Quyền được khai sinh. Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh

quyen-duoc-khai-sinh-ho-so-thu-tuc-dang-ky-khai-sinh

Đăng ký khai sinh là một trong các sự kiện pháp lý đầu tiên của mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết đi. Việc đăng kí khai sinh được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp luật dân sự ghi nhận quyền được khai sinh của cá nhân là một trong những quyền nhân thân quan trọng. Đây là cơ sở để nhà nước quản lý hành chính, làm căn cứ, dữ liệu để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Bài viết này sẽ đi vào phân tích quyền được khai sinh là gì, pháp luật quy định về vấn đề khai sinh như thế nào, thủ tục để thực hiện việc đăng ký khai sinh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật Hộ tịch năm 2014;

1. Khái niệm, ý nghĩa của việc đăng ký khai sinh

1.1. Khái niệm đăng ký khai sinh

Đăng ký khai sinh là đăng ký sự kiện sinh cho đứa trẻ mới được sinh ra tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đăng ký khai sinh là một nội dung của đăng ký hộ tịch theo quy định của khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014, là việc Nhà nước ghi nhận sự tồn tại của trẻ em, ghi nhận các thông tin hộ tịch cơ bản nhất của con người bao gồm họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, số định danh cá nhân, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán và thông tin về cha, mẹ…

Sau khi được đăng ký khai sinh cá nhân được cơ quan đăng ký cấp Giấy khai sinh có ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến nhân thân của cá nhân như Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, số định danh cá nhân, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi sinh và thông tin về cha, mẹ…

Khai sinh là thủ tục pháp lý đầu tiên do cha, mẹ hoặc ông, bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ thực hiện. Người đi đăng ký khai sinh có nghĩa vụ khai báo và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận thông qua Giấy khai sinh.

Khoản 6 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014 quy định:

“Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.”

Thuật ngữ giấy khai sinh trong tiếng Anh là “birth certificate”.

1.2. Ý nghĩa của việc đăng ký khai sinh

– Nhà nước đăng ký khai sinh cho công dân là để Nhà nước quản lý về mặt pháp lý từng người dân, qua đó quản lý toàn bộ dân cư trong cả nước, nắm bắt được biến động tự nhiên về dân cư. Nhà nước quản lý con người, thống kê được dân số, tình hình tăng dân số giúp Nhà nước có cơ sở hoạch định chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, Nhà nước có cơ sở khoa học để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

– Mặt khác công tác đăng ký khai sinh là ghi nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của một cá nhân, là cơ sở ràng buộc trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân, từ đó phát sinh trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo đời sống người dân, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

– Hơn thế nữa, đối với Nhà nước thông qua việc đăng ký này đảm bảo được quyền của công dân, quyền được khai sinh mà pháp luật đã quy định. Đặc biệt đối với trẻ em đối tượng Nhà nước quan tâm bảo vệ, thì đăng ký khai sinh cho trẻ em là nghĩa vụ phải làm của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em, đối tượng được quan tâm hàng đầu trong xã hội

– Đăng ký khai sinh là quyền của công dân được pháp luật quốc tế và Việt Nam ghi nhận. Đăng ký khai sinh có vai trò, ý nghĩa là sự ghi nhận về mặt pháp lý tình trạng nhân thân của một người được sinh ra, thông qua đăng ký khai sinh, cá nhân được cấp Giấy khai sinh, là cơ sở xác định nguồn gốc các mối quan hệ nhân thân, quan hệ gia đình; là một trong những chứng cứ pháp lý tạo ra sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa Nhà nước và công dân và có giá trị chứng minh đối với các mối quan hệ khác trong xã hội.

– Đăng ký khai sinh cho một cá nhân là cơ sở đầu tiên để cá nhân đó trở thành công dân một quốc gia, làm phát sinh quyền của mình, công dân thực hiện được các quyền của mình được Nhà nước ghi nhận và là cơ sở để được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

2. Quy định về quyền được khai sinh

2.1. Quy định về quyền được khai sinh

Khoản 1 Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh”.

Như vậy, ở nước ta mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh.

Có nhiều trường hợp bị bố mẹ bỏ rơi hoặc không biết bố mẹ là ai có thể bị vướng ở thủ tục này. Một số cán bộ của Ủy ban nhân dân khi gặp các trường hợp này có thể từ chối đăng ký vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, việc làm này là không đúng. Bởi lẽ, mọi có nhân sinh ra đều có quyền được khai sinh.

Trường hợp có vướng mắc về thủ tục hành chính hoặc nguyên nhân khác, cần phải đề nghị hướng dẫn hoặc nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan để đưa ra phương án giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tối đa của công dân, đặc biệt là các bé mới sinh ra chưa được đăng ký khai sinh.

2.2. Quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh

– Tại khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch quy định thẩm quyền đăng ký hộ tịch trong nước của UBND cấp xã như sau:

UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam.

– Đồng thời, Luật Hộ tịch đã quy định mở rộng hơn về thẩm quyền đăng ký khai sinh, theo đó cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện quyền được khai sinh của mình.

Đối với công dân cư trú ở trong nước, Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định như sau:

“Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”.

2.3. Quy định về thời hạn, trách nhiệm đăng ký khai sinh

Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể:

“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con, trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bản trong thời hạn quy định, trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động”.

Như vậy, thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ là 60 ngày kể từ ngày được sinh ra.

Người thân thích có trách nhiệm đăng ký khai sinh trong trường hợp nói trên theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Luật HN&GĐ năm 2014 bao gồm người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.

Những người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh có thể trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc đăng ký khai sinh. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký khai sinh.

Người đi đăng ký khai sinh có trách nhiệm phải khai báo chính xác các thông tin liên quan đến khai sinh bao gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch; Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú. Các nội dung này, người đi đăng ký khai sinh có trách nhiệm trao đổi thống nhất với cha, mẹ của trẻ và chịu trách nhiệm trước cơ quan đăng ký hộ tịch.

2.4. Quy định về nội dung đăng ký khai sinh

Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch, nội dung đăng ký khai sinh bao gồm:

– Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh; quê quán; dân tộc, quốc tịch;

– Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú;

– Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

2.5. Quy định về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em trong nước

– Người đi đăng ký khai sinh nộp một bộ hồ sơ bao gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh, Giấy chứng sinh do cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế, nhà hộ sinh…) nơi trẻ em sinh ra cấp. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp các văn bản, giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch, cụ thể:

Văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh, trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập, trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp ủy quyền đi đăng ký khai sinh phải có văn bản ủy quyền đã được được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền

– Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

– Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào sổ hộ tịch, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân. Chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về quyền được khai sinh và những vấn đề có liên quan. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon