Thế chấp tài sản là gì? Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp?

the-chap-tai-san-la-gi-quyen-va-nghia-vu-cua-ben-the-chap

Pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung và chế định thế chấp tài sản nói riêng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, giữ gìn tính ổn định của giao dịch dân sự, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đặc biệt là trong quan hệ tín dụng. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về biện pháp thế chấp tài sản là gì, quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Thế chấp tài sản là gì?

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:

Điều 317. Thế chấp tài sản

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”

Như vậy, thế chấp tài sản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thỏa thuận với nhau với mục đích phòng vệ nhằm giảm thiểu rủi ro khi có sự vi phạm nghĩa vụ dân sự bằng cách bên có nghĩa vụ cam kết dùng tài sản của mình thông qua việc chuyển giao hồ sơ pháp lý của tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mà không phải chuyển giao tài sản đó. Biện pháp thế chấp tài sản có những đặc điểm sau:

– Thứ nhất, biện pháp thế chấp được phát sinh trên nhu cầu bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ (đã có hoặc hình thành trong tương lai). Biện pháp thế chấp tài sản không tồn tại độc lập mà phụ thuộc và gắn liền với nghĩa vụ chính mà nó bảo đảm, thể hiện ở chỗ khi có quan hệ nghĩa vụ chính hoặc dự liệu cho một nghĩa vụ chính được hình thành thì các bên mới thỏa thuận thiết lập biện pháp thế chấp tài sản.

– Thứ hai, thế chấp là biện pháp bảo đảm mang tính bảo đảm đối vật. Điều này thể hiện ở việc bên nhận thế chấp có quyền chi phối tài sản thế chấp trong thời gian thực hiện nghĩa vụ và có quyền xử lý tài sản đó để khấu trừ nghĩa vụ khi có hành vi vi phạm xảy ra. Quyền lợi của bên nhận thế chấp không phụ thuộc vào hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp mà được bảo đảm bởi một tài sản cụ thể.

– Thứ ba, không có sự chuyển giao tài sản thể chấp. Trong quan hệ thế chấp, bên thế chấp không phải giao tài sản bảo đảm cho bên nhận thế chấp. Tính chất bảo đảm được xác định bằng việc bên thế chấp phải giao cho bên nhận thể chấp những giấy tờ chứng minh tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

– Thứ tư, một tài sản thế chấp bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (đối với chủ thể quyền khác nhau). Theo quy định tại khoản 1 điều 296 BLDS năm 2015: “Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Tuy nhiên, bên bảo đảm chỉ có thể lựa chọn thế chấp nếu muốn một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền khác nhau. Vì bên nhận thế chấp không trực tiếp giữ tài sản bảo đảm, quyền lợi của tất cả các chủ nợ được bảo đảm bằng giá trị của tài sản đó.

– Thứ năm, nhiều loại giao dịch thể chấp là đối tượng bắt buộc của đăng ký giao dịch bảo đảm. Điều 4 nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm thì các loại giao dịch sau bắt buộc phải đăng ký: thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay và thế chấp tàu biển. Như vậy, trong số năm loại giao dịch bảo đảm bắt buộc phải đăng ký thì có đến bốn loại là giao dịch thế chấp. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm tạo lợi thế ưu tiên thanh toán cho người đăng ký trước khi một tài sản dùng để đảm bảo cho nhiều giao dịch thường xảy ra phổ biến đối với tài sản thế chấp.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp

2.1. Quyền của bên thế chấp

– Quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp, nhận lại tài sản và giấy tờ khi biện pháp thể chấp chấm dứt.

Điều này xuất phát từ đặc điểm không có sự chuyển giao tài sản và tài sản vẫn nằm trong tay bên thế chấp nên bên thế chấp có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản (hoa lợi, lợi tức không thuộc tài sản thế chấp), còn trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận thì không được khai thác vì hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại, lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản nên nếu khai thác thì sẽ mất một phần của tài sản thế chấp nên việc quy định như vậy là hợp lý.

Được đầu tư để làm gia tăng giá trị của tài sản thế chấp. Tức là bên thế chấp được đầu tư trực tiếp hoặc cho phép bên thứ ba đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp. Trong trường hợp này bên nhận thế chấp không được hạn chế bên thế chấp đầu tư hoặc người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp để làm tăng giá trị tài sản đó.

Thông thường khi thế chấp thì giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản do người nhận thế chấp giữ. Trường hợp tài sản do người thứ ba giữ thì bên thế chấp có quyền nhận lại tài sản từ người thứ ba và giấy tờ sở hữu từ người nhận thế chấp khi thực hiện xong nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt theo quy định hoặc các bên thỏa thuận dùng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho biện pháp thế chấp.

– Quyền được bản, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì hàng hóa cần được lưu thông mang lại lợi nhuận cho người sản xuất, kinh doanh. Nếu hàng hóa luân chuyển là tài sản thế chấp thì bên thế chấp có quyền bán, thay thế, trao đổi hàng hóa luân chuyển, thì quyền yêu cầu thanh toán tài sản có được từ việc định đoạt đó trở thành tài sản thế chấp. Nếu tài sản thế chấp là kho hàng chưa bán, chưa đưa vào lưu thông, thì trong quá trình sản xuất, kinh doanh bên thế chấp có quyền thay thế hàng hóa đó bằng hàng hóa khác có giá trị tương đương hàng hóa thế chấp.

Thông thường tài sản thế chấp là bất động sản hoặc tài sản khác có giá trị lớn mà trong thời hạn thế chấp, nếu bên thế chấp có nhu cầu định đoạt tài sản thì phải được người nhận thế chấp đồng ý. Tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển thì bên thế chấp được bán, trao đổi, tặng cho nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. Để bảo đảm cho nghĩa vụ đang tồn tại thì bên thế chấp cần phải thay đổi tài sản thế chấp khác hoặc thay đổi biện pháp bảo đảm nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

2.2. Nghĩa vụ của bên thế chấp

– Giao giấy tờ có liên quan đến tài sản thế chấp, cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

Tài sản thế chấp là động sản hoặc bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, khi thế chấp các bên có thể thỏa thuận bên thế chấp phải giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản để bên thế chấp không định đoạt được trong thời hạn thế chấp. Tuy nhiên có những loại tài sản khi sử dụng phải có giấy tờ sở hữu thì không thể giao giấy tờ được như xe ô tô, tàu biển, máy bay…

Như vậy, luật không bắt buộc các bên phải chuyển giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Do đó việc bên thế chấp giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp khi ký kết hợp đồng thế chấp cần phải không ảnh hưởng đến quá trình khai thác, sử dụng tài sản thế chấp.

Khi xác lập thế chấp bên xác lập phải cung cấp đầy đủ thông tin tình trạng pháp lý và thực tế của tài sản để bên nhận thế chấp biết và đưa ra các quyết định xác lập thế chấp hay không. Trong thời hạn thế chấp, nếu tài sản bị hư hỏng, giảm sút giá trị… bên thế chấp phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết để các bên hợp tác khắc phục hoặc thỏa thuận lựa chọn tài sản khác để thế chấp.

– Nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn, sửa chữa, thay thế tài sản thế chấp.

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ, khai thác, sử dụng, cho nên bên thế chấp phải bảo quản tài sản không để hư hỏng, mất mát, hao hụt, bảo tồn giá trị tài sản thế chấp. Bên thế chấp không được sử dụng tài sản thế chấp một cách tùy tiện mà phải luôn có ý thức bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả việc phải ngừng khai thác công dụng của tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

Khi tài sản thế chấp có nguy cơ bị hư hỏng hoặc do chất lượng tài sản thế chấp không tốt cho nên tài sản bị hư hỏng, giảm sút giá trị, thì bên thế chấp phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và có thể để khắc phục, ngăn ngừa thiệt hại. Thông thường tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ và sử dụng, khai thác, tuy nhiên có trường hợp tài sản thế chấp do người thứ ba giữ như cho thuê… Trong thời hạn thế chấp tài sản bảo đảm bị hư hỏng thì bên thế chấp phải sửa chữa để bảo toàn giá trị thế chấp. Trường hợp mất, hư hỏng không thể sửa chữa được thì có thể thay tài sản thế chấp khác có giá trị tương đương.

– Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp. Trong thời hạn thế chấp, bên thế chấp (chủ sở hữu tài sản) bị hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản thế chấp. Vì việc bán tài sản thế chấp ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của bên nhận thế chấp, nó làm cho nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm, do đó BLDS năm 2015 đã quy định bên thế chấp không được bán tài sản thế chấp, trừ trường hợp rất đặc biệt (có tính chất ngoại lệ) nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận thế chấp, đó là trường hợp tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và việc bán tài sản thế chấp có sự đồng ý của bên nhận thế chấp hoặc theo quy định của pháp luật, bên thế chấp bán tài sản thế chấp.

– Nghĩa vụ giao tài sản thế chấp để xử lý, thông bảo về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

Trường hợp, bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc trường hợp khác do luật quy định thì theo yêu cầu của bên nhận thế chấp, bên thế chấp phải giao tài sản cho bên nhận thế chấp xử lý thanh toán nghĩa vụ.

Khi thế chấp thì bên thế chấp phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết về quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, như tài sản đang thế chấp cho người khác hoặc tài sản là sở hữu chung với người khác… Trường hợp không thông báo thì người nhận thế chấp có quyền hủy bỏ thế chấp và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có. Hoặc người nhận thế chấp nhận tiếp tục xác lập thế chấp và chịu rủi ro nếu có tranh chấp với người thứ ba.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về biện pháp thế chấp tài sản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon