Vợ đánh chồng gây thương tích xử lý thế nào?

vo-danh-chong-gay-thuong-tich-xu-ly-the-nao

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội lan truyền rất nhiều trường hợp bạo lực gia đình. Vấn đề hôn nhân không có hạnh phúc là chuyện khó tránh khỏi trong cuộc sống. Nhưng đến mức phải dùng bạo lực là hành vi vi phạm pháp luật cần được nghiêm trị. Trang nhất của các mặt báo có rất nhiều thông tin của việc chồng đánh vợ, chồng vũ phu bạo lực vợ con… Tuy nhiên, cá biệt có một số trường hợp mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có xảy ra trên thực tế, đó là vợ đánh chồng. Vậy, vợ đánh chồng gây thương tích phải được xử lý như nào? Bài viết này của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;
  • Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

1. Bạo lực gia đình là gì?

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây bức xúc cho nhiều người, phá hoại hạnh phúc gia đình và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nạn bạo lực gia đình ngày càng trở nên phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Bạo lực gia đình không những để lại những hậu quả về thể chất, tinh thần cho cá nhân bị bạo hành, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, sự phát triển kinh tế – xã hội.

Gia đình là tế bào của xã hội, một xã hội muốn tốt đẹp thì mỗi tế bào ấy phải thật khỏe mạnh. Không những thế, gia đình còn là tổ ấm, mang lại sự bình yên, là khuôn thước hình thành nhân cách mỗi con người. Tuy nhiên, bạo lực gia đình hiện nay đã trở thành vấn nạn, nó xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản, vượt qua ranh giới về khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, giới tính, địa vị,… gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Nhưng hiện nay, bạo lực gia đình không chỉ nhắm vào đối tượng là phụ nữ và trẻ em nữa mà kể cả đàn ông cũng có thể là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định bạo lực gia đình là một dạng của bạo lực xã hội, là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là việc “các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề gia đình”. Gia đình là một phần của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi như là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với rất nhiều dạng thức khác nhau.

Chính vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về bảo vệ gia đình tại điểm h khoản 2 Điều 5 về việc cấm bạo lực gia đình.

Như vậy, hành vi vợ đánh chồng gây ra thương tích là hành vi bạo lực gia đình, thuộc trường hợp bị cấm. Theo đó, người vợ đã có hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các hình thức bạo lực gia đình

(1) Bạo hành thể xác: Những hành vi như đá, đấm, tát… gây ra thương tích, tác động trực tiếp đến sức khoẻ của nạn nhân. Đây là hành vi thường xảy ra khi hai bên có sự chênh lệch về sức mạnh thể chất. Ví dụ giữa chồng và vợ hay giữa vợ có thể trạng gấp đôi chồng, cha mẹ và con cái hay con cái và ba mẹ già,…

(2) Bạo hành tình dục: Đây là trường hợp chồng hoặc vợ ép quan hệ tình dục khi bên còn lại không muốn. Hơn nữa, những hành vi thường bị xã hội lên án là hành vi loạn luân giữa cha và con gái, mẹ và con trai hoặc giữa anh chị em… cũng được xếp vào loại này.

(3) Bạo hành tinh thần: Loại bạo lực này có thể được xem là loại bạo lực phổ biến nhưng nó rất khó nhận dạng được so với các loại bạo lực khác. Với loại này, nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, bạo lực tinh thần nhiều khi còn tồn tại dưới nhiều dạng như đe doạ tinh thần, khủng bố tâm lý… gây nên sự phẫn uất, khủng hoảng ý thức và sinh lý con người.

Điểm đáng chú ý là các hình thức bạo lực tinh thần dường như được thể hiện nhiều nhất dưới dạng “chiến tranh lạnh”, đây là kiểu hành hạ về mặc cảm xúc. Cụ thể hơn, người vợ hoặc chồng sẽ tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm đối với người còn lại hay thậm chí là đem ra so sánh với một người khác… Loại bạo lực này diễn ra một cách lặng lẽ, không giống như bạo hành thể xác, không có đánh đập, xô xát nên rất khó để phát hiện và không gây được sự chú ý của nhiều người.  

3. Xử lý trường hợp vợ đánh chồng gây thương tích

3.1. Xử lý hành chính

Để xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, tại Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định, tuỳ theo mức độ vi phạm mà người vợ thực hiện hành vi đánh chồng gây thương tích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Xử lý hành chính đối với bạo hành về thể xác: Chủ thể thực hiện các hành vi bạo hành đối với người thân sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 52. Hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hiệu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.”

Theo quy định trên, khi một người có hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị xử phạt theo một trong hai trường hợp: trường hợp không sử dụng công cụ, phương tiện hỗ trợ thực hiện hành vi bạo lực thì mức phạt sẽ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng; còn nếu sử dụng phương tiện hỗ trợ hoặc không đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc trong thời gian điều trị thì mức phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

Trong đó, thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

Như vậy, vợ đánh chồng gây thương tích sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền (từ 5.000.000 đến 20.000.000 đồng tùy từng hành vi vi phạm như đã phân tích ở trên); đồng thời phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả (xin lỗi công khai nếu như người chồng có yêu cầu).

Ngoài ra, Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định rất rõ về các hình thức bạo lực gia đình khác.

– Xử phạt hành chính đối với bạo hành về tình dục: Người thực hiện hành vi bạo hành về tình dục có thể bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Nghị định 114/2021/NĐ-CP như sau: Nếu chủ thể thực hiện hành vi có hành vi cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

– Xử phạt hành chính đối với bạo hành về tinh thần: Đối với hành vi bạo hành về tinh thần, mức xử phạt hành chính được quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Nếu chủ thể thực hiện hành vi có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến với 10.000.000 đồng. Sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu thực hiện các hành vi như tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

3.2. Xử lý hình sự

Ngoài ra, nếu hành vi đánh chồng của người vợ đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật thì người vợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì vợ đánh đập chồng dẫn đến người chồng bị thương tích, gây tổn hại sức khoẻ mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp Điều này quy định thì có thể bị đi tù.

Tuỳ theo tỉ lệ thương tật mà hình phạt tù đối với chủ thể phạm tội sẽ khác nhau.

Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng diễn ra khá nhiều và khá phức tạp. Để phòng tránh tình trạng bạo lực gia đình, người chồng bị bạo hành nên thông báo đến Uỷ ban nhân dân hoặc Cơ quan công an để yêu cầu can thiệp đối với hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạnh, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.

Bên cạnh đó, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình cũng có thể liên hệ các tổ chức xã hội để được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ khi bị bạo hành. Ngoài ra, nếu cần pháp luật can thiệp để giải thoát bản thân khỏi nạn bạo lực gia đình, hãy liên hệ Luật Dương Gia để được tư vấn và hỗ trợ đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về việc vợ đánh chồng gây thương thích sẽ bị xử lý thế nào và những vấn đề liên quan. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon