Mẫu đơn khiếu nại mới nhất

mau-don-khieu-nai-moi-nhat
Những năm gần đây, Chính phủ không ngừng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Theo đó, rất nhiều thủ tục đã được thực hiện trực tuyến. Hầu hết cán bộ, công chức đều làm việc tận tình, hỗ trợ người dân tối đa.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp cán bộ công chức hoặc người có thẩm quyền có quyết định, hành vi không đúng, gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Lúc này, cán bộ công chức, công dân có quyền nộp đơn khiếu nại tới Lãnh đạo hoặc cơ quan cấp trên để khiếu nại hành vi, quyết định đó. Để tìm hiểu chi tiết hơn về mẫu đơn khiếu nại mới nhất và cách sử dụng nó một cách hiệu quả, chúng ta hãy cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật khiếu nại 2011;

1. Khiếu nại là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 có quy định khái niệm khiếu nại như sau:

“Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Như vậy, mỗi công dân đề có quyền khiếu nại khi nhận thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm hoặc cán bộ, công chức cũng có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật. Tất nhiên, việc khiếu nại này chỉ phát sinh khi người khiếu nại cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.

Việc khiếu nại phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của Luật Khiếu nại.

2. Quy trình khiếu nại

Quy trình khiếu nại được thực hiện thông qua 5 bước, cụ thể:

  • Bước 1: Người khiếu nại đến tận nơi để khiếu nại trực tiếp hoặc nộp đơn lên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để được tiếp nhận và giải quyết khiếu nại.
  • Bước 2: Thực hiện quá trình thụ lý đơn, thời gian không được quá 10 ngày làm việc.
  • Bước 3: Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành xác minh các nội dung không được quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện thụ lý. Trong trường hợp việc khiếu nại phức tạp thì thời gian giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.
  • Bước 4: Tiến hành thông báo giải quyết khiếu nại đến các bên và tổ chức cuộc đối thoại. Đại diện các cơ quan tổ chức có thẩm quyền sẽ tiến hành nêu rõ những nội dung cần đối thoại, các bên tham gia được quyền phát biểu ý kiến và đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại
  • Bước 5: Cuối cùng ra quyết định khiếu nại và thi hành quyết định trong 3 ngày làm việc kể từ ngày giải quyết khiếu nại.

3. Mẫu đơn khiếu nại mới nhất

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

…, ngày… tháng… năm…

ĐƠN KHIẾU NẠI

Kính gửi:                                             (1)

Họ và tên người khiếu nại:……………………………………………………………………………….. ;

Địa chỉ:…………………………………………………………………………………………………….. (2);

Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân…………… , ngày cấp…………. , nơi cấp:      ………………………….(3).

Tên của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại:……………………………………………………. ;

Địa chỉ:…………………………………………………………………………………………………….. (4);

Khiếu nại về việc:……………………………………………………………………………………….. (5);

Nội dung khiếu nại:……………………………………………………………………………………… (6).

(Tài liệu, chứng cứ kèm theo – nếu có).

 

  NGƯỜI KHIẾU NẠI
(Chữ ký hoặc điểm chỉ) 

Họ và tên

 

4. Hướng dẫn cách viết Đơn khiếu nại đúng chuẩn

Dưới đây là hướng dẫn ghi Đơn khiếu nại theo mẫu trên:

(1) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

(2) Họ, tên và địa chỉ của người khiếu nại:

– Nếu là người đại diện của cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thì ghi rõ chức danh, tên cơ quan, tổ chức mà mình được đại diện;

– Nếu là người được ủy quyền khiếu nại thì ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền.

(3) Nếu người khiếu nại không có CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân thì ghi các thông tin theo giấy tờ tùy thân.

(4) Tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại.

(5) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc gì (ghi rõ khiếu nại lần đầu hoặc lần hai).

(6) Ghi tóm tắt nội dung khiếu nại; ghi rõ cơ sở của việc khiếu nại; yêu cầu giải quyết khiếu nại.

5. Thời hiệu khiếu nại

Hiểu theo nghĩa thông thường, thời hiệu khiếu nại là khoảng thời gian mà các quy định về quyền khiếu nại về một vụ việc có hiệu lực áp dụng kể từ khi vụ việc đó phát sinh. Theo quy định tại Điều 9 của Luật khiếu nại, tố cáo thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính. Trong khoảng thời gian đó, người khiếu nại phải cân nhắc xem có nên thực hiện quyền khiếu nại hay không. Nếu quá thời gian đó sẽ không còn quyền khiếu nại.

Như vậy, thời hiệu khiếu nại được hiểu là khoảng thời gian cần thiết đặt ra đối với người khiếu nại kể từ khi nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính mà tự mình quyết định việc có thực hiện quyền khiếu nại hay không? Nếu quá thời hiệu quy định tại Luật này mà cụ thể là thời hiệu 90 ngày thì người khiếu nại không còn có quyền khiếu nại nữa.

Trường hợp cần hỗ trợ chi tiết, vui lòng liên hệ Công ty luật Dương Gia qua số hotline 19006568 để được tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon