Không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu tiền?

khong-dang-ky-tam-tru-bi-phat-bao-nhieu-tien

Khi một người đi khỏi nơi cư trú trong một khoảng thời gian quy định và thực hiện thuê khách sạn, nhà hoặc phòng trọ tại nơi khác thì phải làm thủ tục đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, không phải người đi thuê nhà nào cũng nắm rõ các quy định liên quan đến việc tạm trú. Một số trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Vậy, trong trường hợp không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu tiền? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý

– Luật cư trú 2020;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

– Nghị định 62/2021/NĐ-CP;

– Thông tư số 56/2021/TT-BCA;

1. Đối tượng phải đăng ký tạm trú

Căn cứ theo quy định tại khoản 9, Điều 2 và khoản 1, Điều 27 Luật cư trú năm 2020 quy định như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

“9. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sng trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú

“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.”

Theo đó, người nào đi khỏi nơi đăng ký thường trú và đến sinh sống tại nơi khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Đây được xem là quyền lợi đồng thời cũng là nghĩa vụ của công dân. Căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên thì người phải thực hiện đăng ký tạm trú là người đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài nơi đã đăng ký thường trú.

Vì vậy, người có nghĩa vụ đăng ký tạm trú là người đi thuê nhà. Cũng theo đó, việc đăng ký tạm trú cũng mang lại rất nhiều quyền lợi cho người đi thuê nhà. Một số quyền lợi có thể kể đến bao gồm:

– Khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người đã đăng ký tạm trú sẽ được chính quyền địa phương nơi đăng ký tạm trú hỗ trợ, giúp đỡ.

– Các bậc phụ huynh có thể có con tham gia các trường học công lập trên địa bàn nơi đăng ký tạm trú.

– Có thể đăng ký bảo hiểm hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh tại nơi đăng ký tạm trú.

– Khi có tình trạng cướp giật, hỏa hoạn, hoặc các tệ nạn khác xảy ra người đăng ký tạm trú sẽ được bảo đảm an toàn bởi chính quyền địa phương.

Như vậy, người đi thuê nhà phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú trong vòng 30 ngày đầu tiên kể từ ngày chuyển đến nơi thuê nhà/trọ. Đây là nghĩa vụ cần phải thực hiện để người đi thuê nhà hưởng được những quyền lợi nêu trên.

Khi cần đăng ký tạm trú, người thuê nhà nên nhờ chủ nhà – người thân thuộc với nơi tạm trú để có thể hướng dẫn những thủ tục cần thiết.

2. Không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu tiền

Theo quy định tại khoản 1, Điều 27 Luật cư trú năm 2020 nêu trên thì nếu công dân không thực hiện việc đăng ký tạm trú trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến sinh sống tại nơi thuê nhà/trọ thì có thể bị phạt theo quy định của pháp luật.

Cụ thể mức phạt như sau:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;”

Ngoài ra, để được đăng ký tạm trú mà thực hiện những hành vi trái pháp luật quy định tại khoản 4, Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì có thể bị xử phạt lên đến 6 triệu đồng.

Như vậy, khi người thuê nhà không thực hiện đăng ký tạm trú đúng theo thời hạn đăng ký tạm trú thì sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

3. Thủ tục đăng ký tạm trú mới nhất

3.1. Hồ sơ đăng ký tạm trú

Căn cứ theo khoản 1, Điều 28 Luật cư trú 2020 quy định về hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA)

Đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

Căn cứ theo khoản 1, Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định một số loại giấy tờ, tài liệu mà người đăng ký cư trú cần chuẩn bị để chứng minh chỗ ở hợp pháp như sau:

Điều 5. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

“1. Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

d) Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

đ) Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

e) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

g) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

h) Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

i) Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

k) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

l) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).”

Trong trường hợp đăng ký tạm trú tại nơi đơn vị đóng quân trong Công an nhân dân thì hồ sơ gồm:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA);

– Giấy giới thiệu của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp ghi rõ nội dung để làm thủ tục đăng ký tạm trú và đơn vị có chỗ ở cho cán bộ chiến sĩ (ký tên, đóng dấu).

Trường hợp đăng ký tạm trú theo danh sách thì hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA);

– Văn bản đề nghị đăng ký tạm trú trong đó ghi rõ thông tin về chỗ ở hợp pháp kèm danh sách người tạm trú. Danh sách bao gồm những thông tin cơ bản của từng người: họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân và thời hạn tạm trú.

3.2. Thủ tục đăng ký tạm trú

Sau chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, người đăng ký tạm trú phải thực hiện theo thủ tục gồm những bước dưới đây:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

– Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký;

– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký;

– Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (mẫu CT06 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA) cho người đăng ký.

Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.

Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 3, Điều 6 Thông tư 55/2021/TT-BCA, công dân đến sinh sống tại chỗ khác trong cùng phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú thì không cần phải đăng ký tạm trú. Theo đó, người dân có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại trong Cơ sở dữ liệu về cư trú nếu chỗ ở đó không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Để thực hiện đăng ký tạm trú trực tiếp, người dân có thể thực hiện theo thủ tục và chuẩn bị những hồ sơ nêu trên.

Như vậy, trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến việc không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu tiền và những quy định pháp luật liên quan. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon