Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

dieu-kien-chiu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai

Để một tổ chức tham gia vào quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập thì phải có tài sản riêng. Tài sản của Pháp nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu của Pháp nhân hoặc do nhà nước giao cho quản lý. Tính độc lập trong tài sản của Pháp nhân được thể hiện ở sự độc lập với tài sản của cá nhân là thành viên của pháp nhân, với cơ quan cấp trên và các tổ chức khác. Trên cơ sở tài sản độc lập của Pháp nhân, Pháp nhân mới có thể chịu trác nhiệm bằng tài sản của mình. Có thể thấy rằng Pháp nhân được coi là một chủ thể và phải chịu sự điều chỉnh cũng như phải gánh chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 khi pháp nhân đó có hành vi phạm tội. Vậy, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là gì? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý

1. Khái niệm

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu trước Nhà nước do pháp nhân đó thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại không chỉ áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể áp dụng đối với hành vi của pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của quốc gia hoặc được quy định là tội phạm trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (theo khoản 1 Điều 5, Điều 6 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau:

“a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.”

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật này còn quy định việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Như vậy, có thể rút ra một số nội dung thuộc về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại sau đây:

Thứ nhất, hình vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại là một thực thể xã hội khác với cá nhân, bản thân pháp nhân thương mại không thể tự mình trực tiếp thực hiện được tội phạm bởi tội phạm vốn là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên phải thông qua các hành vi phạm tội của cá nhân trong pháp nhân, đó là những người lãnh đạo, đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người chỉ đạo hoặc người thực hiện các mục tiêu, chiến lược sản xuất, kinh doanh của pháp nhân. Pháp nhân thương mại tham gia vào quan hệ pháp luật là chủ thể bình đẳng, độc lập với các chủ thể khác cho nên pháp nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Hai dạng năng lực này phát sinh đồng thời và thường là kể từ thời điểm được cấp phép hoạt động với các chức năng, nhiệm vụ được đăng ký. Mọi hoạt động của pháp nhân thương mại được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân – người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Hành vi của cá nhân này là nhân danh pháp nhân để thực hiện các hoạt động kinh doanh, hành vi phạm tội nhằm đem lại lợi ích bất hợp pháp cho pháp nhân. Chỉ khi nào những hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì mới làm phát sinh điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đó. Người có thẩm quyền thực hiện hoạt động nhân danh pháp nhân có thể là người đại diện theo pháp luật, người quản lý, điều hành và những người được uỷ quyền, phân công thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân thương mại đó.

Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại có thể được thực hiện dưới hình thức hành động phạm tội hoặc dưới hình thức không hành động phạm tội. Tuy nhiên, hành vi phạm tội đó phải nhân danh pháp nhân thương mại. Mặc dù, pháp nhân thương mại hoạt động thông qua hành vi của cá nhân nhưng những hành vi đó nhân danh quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, đồng thời, được coi là hành vi và sự thể hiện ý chí của pháp nhân thương mại. Những hành vi này đã xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đáng kể đến quan hệ xã hội mà Bộ luật Hình sự coi là tội phạm. Dạng hành vi phổ biến nhất đối với pháp nhân thương mại là hành vi không thực hiện một nghĩa vụ nào đó mà pháp luật buộc phải thực hiện, như: Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước; trốn tránh việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, không được xả thải trái phép ra môi trường,…

Hành vi phạm tội phải được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, tức là pháp nhân thương mại đó phải là chủ thể được hưởng lợi từ hành vi phạm tội. Những lợi ích này thông thường là tài sản, tiền bạc, cũng có thể là những dạng lợi ích vật chất khác, những lợi ích này có thể đã được mang lại hoặc sẽ mang lại cho pháp nhân. Pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm do cá nhân trong pháp nhân thương mại đó thực hiện mà xuất phát từ lợi ích khác. Tức là, không phải vì lợi ích của pháp nhân, trong trường hợp này, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, nhà máy X có hành vi không thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải theo quy định, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, hành vi này xuất phát từ việc một nhóm người trực tiếp cố tình làm sai quy trình xử lý chất thải nhằm chiếm đoạt khoản chi phí của nhà máy. Trong trường hợp này thì không có cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đó.

Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm tội thông qua hành vi của các cá nhân trong pháp nhân đó. Pháp nhân thương mại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, được quy định trong Điều lệ hoặc các văn bản khác. Tập thể lãnh đạo pháp nhân là cá nhân nhân danh pháp nhân để đưa ra phương hướng, mục tiêu hoạt động, phân công vai trò, vị trí, nhiệm vụ cho các cá nhân khác trong pháp nhân để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của pháp nhân thương mại. Do vậy, trường hợp các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cá nhân trong pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội nhưng hành vi phạm tội đó không có sự chỉ đạo, điều hành, phân công hay đồng ý, chấp thuận của pháp nhân thì dù gây ra hậu quả nguy hại thế nào, trách nhiệm hình sự cũng không đặt ra đối với pháp nhân thương mại đó. Việc chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận có thể thông qua những hình thức khác nhau như: Nghị quyết Hội đồng quản trị, Quyết định của Giám đốc công ty hay người được uỷ quyền,… Ngoài ra, sự chấp thuận của pháp nhân thương mại thông qua những người có thẩm quyền cũng được coi là điều kiện để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Ví dụ như: Ý kiến đồng ý của Giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty trong bản đề xuất mua hàng hoá do các cơ quan chuyên môn của pháp nhân đề nghị, nhưng hàng hoá đó thuộc danh mục cấm của Nhà nước, thì bị coi là đã có sự chấp thuận, sự chỉ đạo của pháp nhân thương mại đó.

Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tương tự như đối với cá nhân phạm tội: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối vớ tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối vớ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Như vậy, nếu đã hết thời hạn nêu trên mà hành vi phạm tội không bị phát hiện, pháp nhân thương mại không trốn tránh và không phạm tội mới thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối vớ pháp nhân đó.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Điều này có nghĩa là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội không đồng nghĩa với việc bỏ qua trách nhiệm hình sự của cá nhân, người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi thoả mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi của họ thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Quy định này không trái với nguyên tắc “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” (theo khoản 3 Điều 31 Hiến pháp năm 2013), bởi pháp nhân thương mại khi đã trở thành một thực thể pháp lý, có những quyền, nghĩa vụ độc lập với những cá nhân tham gia với tư cách là thành viên. Do vậy, pháp nhân thương mại và cá nhân khi thực hiện hành vi phạm tội và bị kết án thì được hiểu đó là hành vi phạm tội do hai chủ thể khác nhau thực hiện. Trường hợp, người lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của pháp nhân thương mại lại phạm tội do vượt quá thẩm quyền được trao hoặc lợi dụng danh nghĩa pháp lý hoặc vật chất của pháp nhân đó để thực hiện tội phạm vì quyền hoặc lợi ích của mình, thì về nguyên tắc chỉ có cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó, còn pháp nhân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của họ.

Để được tư vấn pháp luật qua điện thoại, hãy gọi ngay cho Luật sư theo số điện thoại 1900.6568. Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật qua điện thoại sẽ được chúng tôi giải đáp!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon