Các hành vi bị cấm trong hôn nhân và gia đình

cac-hanh-vi-bi-cam-trong-hon-nhan-va-gia-dinh

Một xã hội văn minh thì điều quan trọng nhất không thể không nhắc đến là vai trò của gia đình. Nơi hình thành, nuôi dưỡng nên mỗi con người. Vậy nên quan hệ hôn nhân và gia đình được xem là quan trọng và được pháp luật Việt Nam ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ. Các hành vi có thể làm phương hại đến quan hệ hôn nhân và gia đình đều bị pháp luật quy định và có chế tài xử phạt cụ thể.

Cơ sở pháp lý

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;

– Nghị định 82/2022/NĐ-CP;

– Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP;

1. Một số hành vi bị cấm trong hôn nhân do luật định

Kết hôn là một cột mốc quan trọng của đời người. Trai lớn lên thì phải dựng vợ, gái lớn lên thì phải gả chồng, xưa giờ ai cũng vậy. Thế nhưng hiện nay có rất nhiều cặp đôi lợi dụng, lừa dối hay cưỡng ép nhau kết hôn nhằm đạt mục đích cho bản thân. Do vậy, căn cứ tại khoản 2 Điều 5 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã nêu ra những hành vi bị cấm trong hôn nhân như sau:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

1.1. Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo

Theo khoản 11 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014, kết hôn giả tạo được quy định là: “Việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”

Như vậy, ở trường hợp trên, cá nhân lợi dụng việc kết hôn để đạt mục đích cá nhân, không hướng đến việc xây dựng hạnh phúc, xây dựng gia đình với đối phương, lợi dụng việc kết hôn để thực hiện những hành vi nêu trên thì thuộc trường hợp kết hôn giả tạo và bị pháp luật nghiêm cấm.

Đồng thời, nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 10 – 20 triệu đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).

Khi kết hôn thì giữa vợ chồng sẽ phát sinh ra quyền và nghĩa vụ với nhau. Giữa vợ và chồng đều bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình cũng như là quyền và nghĩa vụ của công dân. Thế nhưng vẫn có những gia đình vì trốn tránh hay muốn tẩu tán tài sản ra ngoài nhằm che mắt hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ hay vì bất kì lí do gì nhằm đạt mục đích cá nhân mà phải ly hôn giả nhằm qua mặt chính quyền nhưng không muốn chấm dứt ly hôn thì được pháp luật gọi là ly hôn giả tạo. Việc ly hôn giả tạo được quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Ly hôn giả tạo được hiểu là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách pháp luật về dân số hoặc để đạt mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”

1.2. Tảo hôn

Ở Việt Nam, vẫn còn đâu đó việc lấy vợ, gả chồng khi chưa thành niên, chưa đủ tuổi kết hôn như luật định. Dù cả hai bên tự nguyện hay do gia đình sắp đặt, do tập tục địa phương thì việc lấy vợ, lấy chồng chưa đủ tuổi căn cứ tại khoản 8 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014, quy định như sau: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi.”

Theo điểm a khoản 1 Điều 8 LHN&GĐ năm 2014, độ tuổi đủ điều kiện đăng ký kết hôn là “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.Trong đó, căn cứ  khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình, tuổi kết hôn được xác định theo ngày, tháng, năm sinh, và một vài trường hợp nếu không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh. Trường hợp xác định được tháng sinh, năm sinh nhưng lại không xác định được ngày sinh thì ngày sinh sẽ xác định là ngày mùng một của tháng sinh.

Căn cứ tại khoản 2, Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, nếu nam, nữ kết hôn khi chưa đủ tuổi, vẫn duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật mặc dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì bị phạt từ 03 – 05 triệu đồng.

Theo khoản 1, Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, riêng người tổ chức cho người chưa đủ tuổi kết hôn thì bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng. Căn cứ Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nếu đã bị phạt hành chính mà vẫn thực hiện thì có thể bị phạt cải tạo không giam nữ đến 02 năm hoặc bị phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng với tội tổ chức tảo hôn.

1.3. Cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn

Theo khoản 9, Điều 3 LHN&GĐ năm 2014, cưỡng ép kết hôn được hiểu : “Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.”

Ví dụ: Ông bà D cho anh A vay 100 triệu nhưng đến hạn, anh không đủ tiền trả ông bà, ông bà ép anh A phải kết hôn với con gái của họ nếu không sẽ cho người phóng hỏa nhà anh A. Vì làm ăn thua lỗ, không có tiền trả ông bà nên anh A đã đồng ý lấy con gái của ông bà D. Hôn lễ chỉ tổ chức giữa hai gia đình mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phường. Việc làm của ông bà D được coi là vi phạm pháp luật, bởi đã có hành vi cưỡng ép kết hôn đối với với anh A.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 LHN&GĐ năm 2014 một trong những điều kiện để nam, nữ kết hôn là “việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định”. Do đó, việc ép người khác kết hôn trái với ý muốn của họ nghĩa là vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn được pháp luật bảo vệ. Người nào vi phạm quy định này thì tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức sau:

– Theo điểm c khoản 2 Điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng;

– Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện, quy định phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Đồng thời, khoản 1 Điều 10 LHN&GĐ năm 2014 quy định, người bị cưỡng ép hoặc lừa dối kết hôn còn có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

1.4. Cản trở kết hôn

Căn cứ tại khoản 10 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014 định nghĩa hành vi cản trở kết hôn là: “Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.”

Theo điểm đ, khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, nếu người nào cản trở kết hôn thì bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.

Căn cứ Điều 181 Bộ luật Hình sự hiện hành, quy định nếu người nào đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng vẫn cản trở người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác thì có thể bị phạt bằng một trong các hình thức là phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

1.5. Kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng

Việc kết hôn với người đang có vợ hoặc đang có chồng hay còn gọi là hành vi ngoại tình với người đang có vợ/đang có chồng gồm các trường hợp sau đây:

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác;

– Người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ đang có chồng, có vợ.

Như vậy, việc nam nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng kết hôn hoặc chung sống, đây không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà ở một mức độ nào đó, hành vi này còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

– Phạt hành chính: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng;

– Truy cứu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, mức phạt tù cao nhất cho tội này là 03 năm tù.

1.6. Những người không được kết hôn với nhau

Không chỉ kết hôn với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà LHN&GĐ năm 2014 còn cấm kết hôn giữa những người có các mối quan hệ sau đây:

– Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ: Căn cứ khoản 17 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014, được định nghĩa là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Ví dụ: cha mẹ với con, ông bà với cháu nội, cháu ngoại.

– Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: Căn cứ khoản 18 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014, được định nghĩa là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba). Mục đích điều luật quy định cấm kết hôn trong trường hợp này nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống cũng như đảm bảo việc phát triển lành mạnh của các thế hệ sau, tránh sự suy thoái nòi giống.

– Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; Giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Ở những người này, không có quan hệ huyết thống, tuy nhiên trước đây, giữa họ đã có mối quan hệ cha mẹ con, và có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Bởi vậy, pháp luật đã quy định cấm những người này kết hôn với nhau nhằm bảo vệ, giữ gìn đạo đức của dân tộc, ổn định mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, phù hợp với đạo đức xã hội và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

– Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 59, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, nếu kết hôn giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng thì bị phạt từ 03 – 05 triệu đồng;

– Căn cứ điểm a, điểm b khoản 2 Điều 59, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, nếu kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi thì bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.

1.7. Yêu sách của cải trong kết hôn

Khoản 12 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014 quy định: “Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ”.

Theo đó, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, quy định yêu sách của cải trong kết hôn chỉ là hành vi bị cấm nếu nhằm mục đích cản trợ việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ – một trong những nguyên tắc quan trọng khi đăng ký kết hôn. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.

1.8. Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn

Theo ta biết thì cưỡng bức hoặc ép là đề cập đến tình huống mà một người thực hiện một hành vi do bạo lực, đe dọa hoặc áp lực khác chống lại người đó, bên cạnh đó định nghĩa sự ép buộc là “bất kỳ lời đe dọa hoặc ép buộc trái pháp luật nào được sử dụng … để khiến người khác hành động (hoặc không hành động) theo cách mà họ sẽ không

Vậy cưỡng ép trong hôn nhân, cụ thể là cưỡng ép ly hôn theo khoản 9 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được hiểu là “việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ ngược đãi yêu sách, của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải ly hôn trái với ý muốn của họ”

1.9. Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính

Căn cứ vào khoản 21 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được hiểu là “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”.

Việc sinh con nhờ kỹ thuật đã không còn xa lạ với cuộc sống hiện nay. Có thể do cơ thể người mẹ không thể thụ tinh một cách bình thường, do hiếm muộn hay một số vấn đề dẫn tới không thể mang thai một cách bình thường thì sẽ phải can thiệp bởi kỹ thuật khoa học. Thế nhưng, việc sinh con bằng phương thức này cũng hạn chế rất lớn, dựa vào độ tiên tiến của y học nhằm cấy ghép, mang thai với tư tưởng cổ hủ muốn chọn giới tính cho con, hay để hưởng lợi về mặt kinh tế, với mục đích thương mai,… việc này là trái với đạo đức, pháp luật.

1.10.  Bạo lực gia đình

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì “Bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Các hành vi bạo lực gia đình cũng được quy định trong khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 như việc hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, hay việc lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm,…

Người có hành vi vi phạm sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật căn cứ tại Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

1.11.  Hôn nhân đồng tính không được thừa nhận

Căn cứ khoản 5 Điều 3 LHN&GĐ năm 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau khi đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Đồng nghĩa với đó, theo quy định hiện hành, việc kết hôn chỉ được công nhận giữa nam và nữ nếu hai người đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn và thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ khoản 2 Điều 8 LHN&GĐ năm 2014 cũng khẳng định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Vì vậy, khi người cùng giới tính sống chung với nhau như vợ chồng thì các quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

2. Hình phạt dành cho việc xử lý kết hôn trái pháp luật

Hành vi trái pháp luật, bị luật nghiêm cấm thì sẽ có những chế tài xử phạt cho hành vi đó. Nhằm răn đe cũng như giáo dục người dân, nhắc nhở mọi người . Nếu vi phạm vào điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 và thuộc các trường hợp bị cấm tại khoản 2 Điều 5 Luật này thì việc kết hôn đó sẽ bị hủy căn cứ tại Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2014 và tại Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TÀNDTC-VKSNDTC-BTP.

Ngoài ra căn cứ tại Điều 58, Điều 59 nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2020 quy định về mức xử phạt hành chính với các trường hợp kết hôn trái pháp luật. Như hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ phạt từ 1-3 triệu đồng, hay việc vi phạm quy định kết hôn, ly hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ có mức phạt thấp nhất là 3 triệu cho đến 20 triệu tùy từng trường hợp được quy định trong nghị định này.

Trên đây là những phân tích của Luật Dương Gia về các hành vi bị cấm trong hôn nhân và gia đình và hình phạt xử phạt khi vi phạm. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn, thì bạn có thể liên hệ về thông tin dưới đây để được để được tư vấn, báo phí và hỗ trợ dịch vụ pháp lý có liên quan trực tiếp đến nội dung bài viết hoặc gọi theo số hotline 19006568 để được giải đáp thắc mắc.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon