Các trường hợp được miễn đào tạo nghề Luật sư. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ Luật sư

cac-truong-hop-duoc-mien-dao-tao-nghe-luat-su

Luật sư là một trong những ngành nghề không những góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn cùng với những ngành nghề khác đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thông thường, để trở thành Luật sư phải trải qua khoá đào tạo nghề Luật sư và tập sự Luật sư. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, có một số trường hợp đặc biệt, được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư. Mời mọi người tham khảo nội dung này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012;

1. Luật sư là gì?

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Để trở thành Luật sư, ngoài những đáp ứng các điều kiện cần là tốt nghiệp cử nhân đại học chuyên ngành luật mà còn phải học khoá đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại Học viện tư pháp, trải qua kỳ tập sự, thi chứng chỉ hành nghề Luật sư…

Do vậy, ngoài những yêu cầu trên Luật sư cần phải có những kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống thực tế để bảo vệ thân chủ theo quy định pháp luật.

Tại Việt Nam, công việc của Luật sư được thực hiện các dịch vụ pháp lý bao gồm:

– Tham gia tố tụng, ví dụ Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án như hình sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động …. Hoặc hoặc Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự…

– Tư vấn pháp luật;

– Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng, ví dụ: Luật sư đại diện theo uỷ quyền thực hiện các thủ tục hành chính.

– Các dịch vụ pháp lý khác.

2. Luật sư được dịch sang tiếng Anh là gì?

Luật sư: Lawyer.

Điều tra viên: Investigator.

Kiểm sát viên: Procurator.

Thẩm phán: Judge.

3. Các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư

Căn cứ Điều 16 Luật Luật sư quy định về người được miễn đào tạo nghề luật sư:

– Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

– Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

– Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Theo đó, những trường hợp nêu trên được miễn đào tạo nghề Luật sư và được miễn tập sự hành nghề luật sư.

Ngoài ra, có nhiều người lầm tưởng việc Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên bắt buộc phải làm hết một nhiệm kỳ, kể từ thời điểm có Quyết định bổ nhiệm mới được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định về thời gian công tác tối thiểu để được miễn mà chỉ có quy định “Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên”. Do đó, ngay sau khi có quyết định bổ nhiệm các chức danh theo quy định, sau đó có nguyện vọng xin nghỉ để làm Luật sư, đáp ứng đủ các điều kiện khác là có thể được miễn.

Cũng có thông tin cho rằng Luật Luật sư sắp tới sẽ điều chỉnh nội dung này, quy định lại về thời gian tối thiểu phải làm hết một nhiệm kỳ mới được miễn. Tuy nhiên, thông tin này là chưa chính thức, đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung cũng chưa công bố và chưa có hiệu lực nên vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

4. Trường hợp nào không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Dưới đây là những trường hợp không không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định pháp luật.

– Không đủ tiêu chuẩn luật sư cụ thể: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

– Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

–  Không thường trú tại Việt Nam.

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

– Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Những người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư năm 2012 bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.

5. Trình tự, thủ tục xin cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người được miễn

Để trở thành hành nghề Luật sư, mặc dù Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác theo quy định không cần phải trải qua kỳ tập sự, khoá đào tào nghề Luật sư nhưng vẫn phải tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư. Dưới đây, Luật Dương Gia hướng dẫn chi tiết trình tự hồ sơ thủ tục như sau:

  • Hồ sơ chuẩn bị

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành Mẫu 1-LS .

– Phiếu lý lịch tư pháp, cụ thể lý lịch tư pháp số 2;

– Giấy chứng nhận sức khỏe;

– Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật (trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật);

– Văn bản giải trình, cam kết về quá trình phấn đấu về việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của người đó trước thời điểm đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú (đối với người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2a của Nghị định số 137/2018/NĐ-CP);

– Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư theo khoản 1 Điều 16 của Luật luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây: Bản sao Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu;

– Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật sư hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật; Bản sao Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp chuyên ngành luật; các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư.

  • Cơ quan thực hiện

Bộ tư pháp, Sở tư pháp

  • Thời hạn xử lý

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

  • Phí, lệ phí nộp hồ sơ: 900.000 đồng

6. Có chứng chỉ Luật sư nhưng không gia nhập Đoàn Luật sư có bị thu hồi?

Theo quy định Luật Luật sư năm về các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư:

– Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

– Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

– Không còn thường trú tại Việt Nam;

– Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

– Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;

– Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;

– Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

– Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;

– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, theo quy định trên nếu không gia nhập đoàn luật sư trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

7. Hồ sơ trình tự thủ tục gia nhập Đoàn luật sư

Theo quy định tại Điều 20, Khoản 1, Luật Luật sư 2012 thì những Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư. Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.

Như vậy, đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên và những người khác được miễn, sau khi có chứng chỉ hành nghề Luật sư tiếp tục tiến hành thủ tục gia nhập Đoàn Luật sư. Cụ thể như sau:

7.1. Hồ sơ chuẩn bị

– Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;

– Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

– Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.

7.2. Trình tự thực hiện

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chấp hành Đoàn Luật sư sẽ xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư; nếu người nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp có thẩm quyền trong việc cấp Thẻ luật sư cho những người đã có chứng chỉ hành nghề luật sư muốn gia nhập một Đoàn luật sư nào đó. Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư là cầu nối giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với người có hồ sơ muốn gia nhập một Đoàn luật sư nào đó.

7.3. Về thời gian thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư sẽ xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư; nếu người nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 17 của Luật Luật sư 2012  thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 87, Luật Luật sư 2012.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư, hồ sơ trình tự thủ tục được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư theo quy định mới nhất. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ, tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon