Trong tố tụng hình sự, quyền con người được ghi nhận thông qua quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện; quyền có người bào chữa. Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó pháp luật cần có những cơ chế nhằm bảo đảm quyền con người, hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm bất hợp pháp. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Bảo đảm quyền được xét xử công bằng công khai kịp thời của người bị buộc tội trong TTHS.
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
1. Bảo đảm quyền được xét xử công bằng
Dưới góc độ pháp lý, bình đẳng và công bằng là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ nhất định, trong đó, bình đẳng là yếu tố cơ bản hợp thành sự công bằng
Quyền con người của các chủ thể, nhất là bị cáo rất dễ bị xâm hại, do đó pháp luật cần có những quy định để bảo đảm sự bình đẳng trong quá trình xét xử, đặc biệt là việc bị cáo được xét xử một cách công bằng. Quyền được xét xử công bằng thực chất là một tập hợp các bảo đảm về mặt tố tụng nhằm bảo đảm việc xét xử được công bằng như quyền bình đẳng trước Tòa án, được xét xử bởi một Tòa án độc lập, không thiên vị và công khai, được suy đoán vô tội.
Bình đẳng còn thể hiện ở sự ngang bằng về quyền giữa các bên trong tố tụng.
Trong quy định của pháp luật Việt Nam, quyền được xét xử công bằng được thể hiện bằng nhiều quy định trong Hiến pháp 2013, BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 về quyền bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm quyền bào chữa, bảo đảm tranh tụng, bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử…
Điều 16 Hiến pháp 2013 ghi nhận mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Điều 12 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định việc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người trước Tòa án. Cụ thể hơn, Điều 9 BLTTHS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật:
“Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật”.
Khi tiến hành xét xử vụ án, Thẩm phán, Hội thẩm cần phải độc lập, không thiên vị cũng là nội dung quan trọng đảm bảo công bằng. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết về việc một người có tội hay không và trách nhiệm hình sự mà người đó phải gánh chịu. Do đó, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
2. Quyền được xét xử công khai
BLTTHS năm 2015 cũng có những quy định nhằm bảo đảm quyền được xét xử công khai. Điều 25 ghi nhận: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa”. Riêng đối với người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa. Việc xét xử công khai được áp dụng đối với phiên tòa xét xử sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm. Tòa án tiến hành xét xử công khai ở trụ sở Tòa án, trong một số trường hợp có thể tiến hành các phiên tòa xét xử lưu động.
Việc xét xử trực tiếp, công khai sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể quan tâm có thể theo dõi nội dung vụ án và cách giải quyết của Tòa án, người dân kiểm tra, giám sát được hoạt động xét xử của Tòa án có thực sự “thấu tình đạt lý”, qua đó phát hiện những thiếu sót hoặc sai lầm trong quá trình giải quyết vụ án, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, đảm bảo việc xét xử công khai không có nghĩa là mọi vụ án đều xét xử công khai mà vẫn có trường hợp ngoại lệ, đó là trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín.
Việc quy định xử kín trong những trường hợp này là hoàn toàn cần thiết vì lợi ích của Nhà nước, của các chủ thể có liên quan trong vụ án, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm danh dự của đương sự trong vụ án. Để bảo đảm tính công khai của việc xét xử, trong trường hợp vụ án được xử kín thì vẫn phải tuyên án công khai. Theo quy định tại Điều 327 BLTTHS: “Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án”. Quy định về việc tuyên án như vậy là phù hợp, vừa đảm bảo tính công khai, vừa bảo đảm giữ kín được bí mật nhà nước, bí mật đời tư.
Sau khi tiến hành xét xử xong, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc, học tập; cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ. Trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì bản án phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo.
3. Bảo đảm quyền được xét xử kịp thời
Điểm c khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định người bị buộc tội được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý. Đây là một quyền quan trọng góp phần rất lớn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ pháp luật tố tụng. Việc chậm trễ không kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng về mặt vật chất, tinh thần và gây ra tâm lý không tốt cho những người tham gia tố tụng.
BLTTHS năm 2015 bổ sung một số thời hạn nhằm bảo đảm mọi hoạt động tố tụng phải bị ràng buộc về thời hạn như: đối với vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì HĐXX có thể kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa (Điều 326); cụ thể hóa một số thời hạn có tính định tính trong bộ luật hiện hành bằng các thời hạn cụ thể tùy thuộc vào loại quyết định và đối tượng được nhận quyết định.
Quyền được xét xử kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong TTHS vì việc áp dụng pháp luật không chỉ cần đúng đắn mà còn phải kịp thời. Nếu công lý không được thực hiện kịp thời thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Trước hết đối với quyền lợi của bị hại thì rõ ràng là vụ án càng kéo dài họ càng bị ảnh hưởng, tâm lý theo đuổi vụ án kéo dài cũng rất mệt mỏi; ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hàng ngày của những người tham gia tố tụng nói chung.
Bản thân người bị buộc tội cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, những trường hợp do sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà nhiều người bị bắt, tạm giữ, tạm giam sau nhiều ngày mới được xác định là vô tội và được trả tự do cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của họ.
Quyền được xét xử kịp thời, công bằng, công khai là một nội dung rất quan trọng trong bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đều có những quy định thể hiện sự ghi nhận và tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền được xét xử kịp thời, công bằng, công khai.
Đây là nội dung của Bảo đảm quyền được xét xử công bằng, công khai và kịp thời của người bị buộc tội trong Tố tụng hình sự nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc nhưng vấn đề pháp luật khác hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn hỗ trợ.