Mùa world cup đang diễn ra, bên cạnh những trận cầu đỉnh cao, những bàn thắng đẹp thì vẫn có những người dùng những trận bóng ấy để cá độ, ăn thua bằng tiền. Tội phạm về cờ bạc nói chung, tội đánh bạc nói riêng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng trật tự xã hội và nó còn là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tội phạm và các tệ nạn xã hội khác. Do tính nguy hiểm khá cao của tội đánh bạc nên hình phạt của tội phạm này được Bộ luật hình sự quy định khá đa dạng với hình phạt nghiêm khắc. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể về cấu thành tội phạm của tội đánh bạc theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 2015).
1. Cấu thành tội phạm của tội đánh bạc
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội đánh bạc như sau:
Điều 321. Tội đánh bạc
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Từ quy định trên, cấu thành tội phạm của tội đánh bạc gồm:
* Mặt khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho một hay một số quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Tính chất nguy hiểm của tội phạm phụ thuộc cơ bản vào tính chất và tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại.
Tội đánh bạc là loại tội phạm xâm phạm tới trật tự công cộng thông qua các hành vi của tội đánh bạc đều trực tiếp hay gián tiếp xâm phạm tới trật tự công cộng đồng thời dễ làm phát sinh các tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, cướp giật tài sản,…
* Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, nó là nguyên nhân gây ra sự biến đổi tình trạng của những đối tượng tác động của tội phạm và gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm gồm: Hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như: thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện phạm tội…
– Hành vi khách quan:
Hành vi khách quan của tội đánh bạc là hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá nhất định. Hành vi được thua bằng tiền hay hiện vật là hành vi có tính chất sát phạt lẫn nhau để kiếm tiền một cách bất hợp pháp. Điều luật quy định những điều kiện mà chỉ khi thỏa mãn ít nhất một trong các điều kiện đó hành vi đánh bạc mới có thể được coi là hành vi phạm tội. Theo quy định trên, người thực hiện hành vi đánh bạc được coi là tội phạm đánh bạc khi hành vi thõa mãn các dấu hiệu sau:
+ Tiền hay hiện vật dùng đánh bạc có trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
+ Dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này;
+ Dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Phương thức thủ đoạn của tội đánh bạc:
Theo quy định của điều luật quy thì tội đánh bạc được hiểu là đánh bạc “dưới bất kỳ hình thức nào”. Trên thực tế phương thức thủ đoạn của tội đánh bạc rất đa dạng được biểu hiện dưới các dạng cụ thể: Đánh bài, đánh ba cây, xóc đĩa, tá lả, ghi số lô, số đề, đua ngựa, chắn, cá độ,…
– Quy mô của tội đánh bạc:
Mặc dù trong mặt khách quan của tội đánh bạc không quy định về quy mô của tội đánh bạc, tuy nhiên trên thực tế quy mô của tội đánh bạc có thể lớn hoặc nhỏ tùy vào từng trường hợp cụ mô là khác nhau. Số lượng người tham gia đánh bạc càng ít thì quy mô càng nhỏ, số lượng người tham gia đánh bạc càng nhiều thì quy mô càng lớn.
– Địa điểm phạm tội đánh bạc:
Trong điều luật không quy định địa điểm phạm tội đánh bạc. Tuy nhiên thực tế tội phạm thực hiện hành vi đánh bạc có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ chỗ nào từ nhà ở, cơ quan, bến xe, bến tàu, sân bóng, trường đua, nhà máy, xí nghiệp,…
– Phương tiện phạm tội đánh bạc:
Ngoài dấu hiệu hành vi, điều luật cũng quy định rõ dấu hiệu phương tiện phạm tội trong tội đánh bạc, cách xác định phượng tiện thanh toán cho việc được thua và xác định rõ mức định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi đánh bạc.
Dấu hiệu phương tiện thanh toán là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội đánh bạc tức là người thực hiện hành vi phạm tội phải được thua bằng tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Việc quy định rõ trị giá tài sản dùng để đánh bạc là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước đối với hành vi đánh bạc. Đây là yếu tố quan trọng để phân biệt hành vi đánh bạc là tội phạm và bị xử lý hình sự với hành vi đánh bạc không phải là tội phạm và bị xử lý dưới các hình thức khác.
– Hậu quả của tội phạm:
Hậu quả của hành vi phạm tội đánh bạc không phải là dấu hiệu bắt buộc được quy định trong cấu thành tội phạm của tội đánh bạc. Tội đánh bạc được xây dựng dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức, điều đó có ý nghĩa dấu hiệu hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Mặt chủ quan của tội phạm là biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm. Các yếu tố thuộc mặt chủ quan của tội đánh bạc bao gồm lỗi, động cơ, mục đích phạm tội là những dấu hiệu quan trọng trong cấu thành của tội phạm này.
– Về lỗi: Lỗi của người phạm tội đánh bạc là lỗi cố ý trực tiếp. Người đánh bạc nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, bị luật hình sự cấm, nhận thức được tính chất xâm phạm tới trật tự công cộng nhưng vẫn mong muốn và thực hiện hành vi phạm tội.
– Động cơ phạm tội: Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội đánh bạc vì tính chất của tội này không phụ thuộc vào động cơ phạm tội. Thực tế, người phạm tội thường xuất phát từ động cơ là vui chơi, kiếm tiền bất hợp pháp, thậm chí động cơ của họ còn đánh bạc để kiếm sống.
– Mục đích phạm tội: Đối với tội đánh bạc, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, người phạm tội khi tham gia chơi bạc, đánh bạc thường có mục đích thu tiền, kiếm tiền bất hợp pháp.
* Mặt chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện: Có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
– Tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đánh bạc là phải đủ từ 16 tuổi trở lên.
– Chủ thể của tội đánh bạc là chủ thể thường. Tức là ai cũng có thể là chủ thể của tội đánh bạc miễn là họ đáp ứng được điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự.
2. Khung hình phạt của tội đánh bạc
Điều luật quy định hai khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung cho những trường hợp phạm tội khác nhau, cụ thể:
2.1. Khung hình phạt quy định tại Khoản 1
Người phạm tội đánh bạc bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp cụ thể là:
– Trường hợp thứ nhất, tiền hay hiện vật có trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50.000.000 đồng
– Trường hợp thứ hai, tiền hay hiện vật có trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng người phạm tội là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc quy định tại Điều 322 của Bộ luật này.
– Trường hợp thứ ba, tiền hay hiện vật có trị giá dưới 5 triệu nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2.2. Khung hình phạt quy định tại Khoản 2
Khung hình phạt thứ hai của tội đánh bạc (khoản 2 Điều 321) có khung hình phạt “tù từ 03 đến 07 năm” được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết tăng nặng sau đây:
– Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp:
Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm, không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích.
+ Người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
– Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
– Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội:
Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online).
Hành vi đánh bạc này đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho bản thân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều lần cho xã hội so với hành vi đánh bạc truyền thống.
– Tái phạm nguy hiểm:
Tài phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với tội đánh bạc được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015. Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 thì những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
2.3. Hình phạt bổ sung của tội đánh bạc
Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ có thể bị áp dụng một hình phạt chính nhưng lại có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hoặc không bị áp dụng hình phạt bổ sung nào.
Điều 321 quy định hình phạt bổ sung đối với tội đánh bạc là hình phạt tiền. Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đánh bạc cần lưu ý: Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về cấu thành tội phạm của tội đánh bạc. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.