Kết hôn giả tạo là gì? Hậu quả pháp lý của việc kết hôn giả tạo?

ket-hon-gia-tao-la-gi-hau-qua-phap-ly-cua-viec-ket-hon-gia-tao

Một trong những sự kiện trọng đại của đời người là kết hôn. Kết hôn là sự tự nguyện của đôi bên với mục đích xây dựng một gia đình hạnh phúc. Điều kiện kết hôn được quy định rất rõ theo quy định của pháp luật. Ngược lại với quy định pháp luật thì trong xã hội ngày nay có rất nhiều trường hợp lợi dụng việc kết hôn thực hiện kết hôn giả tạo để trục lợi nhằm đạt được mục đích cá nhân.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định 112/2020/NĐ-CP;

1. Kết hôn giả tạo là gì?

Về mặt pháp luật, căn cứ tại khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình”

Đồng thời, kết hôn giả tạo cũng được liệt kê là một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Về mặt thực tế, kết hôn giả hay kết hôn giả tạo đều là thuật ngữ dùng để chỉ những cuộc hôn nhân dựa trên hợp đồng, thoả thuận ngầm hoặc trái quy định với pháp luật để tiến hành kết hôn vì những lý do không đúng với lý do xây dựng gia đình. Mục đích kết hôn song song với mục đích cá nhân chứ không được xác lập trên cơ sở tình yêu. Lợi ích đó có thể là về kinh tế, chính trị, tài sản, địa vị, cư trú, nhập cảnh…

Giải thích theo từ điển Việt Nam thì giả tạo có nghĩa là không chân thành, thành thật, cố tỏ ra mình là người tốt nhưng bản chất lừa dối hoặc lợi dụng người khác. Hiện nay, tình trạng lợi dụng kết hôn để xuất, nhập cảnh, nhập tịch xảy ra rất nhiều.

Tuy nhiên, kết hôn giả tạo vẫn đảm bảo về mặt thủ tục và cặp vợ chồng vẫn được cấp hôn thú. Việt kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên giấy tờ để thực hiện mục đích cá nhân chứ không hề chung sống với nhau trên thực tế, hoặc sẽ nhanh chóng ly hôn sau khi đạt được mục đích.Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định điều kiện kết hôn tại điểm d khoản 1 Điều 8, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Như vậy có thể kết luận rằng việc kết hôn giả tạo là một trong những căn cứ để huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

2. Người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật

Chủ thể có quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật là:

– Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

– Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định về hôn nhân như: Vợ, chồng của người đang có chồng, có vợ mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.

Biết rằng việc kết hôn, ly hôn là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận. Vì vậy, việc quy định những cá nhân, tổ chức không phải là một bên chủ thể trong quan hệ hôn nhân có quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật là để tránh khỏi trường hợp quan hệ hôn nhân đó trái pháp luật nhưng các bên trong quan hệ hôn nhân vẫn muốn tiếp tục quan hệ đó và không có ý định chấm dứt quan hệ hôn nhân. Quy định trên nhằm điều chỉnh quan hệ hôn nhân phù hợp với quy định của pháp luật, hôn nhân tự nguyện. Nếu chỉ có các chủ thể trong quan hệ hôn nhân mới được quyền yêu cầu việc huỷ kết hôn trái pháp luật thì sẽ không đảm bảo được mục đích điều chỉnh quan hệ pháp luật mà Nhà nước đã đề ra.

2. Hậu quả pháp lý của việc kết hôn giả tạo

Khi việc kết hôn trái pháp luật bị huỷ thì hai bên chủ thể mối quan hệ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con được giải quyết theo quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết như sau:

– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ được giải quyết theo thoả thuận giữa các bên. Trường hợp không có thoả thuận thì giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

– Việc giải quyết này phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Theo quy định trên cho thấy Nhà nước không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Vì quan hệ vợ chồng sẽ bị chấm dứt sau khi việc huỷ kết trái pháp luật. Về quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ được xây dựng trên quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha mẹ. Điều này đồng nghĩa với việc khi Toà án huỷ kết hôn trái pháp luật thì vấn đề con cái được giải quyết như trường hợp vợ chồng ly hôn quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Sẽ có ba trường hợp xảy ra sau khi Toà án tuyên bố huỷ kết hôn trái pháp luật. Trường hợp thứ nhất, sau khi bị huỷ kết hôn trái pháp luật thì cha mẹ có thể thoả thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên đối với con. Trường hợp hai khi không thoả thuận được vào điều kiện thực tế của cha mẹ nhằm đảm bảo sự phát triển tốt nhất về mọi mặt của con. Còn nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Đối với tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng sẽ được giải quyết theo thoả thuận của các bên. Xét trường hợp không thoả thuận được, Toà án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật, cụ thể đã nêu như trên. Về nguyên tắc, tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó. Khi Toà án chia tài sản chung thì phải tính đến công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung nhưng đồng thời ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.

Các bên trong quan hệ này sẽ không được hưởng thừa kế của nhau nếu như chia di sản thừa kế theo pháp luật trong trường hợp một trong hai bên chết vì pháp luật không thừa nhận quan hệ vợ chồng đối với những trường hợp kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, con vẫn có quyền được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế nếu cha, mẹ chết vì trong trường hợp này quan hệ giữa cha mẹ và con không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp không.

3. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Toà án thực hiện theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và pháp luật về tố tụng dân sự.

Nếu tại thời điểm Toà án giải quyết yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã đủ điều kiện kết hôn theo Luật định và hai bên cùng yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Toà án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Với trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật.

Quyết định của Toà về việc huỷ kết hôn trái pháp luật hay công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch, hai bên kết hôn trái pháp luật, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4. Xử lý hành chính

Vì kết hôn giả tạo là hành vi bị pháp luật cấm nhằm bảo vệ chế dộ hôn nhân gia đình nên khi có căn cứ vi phạm thì người kết hôn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Mức phạt được quy định là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đối với chủ thể là công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, cụ thể là việc kết hôn trái pháp luật thì sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Đối với công chức sẽ tuỳ theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chứng. Còn với viên chức cũng sẽ tuỳ theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

5. Thủ tục hồ sơ yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Để thực hiện thủ tục yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành gồm:

– Đơn yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật: Nội dung đơn phải đẩm bảo nội dung của một đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự.

– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn.

– Bản sao chứng minh nhân dân hoặc công cước công dân của hai vợ chồng.

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc vi phạm điều kiện kết hôn.

Về trình tự thủ tục hồ sơ yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật sẽ bao gồm những bước sau:

– Bước 1: Nộp hồ sơ

Toà án nhân dân cấp huyện nơi việc đăng ký kết hôn được thực hiện sẽ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

– Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý giải quyết hồ sơ

Toà án sẽ thông báo về vấn đề nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ. Theo đó người yêu cầu giải quyết việc dân sự nộp lại cho Toà án biên lai thu lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự và Toà sẽ thụ lý giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật.

– Bước 3: Trả kết quả

Nếu hai bên đăng ký kết hôn đúng cơ quan có thẩm quyền thì Toà án sẽ tiến hành huỷ bỏ kết hôn đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về kết hôn giả tạo là gì và hậu quả pháp lý của việc kết hôn giả tạo. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon