Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền về đời sống riêng tư

boi-thuong-thiet-hai-do-xam-pham-quyen-ve-doi-song-rieng-tu

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều xây dựng hệ thống pháp luật chi tiết hướng tới việc bảo vệ các quyền nhân thân của các chủ thể trong xã hội. Chính vì lẽ đó, quyền con người cũng ngày càng được bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn.

1. Quy định chung quyền về đời sống riêng tư

Đối với Việt Nam, từ Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013 đều có những quy định bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân, tổ chức, trong đó quyền về đời sống riêng tư, bí mật gia đình.

Điều 38 Bộ luật dân sự quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

2. Quyền về đời sống riêng tư

Đời sống riêng tư của cá nhân là tập hợp các yếu tố tạo thành nét riêng đặc thù, độc lập, không thể trộn lẫn và mang dấu ấn của riêng cá nhân không thể tan vào đời sống riêng tư của người khác. Đời sống riêng tư của cá nhân là những yêu tố rất riêng, khác biệt tạo nên đời sống riêng của người đó. Đời sống riêng tư là sự hoạt động của cá nhân trong các quan hệ mọi mặt của đời sống xã hội, môi trường xã hội mà cá nhân là chủ thể của một hoặc phần nhiều các quan hệ thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống trong hoàn cảnh rất riêng của cá nhân. Quyền về đời sống riêng tư là quyền vô hình, không định dạng ở một trạng thái vật chất nhất định và khi đã hình thành thì quyền về đời sống riêng tư ghi đậm dấu ấn của cá nhân là chủ thể có đời sống riêng tư. Quyền đối với đời sống riêng tư có thể vĩnh viễn, bất biến và có giá trị về nhân thân của cá nhân. Quyền về đời sống riêng tư của cá nhân có thể còn phụ thuộc vào không gian sống, không gian và thời gian quan hệ xã hội, tính chất của quan hệ, chủ thể của quan hệ và quan niệm sống của cá nhân có đời sống riêng tư đó. Vì vậy, những thông tin là yếu tố cấu thành đời sống riêng tư của cá nhân phong phú hay không phong phú, đa dạng hay phức tạp hay đơn giản chỉ là một quan hệ, một thông tin nhất định có ảnh hưởng đến đời sống rất khác biệt, rất riêng và mang tính tuyệt đối của cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân là những yếu tố xác định tạo nên dấu ấn cá nhân không thể trộn lẫn, không thể hòa nhập với đời sống riêng tư của cá nhân khác. Nhưng đời sống riêng tư có thể hôm nay là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng do những biến động từ nguyên nhân khách quan và chủ quan, thì những yêu tố đó có thể không còn giá trị nhân thân của quyền đời sống riêng tư của cá nhân nữa.

Đời sống riêng tư của cá nhân được hiểu là những sự việc, quan hệ liên quan đến cá nhân, mà cá nhân giữ cho riêng mình, thể hiện sự chủ động, tự do và tự mình thực hiện các hành vi để phục vụ cho đời sống của riêng mình. Sự khép kín của đời sống riêng tư của cá nhân mà cá nhân không muốn chia sẻ, bộc lộ cho người khác biết và cá nhân xem như những lợi ích tinh thần của bản thân và tự mình, duy nhất mình có quyền thủ đắc và tự cân bằng cuộc sống trong mọi lĩnh vực. Các quan hệ xã hội mà cá nhân luôn luôn chủ động, tự chủ giữ gìn trong đời sống riêng tư về nơi ở, quan hệ liên quan đến cá nhân.

Quyền về đời sống riêng tư của cá nhân là quyền nhân thân tuyệt đối của cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân như một sự lựa chọn tự thân của cá nhân, tuy rằng các yếu tố khác trong quan hệ xã hội và trong bản thân của sự sống nhân loại luôn luôn có sự tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống riêng tư của cá nhân.

Quyền về đời sống riêng tư còn là quyền tự chủ, độc lập, tư do, làm chủ hành vi của cá nhân trong quan hệ xã hội không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Sự độc lập bản thân của cá nhân thực hiện một mong muốn, một ước vọng tự do nhằm tránh và cố tránh tối đa khỏi sự can thiệp của người khác một cách vô cớ, không hợp lý đối với thói quen của cá nhân.

Quyền riêng tư được hiểu là không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Với sự phát triển của mạng internet và những tiện ích của nó trong đời sống của cá nhân, cộng đồng, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đời tư, bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân đã ngày càng phát sinh những vấn đề phức tạp bởi sức lan tỏa của những thông tin trên mạng internet. Những thông tin liên quan đến cá nhân, thông qua hệ thống mạng xã hội như Facebook về mặt tích cực mang lại những hiệu quả cao từ các thông tin cá nhân được bộc lộ về quan điểm sống, về tình yêu, việc làm, về những tấm gương điển hình, về văn hóa, vui chơi, giải trí. Nhưng không ít trường hợp, mạng xã hội bị lạm dụng để công khai nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến cá nhân, tổ chức trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội gây ra những phản cảm cho người xem, người nghe khi sử dụng mạng xã hội… và thậm chí những người vi phạm pháp luật sử dụng mạng xã hội để kích động, để nói sai sự thật nhiều vấn đề nóng được nhiều người quan tâm và hệ quả của những thông tin này đã gây ra những biến đổi về nhận thức, đánh giá sai lệch một sự kiện hay một cá nhân, tổ chức cụ thể.

3. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm đời sống riêng tư và giải pháp hoàn thiện pháp luật

3.1. Hành vi xâm phạm quyền đời sống riêng tư

Trên thực tế, những hành vi xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, nhưng cùng có chung mục đích là nhằm khai thác những quan hệ, thông tin liên quan đến đời tư của cá nhân để sử dụng vào mục đích riêng của người có hành vi xâm phạm.

– Những hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư được thể hiện trong việc thu thập, lưu giữ những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân không được sự đồng ý của cá nhân có đời tư đó.

– Sử dụng, công khai những thông tin về đời sống riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội, trên báo chí, thông qua các kênh thông tin khác như thư điện tử…

Hành vi của người xâm phạm quyền về đời sống riêng tư là sử dụng những thông tin do mình thu nhập và lưu giữ hoặc tiếp nhận thông tin từ người thứ ba nhằm phục vụ cho mục đích của mình là việc sử dụng những thông tin do mình thu thập được nhằm để hạ thấp uy tín, danh dự cá nhân. Pháp luật không những bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân người trưởng thành, mà còn có quy định bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân dưới 18 tuổi. Tại khoản 11 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em từ 7 tuổi trở lên mà không đươc sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của người đó. Theo nguyên tắc này, khoản 2 Điều 54 có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm dịch vụ, thông tin và tổ chức hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo luật định.

Những hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư được thể hiện dưới nhiều hình thức như trực tiếp, thông qua mạng xã hội, thông qua zalo, facebook, thư điện tử, tin nhắn… với mục đích làm bộc lộ đời sống riêng tư của cá nhân nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hoặc thông tin cho người thứ ba biết được đời sống riêng tư của cá nhân, gây bất lợi cho cá nhân trong các quan hệ xã hội.

3.2. Hoàn thiện pháp luật

Mặc dù pháp luật có quy định về quyền đời sống riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm. Nhưng trên thực tế, quyền về đời sống riêng tư vẫn thường xuyên bị xâm phạm dưới nhiều hình thức và thật khó kiểm soát.

Pháp luật Việt Nam căn cứ vào các Công ước quốc tế về quyền con người, đều có quy định bảo vệ quyền về đời sống riêng tư và các biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư như Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật báo chí, Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Hành vi xâm phạm đến đời sống riêng tư của cá nhân về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ tình cảm, quan hệ huyết thống, quan hệ rất riêng biệt như thói quen, tính cách, dị tật.nhiều thông tin bịa đặt, không có thực về đời tư của cá nhân gây ra những tổn thất tinh thần cho người bị xâm phạm quyền về đời sống riêng tư.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền về đời sống riêng tư không được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, mặc dù quyền về đời sống riêng tư là quyền nhân thân của cá nhân.

– Bộ luật dân sự năm 2015, tại Điều 592 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Điều 607 quy định trách nhiệm này thì ngoài những khoản bồi thường về chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, người gây thiệt hại còn có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị gây thiệt hại theo thỏa thuận, nếu hông thỏa thuận được thì khoản bồi thường tổn thất về tinh thần cho người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bi xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

– Điều 606 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, ngoài khoản bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết… nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 30 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

– Điều 607 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, ngoài khoản bồi thường khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiêt hại, người gây thiệt hịa do mồ mả bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thỏa thuân được, thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Căn cứ vào các hành vi gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; gây thiệt hại do xâm phạm thi thể; gây thiệt hại do xâm phạm mồ mả thì người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại và đều có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần với các mức mười mức lương cơ sở hoặc ba mươi mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền về đời sống riêng tư không được quy định trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự, theo đó nguyên tắc bồi thường, mức độ bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự cũng không được quy định rõ như bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Quyền về đời sống riêng tư là quyền nhân thân của cá nhân, cũng tương tự như quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, nhưng quyền về đời sống riêng tư bị gây thiệt hại không được quy định nguyên tắc, mức độ bồi thường thiệt hại tương tự như danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm? Đây là một hạn chế của chế định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, chế điịnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự cần phải bổ sung quy định về rách nhiệm bồi thường thiệt hại do quyền về đời sống riêng tư bị xâm phạm. Bởi vì, quyền về đời sống riêng tư bị xâm phạm, thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm nghiêm trọng cả về danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Để khắc phục những hạn chế của chế định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Bộ luật dân sự nê được bổ sung quy định để nhằm điều chỉnh những tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư.

Bổ sung quy định như đã xác định thật sự cần thiết nhằm nhất thể hóa quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon