Bố mẹ không đồng ý, có đăng ký kết hôn được hay không?

bo-me-khong-dong-y-co-dang-ky-ket-hon-duoc-hay-khong

Trong cuộc sống ngày nay, quan niệm về hôn nhân đã có phần thoáng hơn nhiều so với những giai đoạn trước đây. Nhưng là một quốc gia xem trọng phong tục truyền thống và tình cảm gia đình như Việt Nam thì đâu đó vẫn còn tồn tại tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” trong hôn nhân.

Có một số gia đình vì tồn tại tư tưởng này nên đã không cho phép con của mình kết hôn với người mà mình thích, đã có rất nhiều trường hợp vì sự cấm cản của gia đình hai bên nên các cặp đôi này đã có các quyết định không đúng. Vậy, bố mẹ có quyền ngăn cấm con cái kết hôn không, việc cha mẹ phản đối thậm chí là ngăn cấm con kết hôn có vi phạm pháp luật không? Trong trường hợp đó thì nên làm gì? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Đăng ký kết hôn là gì?

Đăng ký kết hôn là việc ghi vào Sổ đăng ký kết hôn để chính thức công nhận nam nữ là vợ chồng trước pháp luật mà

Theo luật hôn nhân và gia đình, việc kết hôn do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai người kết hôn công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Đăng ký kết hôn là hoạt động hành chính nhà nước, là thủ tục pháp lý làm cơ sở để Nhà nước công nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ.

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

Đăng ký kết hôn là hành vi pháp lý duy nhất thừa nhận hai bên nam, nữ là vợ chồng của nhau. Đây là thủ tục cần thiết để hôn nhân hợp pháp, được Nhà nước bảo hộ. Việc đăng kí kết hôn phải tuân thủ đúng thẩm quyền và thủ tục theo như quy định của pháp luật. Cá nhân khi đăng ký kết hôn cũng phải tuân theo các quy định của Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hộ tịch năm 2014 và các quy định khác của pháp luật.

Căn cứ pháp lý: Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

2. Điều kiện để kết hôn là gì?

Việc quy định đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là biện pháp để Nhà nước có thể kiểm soát việc tuân theo pháp luật của nam nữ trong việc kết hôn để ngăn chặn những hiện tượng kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn. Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam, nữ được đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

3. Đăng ký kết hôn có cần sự đồng ý của cha mẹ không?

Tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”.

Đồng thời, Tại điểm b Khoản 2 Điều 5 của luật này cũng quy định cấm hành vi “cản trở kết hôn”. 

Ngoài ra, hiện nay không có một quy định pháp luật nào quy định rằng con cái khi kết hôn phải có được sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời hành vi của cha mẹ khi không đồng ý, cản trở thậm chí ngăn cấm con cái kết hôn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Do vậy nam và nữ khi muốn kết hôn chỉ phải đáp ứng đủ các điều kiện đã quy định tại Điều 8 đồng thời không vi phạm vào các hành vị bị cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc không đồng ý của cha mẹ không làm ảnh hưởng tới việc đăng ký kết hôn và được pháp luật công nhận mối quan hệ hôn nhân của cặp đôi nam nữ.

4. Cha mẹ ngăn cấm con cái kết hôn sẽ có thể bị xử lý như thế nào?

Như đã phân tích ở trên, việc cha mẹ cản trở hôn nhân của con cái là hành vi vi phạm pháp luật và hành vi này có thể bị xử phạt hành chính thậm chí nếu nặng hơn thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự:

4.1. Xử phạt hành chính

Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (hiện nay đã hết hiệu lực)

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng: đối với người cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Nghị định số 167/2013/ND-CP đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể, điểm đ khoản 1 Điều 59 quy định mức phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

4.2. Xử phạt hình sự

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Như vậy, cha mẹ có hành vi ngăn cấm con kết hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 3 năm tuỳ thuộc vào mức độ.

5. Cần làm gì khi muốn kết hôn mà cha mẹ lại không đồng ý?

Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của lối tư duy truyền thống nên trên thực tế thường nam và nữ khi kết hôn đều mong muốn có được sự chấp thuận, ủng hộ từ phía cha mẹ thì đời sống hôn nhân mới hạnh phúc. Bên cạnh đó khi bị cản trở, ngăn cấm kết hôn cũng giữ suy nghĩ rằng là con phải làm tròn chữ “hiếu” do vậy mà hầu như tất cả các cặp đôi sẽ lựa chọn tan vỡ thay vì việc để bố mẹ chịu hình phạt của pháp luật. Tuy nhiên, có một điều khó thay đổi, là dù cặp đôi có lựa chọn cách nào thì sau đó mối quan hệ gia đình cũng khó mà còn được như trước nữa. Đã có rất nhiều trường hợp vị sự ngăn cấm của gia đình hai bên nên các cặp đôi này đã có các quyết định dại dột…

Do vậy khi rơi vào trường hợp này chúng ta có thể áp dụng một vài phương pháp sau:

Quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu tại sao cha mẹ lại không muốn cho mình kết hôn với người kia, khi biết được nguyên nhân hãy đánh giá xem nguyên nhân đó có thể khắc phục được hay không.

Tiến hành khắc phục nguyên nhân, thay đổi (nếu được) theo hướng tích cực. Hoặc cũng có thể nhờ tới anh chị em bạn bè giúp đỡ trong quá trình thuyết phục cha mẹ. Thường đây cũng sẽ là cách giải quyết êm thấm nhất, vừa giúp giữ được tình cảm gia đình vừa không đụng tới pháp luật. Tuy nhiên, đây cũng là cách tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Trong trường hợp có mâu thuẫn hoặc cha mẹ có những hành vi cụ thể cản trở kết hôn thì hãy mời luật sư tư vấn để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đồng thời, khi quen nhau các bạn cũng nên tìm hiểu về nhau trước như là tôn giáo, quốc tịch hay là các phong tục của từng vùng miền để sau này khi về ra mắt gia đình hai bên khỏi tránh được những mâu thuẫn phát sinh dẫn đến sự ngăn cản của các bên.

Ngoài ra, khi bố mẹ không đồng ý hoặc kịch liệt phản đối, bản thân cũng nên suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ, nhìn nhận đánh giá cả bản thân mình, đối phương và mối quan hệ hiện tại để có được phương án tốt nhất. Bởi lẽ, hôn nhân là việc trọng đại và hầu như bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con cái của mình. Có một số ít trường hợp ý kiến của bố mẹ là cảm tính, chưa hẳn đã chính xác.

Tuy nhiên, người xưa có câu: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” hay “Khôn chưa tới trẻ, khỏe không tới già”. Theo đó, kinh nghiệm của những người lớn tuổi, trải nghiệm cuộc sống của bố mẹ là rất đáng trân quý. Do vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình. Pháp luật hiện hành bảo vệ quyền cá nhân của người trưởng thành, mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm đối với hành vi, quyết định và cuộc sống của mình… nhưng bố mẹ là những người yêu thương con cái vô điều kiện và luôn muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Bố mẹ không đồng ý, có kết hôn được không”. Trường hợp có vấn đề thắc mắc liên quan vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon