Chủ tịch hội đồng thành viên là người đứng đầu trong hội đồng quản trị của một công ty, đặc biệt là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Với vai trò này, chủ tịch hội đồng thành viên không chỉ đóng vai trò lãnh đạo mà còn chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc định hướng, điều hành và quản lý các hoạt động của công ty.
Quyền và nghĩa vụ của chủ tịch hội đồng thành viên bao gồm việc triệu tập và chủ trì các cuộc họp của hội đồng thành viên, đảm bảo việc thực hiện các quyết định của hội đồng, đại diện cho công ty trong các mối quan hệ đối nội và đối ngoại, và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Căn cứ pháp lý
1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
1.1. Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên gồm những ai?
Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty TNHH hai thành viên trở lên. Hội đồng thành viên bao gồm:
– Tất cả thành viên công ty là cá nhân.
– Người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức.
Mỗi năm, Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên họp ít nhất một lần. Kỳ họp này được tổ chức theo quy định tại Điều lệ công ty.
(Căn cứ khoản 1 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020).
1.2. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
– Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty.
– Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn; quyết định phát hành trái phiếu.
– Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ.
– Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty.
– Quyết định mức lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty.
– Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty.
– Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty.
– Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện.
– Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
– Quyết định tổ chức lại công ty.
– Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty.
– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, Chủ tịch Hội đồng thành viên được Hội đồng thành viên bầu từ một trong các thành viên của Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên do Điều lệ công ty quy định nhưng không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế (theo khoản 1, khoản 3 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020).
1.3. Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên.
– Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên.
– Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên.
– Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
– Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
1.4. Quy định về điều kiện để trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên
Quy định về điều kiện để trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên được quy định theo khoản 18, Điều 4 của Luật doanh nghiệp năm 2014, do đó Chủ tịch Hội đồng thành viên phải không thuộc những trường hợp được quy định tại khoản 2 của Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014:
“Thứ nhất, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
Thứ hai, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
Thứ ba, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
Thứ tư, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
Thứ năm, người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
Thứ sáu, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.”
Như vậy, nếu thuộc các trường hợp trên thì sẽ không đủ điều kiện để trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ngoài ra, Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. Nếu Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc thì phải đảm bảo những tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 65 của Luật doanh nghiệp 2014.
Thứ nhất, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự ( quy định tại điều 19 Bộ luật dân sự 2015 BLDS), Chủ tịch Hội đồng thành viên ngoài đủ năng lực hành vi dân sự ra thì không thuộc đối tượng tại khoản 2 Điều 18 Luật Dương Gia nêu ở trên.
Thứ hai, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Để có thể trở thành chủ tịch hội đồng thành viên thì ngoài vấn đề về chuyên môn quản lý công ty để công ty hoạt động tốt thì còn phải căn cứ vào Điều lệ của công ty, bạn xem có quy định nào khác nữa không.
Thứ ba, đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.
2. Doanh nghiệp nhà nước
2.1. Cơ cấu tổ chức quản lý trong Doanh nghiệp nhà nước
Căn cứ Điều 90 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý trong Doanh nghiệp nhà nước như sau:
“Điều 90. Cơ cấu tổ chức quản lý
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:
1.Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;
2.Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.”
Theo đó, Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước theo một trong hai mô hình sau đây:
– Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;
– Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong Doanh nghiệp nhà nước?
Căn cứ Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Chủ tịch Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp nhà nước như sau:
“Điều 95. Chủ tịch Hội đồng thành viên
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác.
2. Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên;
b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
c) Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
d) Tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên;
đ) Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
e) Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố.
3.Ngoài trường hợp quy định tại Điều 94 của Luật này, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể bị miễn nhiệm, cách chức nếu không thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo đó, quyền và nghĩa vụ mà Chủ tịch Hội đồng thành viên trong Doanh nghiệp nhà nước được thực hiện là:
– Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên;
– Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
– Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
– Tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên;
– Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
– Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố.