Quyền sở hữu là gì? Phân tích quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự?

quyen-so-huu-la-gi-phan-tich-quyen-so-huu-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su

Quyền sở hữu là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều chủ thể trong xã hội bởi nó gắn liền với thực thi quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân trong đời sống xã hội cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các quy định về quyền sở hữu là cơ sở thúc đẩy quá trình tạo ra của cải, vật chất cho xã hội và bảo vệ của cải, vật chất đó cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu và chủ thể khác trước mọi hành vi gây hại. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về nội dung quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Quyền sở hữu là gì?

Điều 153 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định pháp luật.

* Thời điểm xác lập quyền sở hữu:

Điều 161. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

“1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.

2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ theo các thứ tự xác định sau:

– Theo quy định luật đối với các trường cụ thể;

– Nếu không có quy định cụ thể của luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm này do các chủ thể thỏa thuận;

– Nếu các chủ thể không thỏa thuận thì đó là thời điểm tài sản được chuyển giao. Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.

* Quy định chịu rủi ro về tài sản:

Điều 162. Chịu rủi ro về tài sản

“1. Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Theo quy định trên thì chủ sở hữu phải chịu rủi ro đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Việc xác định tài sản đang thuộc sở hữu của bên nào phải căn cứ vào quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác thì tuân theo quy định của luật đó, chẳng hạn:

– Chịu rủi ro trong quan hệ mua sau khi dùng thử:

Khoản 2 Điều 452 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cam co tài sản khi bên mua chưa trả lời.

– Chịu rủi ro trong quan hệ mua trả chậm, trả dần:

Khoản 2 Điều 453 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Chịu rủi ro trong quan hệ chuộc lại tài sản đã bán:

Khoản 2 Điều 454 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Phân tích nội dung quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự

2.1 Quyền chiếm hữu

Quyền chiếm hữu là khả năng của chủ sở hữu chiếm giữ vật thực tế trong phạm vi kiểm soát của mình, làm chủ và chi phối vật đó về phương diện vật chất.

– Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu:

Theo Điều 186 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trải pháp luật, đạo đức xã hội”.

Chủ sở hữu là người có quyền sở hữu đối với một tài sản nhất định. Việc có được tài sản đó dựa trên các căn cứ xác lập quyền sở hữu do pháp luật quy định. Quyền của chủ sở hữu trong việc chiếm giữ tài sản được pháp luật tôn trọng tuyệt đối.  

– Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản:

Chủ sở hữu có thể trực tiếp chiếm hữu tài sản nhưng cũng có thể ủy quyền cho người khác chiếm hữu tài sản. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

– Quyền chiếm hữu của người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự:

Giao dịch dân sự được xác lập phù hợp với quy định của pháp luật làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao dịch đó.

Điều 188 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.”

Ví dụ trong quan hệ cầm cố, khi bên cầm cố giao tài sản cho bên nhận cầm cố giữ thì bên nhận cầm cố phải giữ gìn, bảo quản tài sản cầm cố, không được làm hư hỏng hoặc giảm sút giá trị của tài sản cầm cố.

Thông qua giao dịch dân sự với chủ sở hữu, người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao (ví dụ người nhận cầm cố có thể khai thác lợi ích từ tài sản), được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý. Mặc dù có những quyền này nhưng người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu của tài sản được giao.

2.2 Quyền sử dụng

Điều 189 Bộ luật Dân sự định rõ:

“Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”

– Quyền sử dụng của chủ sở hữu:

Sử dụng tài sản là một trong những quyền năng quan trọng và có ý nghĩa thực tế của chủ sở hữu. Chủ sở hữu hoàn toàn có toàn quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức của tài sản theo cách thức và mục đích sử dụng tài sản theo ý chí của mình: sử dụng hoặc không sử dụng tài sản, trực tiếp khai thác công dụng tự nhiên của tài sản hoặc để cho người khác sử dụng thông qua giao dịch dân sự như hợp đồng cho thuê, cho mượn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, việc sử dụng tài sản phải trên nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. các

– Quyền sử dụng của người không phải chủ sở hữu: Người không phải chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

+ Người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng tài sản thông qua thỏa thuận. Trong trường hợp này, người sử dụng được quyền khai thác tài sản theo cách thức và thời hạn đã được thoả thuận với chủ sở hữu.

+ Theo quy định của pháp luật: Đây là trường hợp mà pháp luật quy định cho pháp một chủ thể nhất định có quyền sử dụng tài sản. Ví dụ : Điểm a Khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép người giám hộ sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ.

2.3 Quyền định đoạt

Điều 192 Bộ luật Dân sự 2015 định rõ:

“Quyền định đoạt là quyển chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.”

– Chuyển giao quyền sở hữu: Quyền sở hữu được chuyển giao từ chủ sở hữu này sang cho chủ thể khác thông qua hợp đồng như hợp đồng mua bán, trao đổi tài sản, cho vay… hoặc giao dịch một bên như lập di chúc định đoạt tài sản….

– Từ bỏ quyền sở hữu: Từ bỏ quyền sở hữu là sự thể hiện ý chí của chủ sở hữu về việc chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với tài sản nhất định.

– Tiêu dùng, tiêu hủy tài sản: Chủ sở hữu lương thực, thực phẩm… có thể định đoạt số phận thực tế của tài sản thông qua việc khai thác giá trị của lương thực, thực phẩm….

Việc định đoạt tài sản có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua chủ thể khác. Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền định đoạt tài sản của người khác trong trường hợp được chủ sở hữu uỷ quyền hoặc trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định (việc trưng mua, trưng thu tài sản theo quyết định của Nhà nước). Việc thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản sẽ làm chấm dứt hoặc thay đổi các quan hệ pháp luật liên quan đến tài sản đó. Chủ sở hữu, người không phải chủ sở hữu khi định đoạt tài sản phải có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó. Ví dụ: Khi mua bán tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì các bên phải hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu từ người mua sang người bán theo quy định của pháp luật, tiêu hủy tài sản phải đảm bảo không được gây ô nhiễm môi trường…

Về nguyên tắc, chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt số phận thực tế hay số phận pháp lý tài sản của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhằm bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của chủ sở hữu và lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của người khác, quyền định đoạt có thể bị hạn chế theo những điều kiện cụ thể do pháp luật quy định.

Theo quy định của pháp luật, khi tài sản đem bán là cổ vật, là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua; Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó. Ví dụ, thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người ngoài nếu các thành viên khác của công ty không mua hoặc mua không hết.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung của quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon