Các quyền khác đối với tài sản trên cơ sở của Luật La Mã

cac-quyen-khac-doi-voi-tai-san-tren-co-so-cua-luat-la-ma

Xuất phát từ mục đích tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi hơn cho việc khai thác, sử dụng một cách hiệu quả các loại tài sản nhằm bảo đảm trật tự, ổn định các quan hệ khác có liên quan trong Bộ luật dân sự. Do đó, thông qua Luật La Mã, nước ta đã có sự kế thừa và phát triển Bộ luật dân sự năm 2015 về các quyền khác đối với tài sản. Vậy, các quyền khác đối với tài sản trên cơ sở Luật La Mã được thể hiện như thế nào? Pháp luật dân sự Việt Nam đã kế thừa ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Khái quát chung về quyền đối với tài sản trong luật La Mã

Luật La Mã là hệ thống pháp luật của La Mã cổ đại, phát triển qua nghìn năm luật học, từ Thập nhị Bảng (khoảng năm 449 TCN), đến bộ luật Pháp điển Dân sự (529 CN) do Hoàng đế Đông La Mã Justinianus I ban hành. Luật La Mã tạo nên khuôn khổ cơ bản cho luật dân sự, hệ thống luật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Dưới góc độ pháp luật, quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ giữa các cá nhân với nhau thông qua các lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Trong quan hệ đó mỗi bên đều có quyền và có nghĩa vụ đối với nhau, cho nên quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia, vì thế bên có quyền chỉ được đáp ứng yêu cầu của mình khi bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ của họ. Xét về bản chất quan hệ dân sự là quan hệ giữa hai bên chủ thể về một lợi ích. Tuy nhiên, có những quan hệ một bên chủ thể mang quyền được xác định còn bên chủ thể mang nghĩa vụ không được xác định như quan hệ sở hữu, quan hệ nhân thân…

Vậy những quan hệ này chủ thể mang quyền sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức lên tài sản của mình để tạo ra các lợi ích theo ý chí chủ quan. Chủ thể mang quyền bằng mọi khả năng của mình và bằng mọi cách khai thác, sử dụng tài sản có hiệu quả nhất. Quan hệ này trong Luật La Mã gọi là quan hệ vật quyền (quyền đối vật) mà vật quyền chính là quyền sở hữu.

Theo các Luật gia La Mã, trong quan hệ sở hữu thì nội dung của quan hệ này là các quyền của chủ sở hữu do luật định, bao gồm các quyền cơ bản sau: Quyền chiếm hữu vật (ius possidenti), Quyền sử dụng đồ vật (ius utendi ); Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức (jus fruendi); Quyền định đoạt vật (ius abutendi); Quyền đòi lại đồ vật (íus videcandi). Ngoài các quyền như trên, thì chủ sở hữu còn có mọi thứ quyền đối với đồ vật mà pháp luật không cấm.

2. Quyền khác đối với tài sản trong luật La Mã

Các luật gia La Mã cho rằng nội dung quyền sở hữu là một hệ thống các quyền của chủ sở hữu tạo nên. Chủ sở hữu được phép làm mọi cách tác động đối với tài sản của mình nhưng không vi phạm quyền của người khác. Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu và những người xung quanh thì quyền sở hữu của chủ sở hữu bị hạn chế bởi các đạo luật cụ thể như Luật XII Bảng quy định là chủ sở hữu phải chấp nhận khói, hơi cay bay sang từ đất láng giềng nếu không làm ảnh hưởng việc sử dụng đất một cách bình thường hoặc hạn chế quyền sử dụng của chủ sở hữu không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của láng giềng.

Trường hợp đào hố hay đào huyệt, thì hố hay huyệt rộng bao nhiêu thì phải lùi cách bấy nhiêu ranh giới. Ngoài ra, chủ sở hữu bị hạn chế một số quyền do luật định khi người khác cũng xác lập quyền trên bất động sản của mình, còn gọi là quyền đối với tài sản của người khác.

Đây là một chế định đặc biệt thời La Mã, bỡi lẽ nếu xét về thực tiễn cho thấy là bất hợp lý, vì một người không được chủ sở hữu cho phép sử dụng, tác động vào tài sản của mình nhưng người đó lại có quyền hạn chế đối với tài sản của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong một số tình thế cần thiết như những mảnh đất không có nước, không có lối vào để chăn thả gia súc một cách bình thường thì chủ nhân của mảnh đất này cần nhu cầu sử dụng đất của người láng giềng, Những trường hợp này pháp luật không thể không trao cho chủ sở hữu mảnh đất bị vây bọc quyền sử dụng đất của người bên cạnh để tiếp cận với đường sá công cộng.

Những trường hợp này pháp luật cần phải cho phép các chủ sở hữu đất liền kề thỏa thuận cho thuê đất làm đường đi ra nơi công cộng. Tuy nhiên thỏa thuận này không bền vững vì chủ sở hữu đất cho chủ sở hữu đất bên cạnh đi qua đất của mình nhận thấy bất tiện và sẽ phá bỏ thỏa thuận cho thuê đất. Chính vì vậy để đảm bảo cho các chủ sở hữu đất đều khai thác đất của mình bình thường thì pháp luật phải quy định cho chủ sở hữu đất bị vây bọc một số quyền trên đất của láng giềng bên cạnh gọi là quyền đối với tài sản của người khác hay gọi là quyền dụng ích (Servitus). Quyền dụng ích có hai loại cơ bản là dụng ích đối vật (servituts đất đai) gọi là địa dịch và dụng ích cá nhân (servituts  personarum) còn gọi là quyền hưởng dụng cá nhân.

Trường hợp địa dịch đất đai thì người có quyền trên đất của láng giềng gọi là người có quyền địa dịch. Người chủ sở hữu phải tạo mọi điều kiện cho người có quyền địa dịch khai thác sử dụng mảnh đất của họ. Ở nông thôn địa dịch xuất hiện sớm nhất La Mã, ngay trong Luật XII ( 449 TCN) đã có quy định về địa dịch về đường đi, trồng cây gần ranh giới bất động sản liền kề, địa dịch về tưới tiêu, cụ thể gồm các địa dịch sau:

  • Servitus iter- Quyền đi qua, di chuyển qua đất.
  • Servitus via- Quyền chuyển vật nặng qua đất;
  • Servitus actus- Quyền cho gia súc chăn thả đi qua đất;
  • Servitus aquaeductus- Quyền lấy nước từ mảnh đất đó hay cho nước chảy qua đất láng giềng..

Khi nền kinh – xã hội của La Mã càng phát triển thì ở các thành phố nhiều nhà cao tầng sẽ được xây dựng, do vậy các chủ sở hữu đất canh tác tại các đô thị cần phải được bảo vệ để ngăn ngừa đất canh tác của họ bị che tối không có ánh sáng trồng cây, cho nên pháp luật phải hạn chế độ cao của nhà cửa, công trình xây dựng bảo vệ người nông dân canh tác trên đất của mình được bình thường. Những trường hợp này pháp luật hạn chế quyền của chủ sở hữu công trình xây dựng. Việc hạn chế này đồng nghĩa với việc chủ sở hữu ruộng đất được hưởng lợi từ việc các công trình xây dựng xung quanh, từ đó Nhà nước phải điều chỉnh sao cho hài hòa lợi ích của các chủ sở hữu bất động sản liền kề, cho nên xuất hiện quyền địa dịch ở thành phố. Bao gồm các địa dịch sau:

– Sử dụng tường nhà hàng xóm làm chỗ tựa cho công trình xây dựng như tựa lưng tường nhà mình vào tường nhà hàng xóm.

– Chiếm dụng không gian như đua ban công đua mái nhà ra nơi công cộng.

– Quyền khiếu nại do thiếu ánh sảng, thiếu mỹ quan khi làm nhà.

– Quyền dẫn nước mưa, làm thoát nước qua nhà người khác…

Đối với dụng ích cá nhân- Quyền hưởng dụng cá nhân được định nghĩa trong bộ Degest, điều 7, mục 1 là: “Ususfrutus est ius allienis” quyền sử dụng tài sản của người khác và quyền thu hoa lợi, lợi tức cho tài sản mang lại và phải bảo toàn tài sản không được gây thiệt hại. Người có quyền hưởng được sống trong nhà của người khác, có quyền thu hoa lợi từ cây cối, có quyền sử dụng lao dộng nô lệ của người khác để phục vụ cho mình. Quyền hưởng dụng cá nhân được xác lập do thỏa thuận và do luật định như con nhỏ ở trong nhà của bố mẹ, bố mẹ già có quyền ở cùng con, nếu không ở cùng thì có quyền thu hoa lợi từ cây cối của con để sinh sống.

Quyền hưởng dụng có thể là quyền suốt đời nhưng không được thừa kế, không được chuyển nhượng (bán). Nếu quyền hưởng dụng là nhà ở hoặc đất đai, thì người hưởng dụng có quyền cho thuê hết thời hạn hưởng dụng. Trường hợp người hưởng dụng còn sống thì có quyền giao cho người khác sử dụng tài sản đến hết đời mình.

Người có quyền hưởng dụng có nghĩa vụ bảo vệ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, sử dụng đúng công dụng của tài sản như trước khi xác lập quyền hưởng dụng, bảo đảm việc hoàn trả tài sản khi hết quyền hưởng dụng, trường hợp tài sản bị mất, hư hỏng thì hoàn trả giá trị của tài sản ban đầu khi hưởng dụng.

Quyền hưởng dụng là quyền đối với tài sản của người khác, quyền này gắn liền với cá nhân không mang tính đền bù, cho phép cá nhân trực tiếp khai thác tài sản của người khác để hưởng hoa lợi lợi tức hoặc khai thác một cách gián tiếp như cho thuê. Người hưởng dụng không có quyền chuyển nhượng, không có quyền để lại thừa kế.

Ngoài các quyền địa dịch, quyền hưởng dụng trong luật La Mã còn quy định về quyền thuê đất dài hạn và có hai loại là thuê đất dài hạn để sản xuất nông nghiệp (Enphyteusis) và thuê đất dài hạn để xây dựng công trình (Superficies) – Ngày nay gọi là quyền bề mặt.

Enphyteusis-Đối với thuê đất dài hạn để canh tác còn gọi là lĩnh canh, người thuê đất dài hạn phải trả tô cho chủ sở hữu và nộp thuế cho nhà nước. Người thuê đất có quyền đầu tư vào đất để canh tác, có quyền thu hoach hoa mầu trên đất, khi cần thiết có quyền cầm cố đất trong thời hạn thuê có quyền chuyển nhượng cho người khác.Hoặc người thuê có quyền thoái thác bán quyền thuê thì phải ưu tiên cho chủ sở hữu muốn mua lại quyền thuê đất đó và phải trả cho chủ sở hữu đất 2% giá bán quyền thuê đất dài hạn đó.

Superficies-Trường hợp thuê đất dài hạn để xây dựng công trình trên đất của người khác, quyền này được xác lập theo thỏa thuận hoặc theo thừa kế. Người xây dựng công trình trên đất thuê của người khác có quyền sở hữu công trình đó, cho nên có quyền định đoạt công trình trong thời hạn thuê đất xây dựng.

Quyền đối với tài sản của người khác còn phát sinh từ các hợp đồng cầm cố. Đây là một chế định xuất hiện rất sớm trong luật La Mã xuất hiện cùng với quan hệ vay nợ và có tác dụng bảo đảm cho khoản vay của  con nợ, Theo hợp đồng cầm cố , thì tài sản của người cầm cố là sự bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng thời hạn.

Trong luật La mã có ba hình thức cầm cố, thứ nhất là cầm cố chuyển quyền sở hữu (bán có thời hạn-Fiducia cumcreditore). Người vay chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho chủ nợ, đến hạn mà con nợ trả đủ nợ thì chủ nợ hoàn trả lại tài sản cầm cố. Loại thứ hai là cầm cố trao tay (Pignus), theo loại cầm cố này con nợ chuyển cho chủ nợ tài sản của mình, chủ nợ không được sử dụng, đến hạn trả nợ mà con nợ thực hiện xon nghĩa vụ trả nợ thì chủ nợ phải hoàn trả tài sản, ngược lại con nợ không thực hiện được nghĩa vụ thì tài sản thuộc về chủ nợ.

Thứ ba là cầm cố không chuyển tài sản còn gọi là thế chấp (Hypotheca). Khi nền kinh tế hàng hóa được phát triển thì hai hình thức cầm cố như trên không còn phù hợp nữa vì quyền của người cầm cố bị hạn chế không thể khai thác tài sản của mình trong thời hạn cầm cố. Để tạo điều kiện cho việc sử dụng tài sản một cách hiệu quả, pháp luật cho phép người cầm cố không chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Tuy nhiên, pháp luật cho phép chủ nợ thu hồi tài sản cầm cố làm sở hữu hoặc bán tài sản cầm cố để bù đắp quyền lợi nếu con nợ không trả nợ.

Từ thời cổ đại, Luật La Mã đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ tài sản một cách linh hoạt, tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện quyền và bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhất. Điều này chứng tỏ rằng các lý thuyết pháp lý của các Luật gia La Mã gắn liền với thực tiễn và trở thành thực tế là các chế định pháp luật được xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay. Các lý thuyết này ảnh hưởng đến quá trình xây dựng các bộ luật dân sự của các nước Châu âu lục địa như Pháp, Đức, Nga.

4. Kế thừa và phát triển Bộ luật dân sự năm 2015 thông qua pháp luật La Mã

Ngày nay, trong thời đại hội nhập toàn cầu, Việt Nam là một trong các quốc gia lĩnh hội các tư tưởng pháp lý tiến bộ của các nước trên thế giới trong đó có tư tưởng pháp lý của các Luật gia La Mã cổ đại.

Trước khi xây dựng Bộ luật dân sự năm 1995, Nhà nước ta ban hành các Pháp lệnh, như Pháp lệnh sở hữu công nghiệp 1990, Pháp lệnh  hợp đồng 1991, Pháp lệnh nhà ở 1991… Đây là tiền thân của các chế định trong Bộ Luật dân sự năm 1995.

Trong Bộ luật dân sự năm 1995 có chế định quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề. Đây là một chế định dân sự kế thừa chế định địa dịch trong Bộ dân Luật Bắc Kỳ năm 1931 và Hoàng Việt Hộ luật năm 1931 và chế định này tiếp tục được kế thừa trong Bộ luật dân sự năm 2005.

Bộ luật dân sự năm 2015 kế thừa và phát triển chế định quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề trong các bộ luật dân sự 1995 và 2005. Tuy nhiên, về tên gọi chế định có sửa đổi là quyền đối với bất động sản liền kề. Việc sửa đổi tên chế định dẫn đến nội dung chế định này phù hợp với nội dung của quyền địa dịch.

Trong Bộ luật dân sự 1995 và 2005 sử dụng tên gọi chế định là quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, tên gọi này thể hiện nội hàm của chế định là người chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền sử dụng hạn chế (một số hành vi) bất động sản của láng giềng để phục vụ cho việc khai thác bất động sản của mình. Tuy nhiên, quyền địa dịch trong Luật La Mã và Bộ luật dân sự của Pháp và Đức không những được sử dụng hạn chế bất động sản liền kề mà còn có quyền hưởng lợi từ bất động sản liền kề như hưởng lợi ánh sáng, độ cao, khoảng không gian…

Để khắc phục hạn chế của Bộ luật dân sự năm 1995 và 2005, Điều 245 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định là quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên  bất động sản chịu hưởng quyền. Như vậy quyền của chủ hữu bất động sản hưởng quyền sẽ được thực hiện một số quyền như sử dụng hạn chế bất động sản liền kề và quyền hưởng các lợi ích từ  bất động sản chịu hưởng quyền. Đây là một chế định có nội hàm tương ứng với chế định Quyền địa dịch trong các bộ luật thời phong kiến ở Viêt Nam.

Khi xây dựng Bộ luật dân sự năm 2015, trên tinh thần tiếp thu tinh hoa của các Bộ luật của các nước tiên tiến, cho nên, Ban biên tập đã sử dụng thuât ngữ Vật quyền như tại Phần thứ hai Dự thảo Lấy ý kiến nhân dân (tháng1/2015) quy định: Quyền sở hữu và các vật quyền khác gồm: Địa dịch; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt và Quyền ưu tiên. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến nhân dân thì đa số ý kiến của các nhà khoa học cho rằng không nên dùng thuật ngữ vật quyền, vì nội hàm thuât ngữ này hẹp là quyền đối vật, tuy nhiên ngày nay còn bao nhiêu tài sản có giá trị hơn vật như quyền sở hữu trí tuệ, chứng khoán… Tiếp thu các ý phản biện đó, Ban biên tập đã sử dụng thuật ngữ quyền khác đối với tài sản bao gồm:  quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt.

Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu quản lý.. ( Điều 53).  Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho, tổ chức cá nhân… để sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở. Với tư cách là người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân có các quyền đối với tài sản của mình là quyền sử dụng đất và quyền đối với tài sản của người khác do pháp luật quy định trong đó có quyền đối với bất động sản liền kề. Đây là một trong những vật quyền quan trọng, vì liên quan đến việc khai thác sử dụng đất và các công trình xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng của mình.

Để phát triển sản xuất kinh doanh, thì cá nhân, doanh nghiệp cần phải có tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai, nhà xưởng. Đây là những bất động sản có giá trị lớn và khi khai thác, sử dụng có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ bất động sản liền kề và xung quanh khác, cho nên giữa các chủ sở hữu bất động sản đó cần phải thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng các bất động sản liền kề. Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải bao giờ cũng có thể thỏa thuận được vì ảnh hưởng đến lợi ích của mỗi chủ sở hữu BĐS. Để tạo điều kiện cho các bất động sản đều có thể khai thác được bình thường góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội chung thì Nhà nước cần phải điều tiết hài hòa các lợi ích của chủ sở hữu, của những người liên quan và lợi ích công cộng.

Trong hệ thống pháp luật dân sự của các nước, có hai cách tiếp cận về quyền đối với bất động sản liền kề. Theo Bộ luật dân sự Pháp (Điều 637), Bộ luật dân sự Quêbec Canada (Điều1177)…quyền đối với bất động sản liền kề được hiểu là nghĩa vụ của một bất động sản là phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng một bất động sản của chủ sở hữu khác gọi là địa dịch hay dịch quyền. Như vây, cách tiếp cận này dựa trên công dụng của bất động sản hưởng quyền để xác định nghĩa vụ của bất động sản liền kề.

Từ cách tiếp cận này sẽ xác định được những trường hợp thỏa thuận xác lập quyền đối với bất động sản liền kề có phù hợp với bản chất, nội hàm của chế định quyền đối với bất động sản liền kề. Đặc biệt là xác lập quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận thì cần phân biệt quyền của chủ sở hữu hưởng quyền là quyền đối với bất động sản liền kề hay là quyền xác lập theo hợp đồng thuê, mượn, cho đi nhờ qua đất của người khác. Để phân bệt các trường hợp trên cần căn cứ vào  Điều 245 bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền”.

Theo quy định trên, quyền của một chủ sở  hữu được thực hiện trên một bất động sản khác theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu hợp lý của bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của hai bất động sản liền kề ( khoản 1 Điều 248). Đối chiếu với Điều 629 Hoàng Việt hộ luật, cho thấy địa dịch là một bất động sản phải gánh, làm ích cho bất động sản của người khác. Nếu bất động sản liền kề không làm ích cho bất động sản hưởng địa dịch thì bất động sản này gặp khó khăn trong việc khai thác sử dụng. Như vậy quyền đối với bất động sản liền kề xác lập do yêu cầu sử dụng của bất động sản hưởng quyền chứ không phải do nhu cầu của chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền. Trên cơ sở đó để phân biệt với hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là đáp ứng nhu cầu của người thuê.

Bộ luật dân sự năm 2015 lần đầu tiên công nhận quyền sử dụng đất là tài sản (Điều 115), cho nên người có quyền sử dụng đất có các quyền dân sự đối với tài sản của mình, vì vậy người sử dụng đất có quyền cho thuê quyền sử dụng đất hoặc cho phép người khác xác lập quyền hưởng dụng, quyền bề mặt đối với quyền sử dụng đất của mình.

Đối với quyền hưởng dụng trong Luật La Mã là quyền dụng ích cá nhân và đối tượng của quyền hưởng dụng là các loại vật, cho nên người hưởng dụng  phải hoàn trả tài sản khi hết hạn quyền hưởng dụng. Kế thừa quy định này, bộ luật dân sự năm 2015, khoản 3 Điều 256 quy định nghĩa vụ của người hưởng dụng là: “ Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu..” quy định này cho thấy đối tượng của quyền hưởng dụng phải là vật không tiêu hao. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường có nhiều loại tài sản không phải vật có thể hưởng dụng được như cổ phiếu, tiền và các loại giấy tờ có giá và các loại tài sản tiêu hao khác.

Theo kinh nghiệm của Bộ luật dân sự Pháp Điều 587 quy định: “Nếu quyền hưởng dụng từ vật tiêu hao như tiền, hạt cây, chất lỏng, người hưởng dụng có quyền sử dụng những vật này nhưng có trách nhiệm hoàn trả lại sau khi chấm dứt quyền hưởng dụng với đúng số lượng, chất lượng vật hoặc bằng giá trị tương ứng tại thời điểm hoàn trả

Theo quy định trên thì mọi tài sản đều có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng. Nếu đối tượng của quyền hưởng dụng là vật tiêu hao thì nghĩa vụ của người hưởng dụng giống như nghĩa vụ của người vay. Tuy nhiên, sự khác biệt là trong hợp đồng cho vay thì người vay phải trả vật cùng loại, cho nên một số loại tài sản sẽ không có vật cùng loại như gia súc, hạt cây… Điều 1894 Bộ luật dân sự Pháp quy định:” Không thể cho vay vật cùng loại nhưng khác về cá thể như súc vật khi đó chỉ là cho mượn”. Tuy nhiên, những vật này mà xác lập quyền hưởng dụng thì việc hoàn trả sẽ được tính giá trị của tài sản hưởng dụng .

Theo Bộ luật dân sự năm 2015 ngoài quyền hưởng dụng của cá nhân, còn quy định quyền hưởng dụng của tổ chức (pháp nhân). Đây là quy định mới so với Luât La Mã. Điều này là tất nhiên vì thời kỳ La Mã cổ đại chưa quy định về pháp nhân mà mới xuất hiện quan niệm mới của các Luật gia về tư cách của các hội, đoàn.

Trong các Bộ luật dân sự thời pháp thuộc thì pháp nhân là chủ thể hưởng dụng được quy định trong Bộ dân luật Bắc kỳ và Hoàng Việt hộ luật ( Điều 578, 590). Pháp nhân có quyền hưởng dụng đối với hầm mỏ vì những tài sản này khó khai thác, chỉ những công ty, nhà máy có kỹ thuật và vốn thì mới có thể khai thác được, cho nên họ sẽ được quyền hưởng dụng và chia lợi nhuận cho chủ sở hữu đất đai có hầm mỏ (hưởng dụng có điều kiện).

Ngày nay, ở Việt Nam theo cơ chế thị trường đã và đang hình thành nên thị trường bất động sản sôi động đáp ứng mọi nhu cầu của cá nhân, tổ chức về các loại bất động sản. Để tạo ra giá trị gia tăng của đất đai, của quyền sử dụng đất, Bộ luật dân sự  năm 2015 công nhận quyền của nhiều chủ thể cùng kinh doanh trên một bất động sản, đó là quyền bề mặt. Bên cạnh đó Bộ luật dân sự có quy định về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, đây là hai chế định độc lập cùng tồn tại, cho nên quy định này sẽ gây khó khăn cho các chủ thể thuê quyền sử dụng đất dài lâu.

Trong thực tiễn thì vấn đề này đã được xử lý tại các bộ luật dân sự phong kiến tạo cơ sở pháp lý cho người thuê đất dài hạn thực hiện các quyền của mình độc lập với chủ sở hữu đất cho thuê. Theo Hoàng Việt Hộ luật nếu thuê đất dài hạn từ 18 năm trở nên thì người thuê có quyền chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê lại quyền thuê của mình (Điều 619) hay trong Luật La Mã thì thuê đất dài hạn thì người thuê có các quyền pháp lý như chủ sở hữu trong thời hạn thuê. Đây chính là quyền bề mặt trong Bộ luật dân sự năm 2015.

Kế thừa các bộ luật thời kỳ phong kiến, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền bề mặt tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể có quyền bề mặt độc lập tương đối với người có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm  2015 không phân biệt giữa hợp đồng thuê đất dài hạn và xác lập quyền bề mặt, cho nên khi các chủ thể giao kết hợp đồng thì cần phải xác định rõ là hợp đồng thuê quyền sử dụng đất hay hợp đồng xác lập quyền bề mặt.

Đối với hợp đồng thuê quyền sử dụng đất dài hạn, thì người thuê hoàn phụ thuộc vào người có quyền sử dụng đất mà không phụ thuộc vào thời hạn thuê quyền sử dụng đất dẫn đến gây bất lợi cho bên thuê đất dài hạn không có các quyền của người có quyền bề mặt.

Bộ luật dân sự năm 2015 được ban hành trên cơ sở tiếp cận quyền dân sự mở rộng trên nguyên tác pháp quyền là người dân được làm những gì mà luật không cấm. Mặt khác tromg thời đại toàn cầu hóa thì các quan hệ kinh tế, dân sự có tính chất tương đồng giữa các quốc gia, cho nên bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định các quyền khác đối với tài sản. Đây là các quyền dân sự đã được quy định trong các bộ luật dân sự của các nước mà bộ luật dân sự năm 2015 tiếp thu, kế thừa một cách phù hợp với điều kiện chính trị kinh tế, xã hội của nước ta.

Trên đây là những phân tích về “Các quyền khác đối với tài sản trên cơ sở của Luật La Mã”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon