Tội phạm là gì? Phân loại tội phạm?

Toi-pham-la-gi-Phan-loai-toi-pham

Tội phạm là một thuật ngữ được nhắc đến khá nhiều trong các văn bản pháp luật cũng như trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm tội phạm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn đọc về tội phạm là gì? Phân loại tội phạm như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

1. Tội phạm là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 tội phạm được quy định như sau:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật hình sự phải bị xử lý hình sự.

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

Như vậy, khái niệm trên cho thấy: Tội phạm trước hết phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này phải được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện phải có lỗi và phải bị xử lý hình sự.

2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh

Tội phạm được dịch sang tiếng anh là Criminal

Khái niệm về tội phạm dịch sang tiếng anh là Crime is an act that is dangerous to society specified in the Penal Code, committed intentionally or unintentionally by a person with criminal capacity or a commercial legal entity, infringing upon the independence and sovereignty of the country, unification and territorial integrity of the Fatherland, infringing upon the political regime, economic regime, culture, national defense, security, social order and safety, and legitimate rights and interests of the organization, infringing upon human rights, legitimate rights and interests of citizens, infringing upon other areas of the socialist legal order, which, according to the provisions of the Penal Code, must be penalized.

3. Đặc điểm của tội phạm

Các dấu hiệu của tội phạm chính là những dấu hiệu để phân biệt giữa hành vi bị coi là tội phạm với hành vi không phải là tội phạm:

– Tính nguy hiểm cho xã hội: Là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Tính nguy hiểm cho xã hội là hành vi đó gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Bộ Luật Hình sự bảo vệ. Tính nguy hiểm cho xã hội vừa là dấu hiệu để phân biệt một hành vi là tội phạm hay không phải là tội phạm là cơ sở để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Tính nguy hiểm cho xã hội phải đạt đến mức độ đáng kể. Vì vậy, “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm.” (Căn cứ khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự).

– Tính có lỗi: Lỗi là thái độ chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người bị coi là có lỗi là người mà khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, họ có sự tự lựa chọn và quyết định việc xử sự đúng theo những chuẩn mực mà xã hội đòi hỏi nhưng họ đã không làm như vậy.

– Tính trái pháp luật hình sự: Hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tính trái pháp luật hình sự được hiểu là: một người nào đó đã làm một việc mà  Bộ Luật Hình sự cấm hoặc đã không làm một việc mà Bộ Luật Hình sự buộc phải làm khi họ có nghĩa vụ đầy đủ và điều kiện để làm. Như vậy, nếu trong thực tế có những hành vi xét thấy rất nguy hiểm cho xã hội nhưng Luật Hình sự chưa quy định là tội phạm thì hành vi đó vẫn không bị coi là trái pháp luật hình sự.

– Tính phải chịu hình phạt: Là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đến mức bị coi là tội phạm thì phải bị trừng trị bằng hình phạt. Tính chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự của tội phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không phải chịu hình phạt (ví dụ: họ được miễn hình phạt) thì không được suy luận rằng không chịu hình phạt tức là không có tội phạm. Tính phải chịu hình phạt của tội phạm có nghĩa là dù bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe doạ có thể phải chịu hình phạt bởi tính nguy hiểm cho xã hội của nó. Các dấu hiệu trên đây của tội phạm còn được gọi là các đặc điểm của tội phạm được xác định theo quan điểm phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng tội phạm chỉ có các đặc điểm sau:

– Nội dung của quan hệ xã hội: Là hoạt động bình thường của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Khi tác động vào đối tượng này, tội phạm làm cản trở sự hoạt động bình thường của chủ thể trong quan hệ xã hội.

– Đối tượng của các quan hệ xã hội: Là các điều kiện phát sinh và tồn tại của các quan hệ xã hội. Đó có thể là các sự vật (ví dụ: tiền bạc, tài sản…), các lợi ích mà từ đó phát sinh các quan hệ xã hội. Khi tác động vào đối tượng này, tội phạm có thể làm mất đi các điều kiện đó. Ví dụ: trong tội trộm cắp tài sản, tội phạm đã tước đi quyền sở hữu của chủ tài sản, tức là làm mất đi điều kiện tồn tại cho quan hệ sở hữu đó.

4. Phân loại tội phạm

Tội phạm đều có chung các dấu hiệu nhưng mỗi hành vi phạm tội cụ thể đều có tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Chính vì sự khác nhau này mà Bộ Luật hình sự đã chia tội phạm thành 4 loại tội phạm khác nhau: tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Căn cứ theo Điều 9 Bộ luật hình sự, các loại tội phạm được phân thành như sau:

– Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với pháp nhân thương mại, tội phạm cũng được phân loại dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định như trên và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự

5. Ý nghĩa của việc phân loại tội phạm

Đối với việc xây dựng pháp luật: phân loại tội phạm giúp cho việc xây dựng các chính sách được cụ thể, rõ ràng hơn.

Đối với việc áp dụng pháp luật: giúp việc áp dụng pháp luật được chính xác, minh bạch hơn, ví dụ như:

+ Áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù vì phạm tội lần đầu và đã ăn năn hối cải thì chỉ có thể áp dụng với loại tội phạm ít nghiêm trọng

+ Người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ khi người đó phạm tội nghiêm trong hoặc đặc biệt nghiêm trọng…

6. Các yếu tố cấu thành tội phạm

Để cấu thành tội phạm cơ bản gồm có 4 yếu tố sau: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể. Tất cả tội phạm đều được tạo thành từ bốn yếu tố trên, nếu thiếu một yếu tố thì cũng không được tính là tội phạm

6.1. Mặt khách quan

Là những biểu hiện bên ngoài thế giới khách quan của tội phạm, bao gồm

+ Hành vi nguy hiểm cho xã hội

+ Hình thức hành động phạm tội

+ Hậu quả tác hại của tội phạm

+Thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm

6.2. Mặt chủ quan

Là thái độ tâm lý của người phạm tội trong khi thực hiện tội phạm để thể hiện thông qua lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.

– Lỗi của tội phạm: là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm mà họ gây ra và hậu quả của nó. Lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý và vô ý.

Lỗi cố ý: lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp

+ Lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội trong khi thực hiện hành vi đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

+ Lỗi cố ý gián tiếp: người phạm tội trong khi thực hiện hành vi đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

– Vô ý phạm tội được thể hiện trong những trường hợp sau đây:

+ Lỗi vô ý vì quá tự tin: người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được do đó hậu quả đã xảy ra.

+ Lỗi vô ý do cẩu thả: người phạm tội đã không thấy trước hành vi của mình là nguy hiểm mặc dù họ có nghĩa vụ phải thấy trước và trong điều kiện có thể thấy trước được.

Lỗi của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của cấu thành tội phạm đối với trường hợp chủ thể phạm tội là con người, nếu không có lỗi của người phạm tội thì không có tội phạm xảy ra.

Động cơ của tội phạm: Là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm (trừ trường hợp có điều luật quy định).

Mục đích phạm tội: Là kết quả cuối cùng mà người phạm tội mong muốn đạt được thông qua việc thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm (trừ trường hợp có điều luật quy định).

Lưu ý: Động cơ và mục đích phạm tội chỉ tồn tại trong những hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

6.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội, theo quy định của Luật hình sự, người, pháp nhân đó đó phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.

Trong đó, năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Người từ 14 tuổi đến 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự với những tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, người từ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự với mọi loại tội phạm.

6.4. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ mà hành vi phạm tội đã hoặc đe dọa xâm hại tới.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến tội phạm và các vấn đề pháp lý liên quan. Trường hợp có thắc mắc về vấn đề khác vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon