Hiện nay, tội phạm nói chung và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nói riêng diễn ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền sở hữu của công dân. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có những điểm giống và khác so với tội che giấu tội phạm. Hãy cùng tìm hiểu về sự giống và khác nhau đó qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
1. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
* Mặt khách thể của tội phạm:
– Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xâm phạm đến trật tự công cộng – là một trong những khách thể quan trọng được luật hình sự bảo vệ. Trật tự công cộng được hiểu là tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật tại nơi công cộng.
– Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối tượng tác động là tài sản do người khác phạm tội mà có và phải là những tài sản có được do người khác thực hiện các tội phạm thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội phạm khác như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản …
* Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được thể hiện bởi hai loại hành vi là: Hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
– Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản chúng. Việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà Bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tàng trữ các loại tài sản đó, ví dụ tài sản cất giữ là ma túy thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ chất ma túy quy định tại Điều 254 Bộ luật Hình sự.
– Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội. v.v…Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Hành vi chứa chấp” hoặc “tiêu thụ chỉ thuộc hành vi khách quan của tội này khi người thực hiện hành vi “chứa chấp” hoặc “tiêu thụ” tài sản từ người phạm tội. Nếu như người thực hiện hành vi “chứa chấp” hoặc “ tiêu thụ” không nhận tài sản từ người phạm tội và bản thân cũng không biết tài sản mà mình đang cất, giữ, mua bán, trao đổi là tài sản do phạm tội mà có thi hành vi của họ không phạm tội này.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng, chỉ truy cứu TNHS về hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khi hành vi này được thực hiện mà không có sự hứa hẹn, bàn bạc hoặc thảo luận với người thực hiện tội phạm từ trước khi người phạm tội có được tài sản từ việc thực hiện tội phạm. nếu có sự hứa hẹn, bàn bạc, thảo luận từ trước thì người chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có sẽ bị coi là đồng phạm với người đã thực hiện tội phạm mà có được tài sản với vai trò giúp sức.
* Mặt chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước hậu quả của hành vi đỏ và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ và mục đích phạm tội trong mặt chủ quan của tôi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không phải là dấu hiệu bắt buộc, không có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm nhưng lại có ý nghĩa đối với việc xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm. Động cơ của người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, có thể là vì tư lợi cá nhân mà đã tiêu thụ tài sản, hoặc do tham lam, cả nể, thương hại mà chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có…
2. Tội che giấu tội phạm
* Mặt khách thể của tội phạm:
Hành vi che giấu tội phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.
* Mặt chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội che giấu tội phạm không phải là chủ thể đặc biệt, là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên).
* Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan: Hành vi khách quan của tội che giấu tội phạm là hành vi che giấu tội phạm. Tuy nhiên hành vi che giấu này không phải do hứa hẹn trước với người thực hiện tội phạm mà chỉ che giấu sau khi biết tội phạm đã thực hiện. Hành vi che giấu tội phạm có thể được thực hiện dưới một trong các hình thức sau:
+ Che giấu người phạm tội: Che giấu người phạm tội là biết rõ một người đã thực hiện một tội phạm nhưng đã chứa chấp, nuôi giấu trong nhà mình, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu để không bị bắt, giúp đỡ người phạm tội bỏ trốn, giúp người phạm tội thay hình đổi dạng để tránh sự truy tìm, phát hiện của mọi người hoặc có những hành vi khác che giấu người phạm tội.
+ Che giấu các dấu vết của tội phạm: Một tội phạm xảy ra bao giờ cũng để lại các dấu vết, các dấu vết mà tội phạm để lại có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm, từ dấu vết mà cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra thủ phạm. Thông thường, người thực hiện hành vi phạm tội tự mình xoá các dấu vết, nhưng cũng nhiều trường hợp người phạm tội do không kịp xoá các dấu vết nên sau khi phạm tội đã nhờ người khác hoặc tuy không được nhờ nhưng người khác tự mình xoá các dấu vết của tội phạm nhằm che giấu hành vi phạm tội của người đã thực hiện tội phạm đó.
+ Che giấu tang vật của tội phạm: Tang vật của vụ án là công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm. Che giấu tang vật là hành vi cất giấu, huỷ hoại hoặc làm biến dạng công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm.
+ Hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội: Cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội là không muốn cho tội phạm bị phát hiện, xử lý theo pháp luật. Hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội rất đa dạng như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn từ chối cung cấp các tài liệu, sổ sách, giấy tờ có liên quan đến tội phạm; từ chối cung cấp địa chỉ, nơi ở của người phạm tội đang ẩn náu mà mình biết rõ; dùng quyền hành để dụ dỗ, mua chuộc, cướng ép người khác không khai báo, không cung cấp tài liệu, cho cơ quan tiến hành tố tụng.
– Hậu quả: Hậu quả của hành vi che giấu tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm, không phụ thuộc vào kết quả của việc che giấu đó có đạt kết quả hay không.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là tạo điều kiện giúp cho người phạm tội trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
Đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự của loại tội này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
3. So sánh tội tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với tội che giấu tội phạm
3.1. Những điểm giống nhau
– Về mặt chủ quan: Cả hai tội phạm này người phạm tội đều được thực hiện với lỗi cố ý. Họ biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, việc che giấu tội phạm hay “chứa chấp” hoặc “tiêu thụ” tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền, là tác nhân khuyến khích các hành vi phạm tội khác xảy ra nhưng vẫn cố ý thực hiện qua đó mà xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ Về mặt khách quan.
– Hành vi khách quan của cả hai tội phạm này đều được thực hiện sau khi một tội phạm khác đã được thực hiện và kết thúc trên thực tế.
– Người thực hiện hành vi phạm tội trong cả hai trường hợp nói trên đều không có sự hứa hẹn trước với người phạm tội trước đó và hành vi của họ đều được thực hiện bằng hình thức hành động. Nếu người phạm tội có hành vi hứa hẹn trước khi tội phạm khác được thực hiện, hoặc đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành và kết thúc trên thực tế thì người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản hay người thực hiện hành vi che giấu tội phạm sẽ là đồng phạm với tội danh tương ứng mà không cấu thành một tội danh độc lập.
3.2. Những điểm khác nhau
– Về đối tượng tác động của tội phạm:
+ Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có đối tượng tác động là tài sản do người khác phạm tội mà có.
+ Đối với tội che giấu tội phạm, đối tượng của tội phạm không chỉ là tang vật phạm pháp mà còn che giấu người phạm tội, các dấu vết của tội phạm hoặc có hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 389 BLHS 2015.
– Về mặt chủ quan: Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ vì mục đích hưởng lợi từ tài sản có được do hành vi phạm tội của người khác mà có chứ họ không mong muốn cản trở quá trình phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội như tội che giấu tội phạm. Tuy nhiên, hành vi của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có lại gián tiếp gây khó khăn cho hoạt động điều tra, phát hiện tội phạm.
– Về khách thể của tội phạm:
+ Hành vi che giấu tội phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.
+ Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
– Về chủ thể của tội phạm:
+ Chủ thể của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
+ Chủ thể của tội che giấu tội phạm: là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự của loại tội này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
Như vậy, bài viết trên đây đã so sánh về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội che giấu tội phạm. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.