sự trong các lĩnh vực thừa kế, nghĩa vụ và hợp đồng, hôn nhân và gia đình; nhưng đó chỉ là những bổ sung rất vụn vặt, không ảnh hưởng đến những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật này.

3.2. Thời kỳ Pháp thuộc

Thời kỳ này chúng ta có ba Bộ luật tiêu biểu là Bộ Dân luật Giản yếu 1883; Bộ Dân luật Bắc kỳ 1931; Bộ Dân luật Trung kỳ 1936. Tất cả các bộ luật này đều dựa trên cơ sở những nguyên tắc đại cương của Bộ Dân Luật Pháp 1804 nhưng lại có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đời sống, sinh hoạt người Việt.

Tuy nhiên, các quy định dân sự được thực dân Pháp quy định chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị trong xã hội. Các vấn đề về quan hệ pháp luật dân sự thời kỳ này chưa được quy định và bảo đảm cho người dân thực hiện các quyền của mình.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Hiến pháp 1946, địa vị pháp lý của người dân nước ta đã có sự thay đổi căn bản. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hiến pháp đã trang trọng ghi nhận quyền con người, quyền công dân – một trong những nội dung cơ bản nhất của Hiến pháp.

3.3. Thời kỳ từ 1946 đến 1992

Thấm nhuần tư tưởng nhân quyền của chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ Hiến pháp đầu tiên 1946 cho đến Hiến pháp 1992 đều thể hiện xuyên suốt việc đề cao các quyền công dân, trong đó có các quy định về quyền dân sự. Bốn bản Hiến pháp là bốn nấc thang về việc ghi nhận và phát triển các quyền cũng như cơ chế bảo vệ các quyền công dân ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ tài sản càng lúc càng trở nên rất phong phú và đa dạng trong dân cư, Nhà nước đã xây dựng trong thời gian ngắn hàng loạt quy phạm pháp luật dân sự: Luật hôn nhân và gia đình năm 1986; Luật đất đai năm 1987; Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987; Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989; Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Pháp lệnh nhà ở và Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991…

3.4. Thời kỳ từ 1992 đến nay

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 1992, các văn bản quy phạm pháp luật dân sự được ban hành. Trong đó phải kể đến, BLDS 1995 được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/1996. Có thể nói rằng BLDS 1995 là thành tựu lớn nhất trong những năm xây dựng hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại.

Sau mười năm áp dụng BLDS 1995; đến ngày 14 tháng 6 năm 2005 Quốc hội đã thông qua BLDS 2005 (có hiệu lực từ ngày 01/01/06) trên cơ sở kế thừa những nguyên tắc và nội dung cơ bản của BLDS 1995. Tuy còn nhiều bất cập nhưng BLDS 2005 đã thể hiện rõ hơn nguyên tắc tôn trọng sự tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể trong quan hệ dân sự, giảm bớt sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các quan hệ dân sự. Quốc hội đã thông qua và ban hành BLDS 2015 thay thế BLDS 2005. Bộ luật dân sự mới với xu hướng thay thế những quy định không còn phù hợp với thực tế, mang đến một hệ thống pháp luật mới ổn định hơn, áp dụng dễ dàng hơn, bền vững hơn…

[1] Xem: Từ Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, nxb Đà Nẵng, 2003

[2]Xem: Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập I, nxb CAND, Hà Nội 2017, tr.32.

[3] Xem: Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập I, nxb CAND, Hà Nội 2017, tr.43.

[4] Khoa Luật Đại học Quốc gia (2001), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật – Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội; trg.242.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon