Sở hữu toàn dân là gì? Phân tích chế định sở hữu toàn dân

so-huu-toan-dan-la-gi-phan-tich-che-dinh-so-huu-toan-dan

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Liên quan đến việc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, pháp luật Việt Nam, cụ thể là trong Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận ba hình thức sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong phạm vi của bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ đi vào phân tích cụ thể về khái niệm và chế định sở hữu toàn dân.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

1. Hình thức sở hữu toàn dân

1.1. Khái niệm sở hữu toàn dân

Sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu trong hệ thống các hình thức sở hữu được pháp luật thừa nhận, để thực hiện quyền năng của chủ sở hữu, Nhà nước – với tư cách là đại diện của sở hữu toàn dân phải có tài sản thuộc sở hữu của mình, trên cơ sở đó Nhà nước mới thực hiện được vai trò của chủ sở hữu đối với hình thức sở hữu này.

Tài sản thuộc sở hữu toàn dân rất đa dạng, bao gồm nhiều tài sản đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, an ninh, quốc phòng.

1.2. Phạm vi tài sản thuộc sở hữu toàn dân

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Điều 197 BLDS 2015 quy định phạm vi tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Phạm vi tài sản thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:

a. Đất đai

Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, BLDS 2015 đều khẳng định đất đai là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân. Ngoài Nhà nước, không có chủ thể nào có quyền đại diện cho toàn dân để sở hữu đối với đất đai. Người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đất và các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, góp vốn, tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

b. Tài nguyên nước

Nước là một trong những yếu tố không thể thiếu đối với đời sống của con người. Trong điều kiện hiện nay, khi nguồn nước tự nhiên vị khai thác cạn kiệt thì việc giữ gìn, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước là yêu cầu quan trọng hàng đầu mà chúng ta phải quan tâm.

Khoản 1 Điều 2 Luật tài nguyên nước năm 2012 quy định: “Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nguồn nước dùng để chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được bao gồm sông, suối, kênh, rạch, biển, hồ, đầm, ao; các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác.

Tất cả mọi nguồn nước đều thuộc quyền sở hữu toàn dân, các chủ thể khác chỉ có thể khai thác và sử dụng nguồn nước nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật thể hiện trong Luật tài nguyên nước 2012. Việc sử dụng nguồn nước phải theo nguyên tắc tiết kiệm và không được gây nguy hại đến nguồn nước nói chung.

c. Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản là tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất có ích ở thể rắn, thể lỏng, thể khí, hiện tại hoặc sau này có thể được khai thác. Khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ mà sau này có thể được khai thác lại, cũng được coi là khoáng sản.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật khoáng sản năm 2010 thì: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể  rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”.

Tổ chức, cá nhân được phép theo quy định của pháp luật có quyền khai thác khoáng sản nhưng phải tuân thủ các quy định của Luật khoáng sản năm 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

d. Tài nguyên thiên nhiên khác như rừng, núi, sông hồ:

Tất cả núi, sông, hồ trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc sở hữu của toàn dân. Nhà nước có thể giao cho cá nhân, tổ chức khai thác lợi ích từ các núi, sông, hồ nhưng việc khai thác phải bảo đẩm quy hoạch của Nhà nước và tuân theo các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể đầu tư vốn vào các doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học – công nghệ, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh để các doanh nghiệp, cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu do Nhà nước đặt ra thì phần vốn đó cũng thuộc sở hữu của Nhà nước.

Ngoài những tài sản trên đây, “các tài sản khác do pháp luật quy định” cũng có thể là tài sản thuộc sở hữu toàn sân. Ví dụ: các di tích lịch sử, văn hoá mà Nhà nước có quyền sở hữu, phần tài sản mà Nhà nước có quyền sở hữu liên quan đến di sản thừa kế không có người thừa kế…

2. Chế định sở hữu toàn dân

2.1. Nguyên tắc chung của việc thực hiện nội dung quyền sở hữu toàn dân

Giống như bất cứ chủ thể nào khác, là đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản được pháp luật quy định, Nhà nước có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Tuy nghiên, khác với các chủ thể khác có thể trực tiếp thực hiện hành vi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân thực hiện quyền chiếm hữu sử dụng, định đoạt tài sản một cách gián tiếp. Có thể khẳng định, Nhà nước thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu một cách đặc thù.

Tính đặc thù đó thể hiện ở chỗ, Nhà nước trực tiếp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện các quyền năng nhất định đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Thông qua việc ban hành văn bản pháp luật để khẳng định và thực hiện quyền của chủ sở hữu, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 198 BLDS 2015).

2.2. Thực hiện quyền sở hữu toàn dân trong một số trường hợp cụ thể

a. Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp (Điều 200 BLDS 2015).

Nhà nước có thể đầu tư toàn bộ hoặc một phần vốn vào doanh nghiệp, khi đó Nhà nước sẽ thực hiện quyền của chủ sở hữu hoặc của người góp vốn đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và của pháp luật khác có liên quan.

Tài sản mà Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp rất đa dạng, có thể là đất đai, tài nguyên, phần vốn khác,… Khi Nhà nước đầu tư vốn, doanh nghiệp có quyền quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

b. Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân (Điều 201 BLDS 2015).

Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, duy trì trật tự trị an và bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Để các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động thì các cơ quan, đơn vị này phải có tài sản. Tài sản Nhà nước giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang thì các cơ quan, đơn vị này sử dụng tài sản phục vụ cho đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

Tài sản Nhà nước giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, tuy nhiên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang có quyền quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo quy định của pháp luật đối với tài sản được Nhà nước giao.

c. Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (Điều 202 BLDS 2015).

Các tổ chức này thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị. Quá trình thành lập và hoạt động, các tổ chức này có thể có tài sản từ đóng góp của các thành viên, tài sản từ nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, một nguồn tài sản quan trọng nữa đó là tài sản Nhà nước giao. Các tổ chức được Nhà nước giao tài sản có quyền quản lý, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lệ và Nhà nước có quyền kiểm tra, giám sat việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

Đối với các cá nhân, pháp nhân sử dụng, khai thác tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân: phải khai thác đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Sở hữu toàn dân là gì? Phân tích chế định sở hữu toàn dân”. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 0931548999 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon