Tội lừa dối khách hàng

toi-lua-doi-khach-hang

Trong nền kinh tế hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế nói chung và quan hệ mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nói riêng tuy có những chuyển biến tích cực nhưng cũng kéo theo nhiều bất cập, trong đó nổi lên vấn đề gian dối trong quan hệ mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, điển hình như các vụ gắn thiết bị điện tử tại cây xăng để bơm thiếu cho khách; các sản phẩm may mặc kém chất lượng gắn mác chất lượng cao để dễ tiêu thụ; lương thực thực phẩm được giới thiệu là sạch nhưng thực chất chứa nhiều hóa chất độc hại; cung cấp các dịch vụ chất lượng kém hơn thỏa thuận… Đây là một trong những hành vi lừa dối khách hàng nhằm mục đích thu lợi bất chính. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định chế tài đối với tội lừa dối khách hàng rất nghiêm khắc, hãy cùng tìm hiểu về tội phạm lừa dối khách hàng qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội lừa dối khách hàng

Tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

“1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

* Mặt khách thể của tội phạm:

Tội lừa dối khách hàng thuộc chương các tội phạm kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu và xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động lưu thông hàng hóa, chính sách giá cả… là những quan hệ xã hội quan trọng của nền kinh tế.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan:

Hành vi khách quan của tội lừa dối khách hàng được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản (khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự 2015) là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hoặc thủ đoạn gian dối khác. Tuy nhiên không phải mọi hành vi lừa dối khách hàng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự vè tội lừa dối khách hàng mà chỉ cấu thành tội phạm này nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự 2015, đó là người thực hiện hành vi nêu trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hay người thực hiện hành vi đã thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Như vậy có thể thấy hành vi khách quan của tội lừa dối khách hàng bao gồm hai nhóm hành vi đó là nhóm hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian và nhóm hành vi với thủ đoạn gian dối khác.

– Hậu quả:

Hậu quả của tội lừa dối khách hàng được cụ thể hóa bằng mô tả mang tính định lượng “Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng” trong cấu thành cơ bản, “Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên” ở cấu thành tăng nặng. Do vậy, tội lừa dối khách hàng là loại tội có cấu thành vật chất. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả xảy ra, tức là người phạm tội đã thu được số tiền điều luật quy định. Việc xác định hậu quả của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội.

– Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm:

Tội lừa dối khách hàng đã mô tả cụ thể hành vi khách quan và hậu quả của hành vi trong cấu thành cơ bản, cũng như trong cấu thành tăng nặng, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này phải là người thu lợi bất chính được số tiền Điều luật quy định và nó là kết quả trực tiếp của việc thực hiện hành vi cân, đo, đong, đếm, tính gian hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

– Chủ thể của tội lừa dối khách hàng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

– Tội lừa dối khách hàng đòi hỏi người phạm tội ngoài việc thỏa mãn hai dấu hiệu về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi thì phải thỏa mãn thêm dấu hiệu đặc biệt về nhân thân liên quan điểm nghề nghiệp, tính chất công việc, đó phải là người bán hàng trong quan hệ mua bán hàng hóa. Với vai trò là người bán, chủ thể này mới có điều kiện để thực hiện các hành vi cân, đo, đong, đếm, tính gian hoặc thủ đoạn gian dối khác.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

– Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. xét về mặt lí trí, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là có thể gây nguy hiểm cho xã hội và thấy trước được hậu quả của hành vi, mà cụ thể ở đây là gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng bằng việc thu khoản lợi bất chính từ khách hàng. Xét về mặt ý chí, người phạm tội lừa dối khách hoàn toàn mong muốn hậu quả phát sinh, bởi hậu quả có phát sinh thì người phạm tội mới đạt được mục đích là thu được lợi nhuận.

– Đối với tội lừa dối khách hàng, mặc dù động cơ phạm tội không được phản ánh trong cấu thành tội phạm nhưng xuất phát từ bản chất của quan hệ xã hội mà tội phạm xâm hại có thể khẳng định động cơ của tội phạm lừa dối khách hàng là tính vụ lợi. Bởi lẽ, mọi chủ thể kinh doanh đều hướng tới lợi nhuận, đó là động cơ để chủ thể này thực hiện hoạt động các hoạt động kinh doanh như quảng cáo, tiếp thị, mua bán hàng hóa…

2. Hình phạt của tội lừa dối khách hàng

2.1. Khung hình phạt cơ bản của tội lừa dối khách hàng

Người phạm tội tại khoản 1 có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt này được áp dụng đối với trường hợp phạm tội thông thường, không có tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, được áp dụng đối với các hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản khi thuộc các trường hợp người phạm tội: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Do tính chất và mức độ của hành vi cũng như yếu tố nhân thân của người phạm tội, khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự về tội lừa dối khách hàng chỉ quy định hình phạt chính là phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Việc không quy định hình phạt tù ở khung cơ bản nhằm đảm bảo tính phù hợp với tính chất của hành vi chưa đến mức phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, hậu quả hay nhân thân người phạm tội có nhiều tiền án, tiền sự thì người phạm tội có thể bị xử phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 100.000.000 đồng hoặc 03 năm cải tạo không giam giữ.

2.2. Khung hình phạt tăng nặng của tội lừa dối khách hàng

Khung tăng nặng của tội lừa dối khách hàng Người phạm tội lừa dối khách hàng có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Phạm tội có tổ chức: phạm tội lừa dối khách hàng có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm trong đó phải có người thực hành và một trong những người khác như người tổ chức (cầm đầu), người xúi giục, người giúp sức. Người trực tiếp thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là người thực hành trong tội lừa dối khách hàng. Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác được cá thể hóa thông qua hậu quả của hành vi của người thực hành.

– Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: người phạm tội lừa dối khách hàng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp nếu phạm tội từ năm lần trở lên về cùng tội này và người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt: là người phạm tội sử dụng những mánh khóe, cách thức che giấu hành vi gian dối một cách tinh vi làm cho người bị hại khó lường trước để đề phòng hoặc gây khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra. Ví dụ như người bán xăng gắn thiết bị điện tử thông minh vào cây xăng làm cho đồng hồ đo lượng xăng chạy nhanh hơn mức bình thường, do vậy với số tiền nhất định, lượng xăng bán cho khách sẽ ít hơn so với lượng xăng thực tế tương ứng với giá trị số tiền.

– Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên: nếu thu lợi bất chính số tiền từ 50.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 với loại và mức hình phạt tương ứng.

2.3. Hình phạt bổ sung đối với tội lừa dối khách hàng

Theo khoản 3 Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 thì ngoài hình phạt chính, tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể mà người phạm tội lừa dối khách hàng còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như phạt tiền (từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng), cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (từ 01 năm đến 05 năm). Việc nâng mức phạt tiền, bổ sung thêm hình phạt cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định của Bộ luật hình sự 2015 so với Bộ luật cũ nhằm mở rộng cách xử lý, giải quyết tốt hơn đối với các trường hợp phạm tội đảm bảo phù hợp với bản chất của tội phạm.

Đối với phạt tiền vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ cần sung lưu ý khi đã áp dụng là hình phạt chính thì không đồng thời áp dụng là hình phạt bổ sung. Việc quyết định hình phạt tiền cần đảm bảo tính phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, phù hợp với khả năng tài chính của người phạm tội đồng thời nâng cao ý nghĩa, vai trò của hình phạt là tính giáo dục, phòng ngừa hơn là tính trừng trị.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội lừa dối khách hàng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon