Thủ tục thay đổi vốn điều lệ Công ty cổ phần

thu-tuc-thay-doi-von-dieu-le-cong-ty-co-phan

Có rất nhiều khách hàng đã gửi câu hỏi đến Luật Dương Gia về vấn đề thay đổi vốn điều lệ đối với công ty Cổ phần, liên quan đến những vấn đề đặt ra như là: Vốn điều lệ của công ty cổ phần có thay đổi được không, vốn điều lệ của công ty cổ phần có thể tăng lên hay là giảm xuống được không? Thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần như thế nào? Hồ sơ, thủ tục tăng, giảm điều lệ loại hình công ty này theo quy định. Vì vậy, nắm được những thắc mắc trên gửi về cho Luật Dương Gia, bài viết dưới đây được đội ngũ luật sư chuyên về mảng pháp lý cho doanh nghiệp sẽ giúp các bạn giải đáp và cung cấp các thông tin liên qua giúp bạn đọc hiểu hơn về các vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý

1. Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?

Căn cứ vào Điều 112 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về vốn điều lệ của công ty cổ phần như sau:

Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại, vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Công ty cổ phần là một trong các loại hình công ty phổ biến tại Việt Nam. Công ty cổ phần được thành lập và hoạt động đáp ứng những yêu cầu sau:

– Vốn điều lệ của công ty được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần;

– Cổ đông công ty có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không quy định hạn chế số lượng tối đa.

– Cổ đông công ty chỉ chịu trách nhiệm các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

– Cổ đông công ty có quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác trừ một số trường hợp quy định pháp luật.

– Công ty cổ phần hình thành tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Công ty cổ phần được phát hành các loại cổ nhằm mục đích huy động vốn.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần có thể hiểu là tổng giá trị cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập công ty là tổng mệnh giá các loại đã được đăng ký mua và được ghi nhận tại Điều lệ công ty.

– Vốn điều lệ công ty cổ phần có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động, tùy theo mức độ phát triển cũng như hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty. Việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Vốn điều lệ công ty phụ thuộc vào hai yếu tố chính:

+ Tình hình, tiềm lực của công ty khi tiến hành đăng ký hoạt động. Đồng thời thay đổi theo thời gian hoạt động và phát triển.

+ Ngành nghề kinh doanh. Một số ngành nghề kinh doanh có quy định số vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp. Số vốn điều lệ tuân theo quy định pháp luật, các ngành nghề khác nhau quy định mức vốn điều lệ khác nhau.

2. Thay đổi vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Vốn điều lệ trong công ty cổ phần có thể tăng lên hoặc giảm đi.

2.1. Tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Các hình thức tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần:

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ trong những trường hợp sau:

+ Chào bán cổ phần (Chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu; Chào bán cổ phần riêng lẻ và Chào bán cổ phần ra công chúng)

+ Chuyển đổi trái phiếu đã phát hành thành cổ phiếu

+ Thực hiện trả cổ tức bằng cổ phần.

Thứ nhất, Chào bán cổ phần (Căn cứ theo điều 123 Luật doanh nghiệp 2020)

Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Chào bán cổ phần là việc huy động vốn đặc trưng của công ty cổ phần.

Chào bán cổ phần ra công chúng chỉ được áp dụng đối với các công ty cổ phần đại chúng. Việc chào bán cổ phần ra công chúng được áp dụng theo pháp luật Chứng khoán.

Thứ hai, Chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải công ty đại chúng

Được thực hiện như sau: Đại hội đồng cổ đông họp và ra quyết định chào bán cổ phần theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ. Trong vòng 5 ngày làm việc từ khi có quyết định, công ty gửi thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà doanh nghiệp không nhận được phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp tiến hành bán cổ phần. Sau khi hoàn thành việc bán cổ phần thì trong vòng 10 ngày, doanh nghiệp thực hiện thay đổi vốn điều lệ.

Thứ ba, Chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu (Căn cứ theo điều 124 Luật doanh nghiệp 2020)

Được thực hiện như sau: Đại hội đồng cổ đông họp và ra quyết định chào bán cổ phần theo hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông. Chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần. Thực hiện bán cổ phần. Công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua, nếu không thì phải ghi nhận thông tin vào sổ đăng ký cổ đông.

Thứ tư, Chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần

Trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành trái phiếu. Trình tự thủ tục phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ thực hiện tương tự như trình tự thủ tục phát hành cổ phần. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày. Kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần.

Thứ năm, Thực hiện trả cổ tức bằng cổ phần

Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.

2.2. Giảm vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau: Hoàn trả vốn góp cho cổ đông; Công ty mua lại cổ phần đã phát hành; Các cổ đông thanh toán không đủ.

Theo Khoản 5 Điều 112 Luật Doanh Nghiệp 2020, công ty cổ phần thực hiện giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau:

  • Hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông;
  • Công ty mua lại cổ phần đã bán theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty;
  • Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Thứ nhất, Hoàn trả vốn góp cho cổ đông

Hoàn trả vốn góp cho cổ đông được thực hiện theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty.

Điều kiện để hoàn trả vốn góp:

+ Công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp.

+ Và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.

Thứ hai, Công ty mua lại cổ phần đã bán theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty

Việc giảm vốn điều lệ khi công ty mua lại cổ phần đã phát hành được chia thành hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Công ty mua lại cổ phần đã phát hành theo yêu cầu của cổ đông

Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản. Và phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày. Kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề trên.

Trường hợp 2: Công ty mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán. Có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán. Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty.

Thứ ba, giảm vốn điều lệ do không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn

– Theo Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Như vậy, chậm nhất trước 120 ngày và sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập.

3. Hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong công ty cổ phần như sau:

3.1. Tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Phát hành cổ phần chào bán

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn Điều lệ. Đồng thời Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ sau mỗi đợt chào bán

Hồ sơ gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
  • Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn Điều lệ.
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn Điều lệ. 
  • Quyết định của Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn Điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần. 
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn Điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần.
  • Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư.
  • Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. 
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền.

3.2. Giảm vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
  • Quyết định của đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ.
  • Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ.
  • Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.
  • Văn bản cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn điều lệ.
  • Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền

4. Thủ tục thay đổi vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần có các bước sau:

Bước 1: Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư.

Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch đầu tư tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ.

+ Trường hợp đã đầy đủ giấy tờ hồ sơ: Cấp Giấy biên nhận hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ: Hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Người nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch đầu tư theo thời hạn đã được hẹn theo Giấy biên nhận. Để nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nội dung thay đổi vốn điều lệ của công ty cổ phần.

5. Dịch vụ thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần

Dịch vụ thay đổi vốn điều lệ là một trong những dịch vụ được nhiêu người tin cậy và giao trách nhiệm thực hiên cho Luật Dương Gia. Chúng tôi cam kết mang tới cho Quý khách dịch vụ chuyên nghiệp, tốc độ, giá hợp lý nhất. Luật Dương Gia tư vấn cho khách hàng các quy định của pháp luật về việc thay đổi vốn điều lệ trong công ty cổ phần, thay mặt công ty soạn thảo hồ sơ và trình khách hàng ký, đóng dấu hồ sơ.

Trên đây là “thủ tục thay đổi tăng vốn điều lệ công ty cổ phần”. Hãy liên lạc với Luật Dương Gia theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và cung cấp dịch vụ uy tín.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon