Hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn

ho-so-thu-tuc-dang-ky-ket-hon

Kết hôn là vấn đề trọng đại trong cuộc đời của mỗi người. Đây là việc nam nữ sẽ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau dựa theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Đầu tiên, điều kiện cần để kết hôn là nam và nữ phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tiếp theo đó, muốn xác lập mối quan hệ vợ chồng trước pháp luật phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết theo luật định. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi kết hôn.

Căn cứ pháp lý

– Luật hôn nhân và gia đình 2014;

1. Điều kiện kết hôn

Để tiến hành thủ tục kết hôn, các bên nam nữ phải tuân theo những điều kiện được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

1.1. Điều kiện về độ tuổi kết hôn

Sự phát triển của một con người từ thế chất cho đến tâm lý đều được nghiên cứu dựa trên độ tuổi. Để có thể được phép lấy chồng/ vợ hoặc làm cha mẹ phải dựa vào độ tuổi kết hôn theo quy định. Không chỉ căn cứ vào khả năng sinh sản mà còn phải dựa vào khả năng xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và bền vững mà đưa ra một độ tuổi kết hôn phù hợp. Ngoài ra, việc đảm bảo độ tuổi kết hôn còn nhằm đảo bảo trẻ con sinh ra được khoẻ mạnh về thế lực lẫn trí tuệ và có thể phát triển một cách tốt nhất. Do đó, mỗi quốc gia đều có quy định riêng về độ tuổi kết hôn dựa vào nghiên cứu thực tế tại quốc gia đó. Riêng tại Việt Nam, độ tuổi kết hôn quy định trong Luật hôn nhân và gia đình là từ đủ 20 tuổi đối với nam, còn đối với nữ phải từ đủ 18 tuổi. Đây là một quy định tiến bộ, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

1.2. Điều kiện về sự tự nguyện của nam, nữ trong kết hôn

Sự tự nguyện ở đây được hiểu là mong muốn xuất phát từ ý chí của hai bên nam nữ về việc quyết định kết hôn và thể hiện tình cảm xuất phát từ cả đôi bên để đưa ra được quyết định muốn trở thành vợ chồng. Kết hôn phải dựa trên ý chí của nam, nữ mà không bị cưỡng ép, ép buộc hay tác động từ bên ngoài buộc họ phải kết hôn trái ý muốn. Hôn nhân được thiết lập phải dựa trên tình yêu thương giữa các bên chủ thể và phải nhằm mục đích xây dựng gia đình. Vì một mối quan hệ vợ chồng muốn gắn bó lâu dài phải xuất phát từ tình cảm hai bên dành cho nhau đủ sâu đậm. Chính vì thế nên sự tự nguyện là yếu tố cốt lõi để đảm bảo hôn nhân có thể tồn tại lâu dài và bền vững.

1.3. Không bị mất năng lực hành vi dân sự

Pháp luật hôn nhân gia đình đặt ra điều kiện kết hôn phải là người không mất năng lực hành vi dân sự. Điều này cũng dễ hiểu vì người mất năng lực hành vi dân sự là một người do bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Và theo đó, theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền. Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như thế là đúng. Vì người đã mất năng lực hành vi dân sự sẽ không thể xác lập mối quan hệ vợ chồng dựa trên sự tự nguyện và tình cảm nam nữ. Không những thế, người mất năng lực hành vi dân sự cũng không thể xây dựng một gia đình bền vững, hạnh phúc với chủ thể còn lại. Những người như thế không có khả năng nhận biết và điều khiển hành vi nên sẽ không thể thực hiện được nghĩa vụ vợ chồng đối với con cái, không thể làm tròn trách nhiệm trong gia đình. Theo nghiên cứu của khoa học, bệnh tâm thần là bệnh có tính di truyền. Nên những người này kết hôn sẽ không thể đảm bảo rằng việc con sinh ra không được khoẻ mạnh, không thể bảo đảm nòi giống được phát triển một cách tốt nhất.

Đồng thời, pháp luật về hôn nhân gia đình Việt Nam vẫn chưa công nhận kết hôn đồng giới.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014, có chín trường hợp cấm kết hôn. Những trường hợp này được quy định nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể. Như vậy, để có thể kết hôn, hai bên nam nữ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo luật định và không vi phạm vào các trường hợp bị cấm.

2. Hồ sơ đăng ký kết hôn

Hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau khi đi đăng ký kết hôn:

– Bản sao sổ hộ khẩu

– Bản sao Chứng minh nhân dân

– Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của phường xã, thị trấn thường trú

Nếu một trong hai bên đã kết hôn một lần rồi thì phải có giấy chứng nhận của Toà án là đã ly hôn. Kèm theo đó là giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của địa phương.

Trường hợp người yêu cầu nộp bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính. Nhưng nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận có trách nhiệm phải kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao nữa.

Hồ sơ kết hôn với người nước ngoài sẽ có một vài giấy tờ khác như:

– CMND/CCCD/Hộ chiếu Việt Nam đối với công dân Việt Nam

– Hộ chiếu của công dân nước ngoài

– Hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đối với công dân Việt Nam

– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài về việc xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình

– Bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ ly hôn hoặc huỷ kết hôn nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc huỷ kết hôn.

– Văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành nếu là công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang.

3. Thủ tục đăng ký kết hôn

Nam, nữ phải thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về hộ tịch thì mới được xem là hôn nhân hợp pháp. Thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật được thực hiện như sau:

– Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt. Đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì cán bộ Tư pháp hộ tích ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.

– Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Hai bên nam nữ phải nộp tờ khai theo mẫu quy định cho cơ quan có thẩm quyền và xuất trình CMND/CCCD khi đăng ký kết hôn. Nhưng trong trường hợp một người cư trí tại xã/phường/thị trấn này nhưng đăng ký kết hôn tại xã/phường/thị trấn khác thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó. Trường hợp đăng ký kết hôn có người đang trong thời hạn công tác/học tập/lao động ở nước ngoài về nước làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó. Nếu pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó. Riêng đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trạng thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể được xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Giấy này có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày xác nhận.

– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền theo quy định pháp luật của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

 – Thời gian có giấy chứng nhận kết hôn diễn ra trong vòng 5-10 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, Uỷ ban nhân dân xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Nếu cần phải xác minh, thời hạn nói trên sẽ được kéo dài thêm nhưng không quá 5 ngày. Uỷ ban nhân dân phường (xã) sẽ cấp hai bản đăng ký kết hôn, mỗi bên nam, nữ sẽ giữ một bản sau khi hoàn thành thủ tục.

– Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình trước đây vẫn “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Nhưng đến hiện nay, Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã bỏ quy định này nhưng vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

4. Đăng ký kết hôn online

Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã triển khai việc đăng ký kết hôn online. Điều này nhằm hỗ trợ tối đa cho các cặp đôi muốn đăng ký kết hôn nhưng có một vài lí do cá nhân không thể đăng ký kết hôn trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra còn giảm bớt số lượng công việc hàng ngày của các cơ quan.

Thủ tục đăng ký kết hôn online sẽ được tiến hành như sau:

(1) Truy cập trang đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ Quốc gia, chọn Tỉnh thành/Quận, Huyện/ Phường, Xã nơi đăng ký kết hôn.

Sau khi chọn xong ấn Đồng ý, hệ thống sẽ trả về trang Nộp trực tuyến. Chọn Nộp trực tuyến hệ thống sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Có 02 cách đăng nhập:

– Dùng tài khoản được cấp bởi Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc tài khoản cấp bởi Bưu điện Việt Nam

– Nếu chưa có tài khoản thì có thể Đăng ký theo hướng dẫn.

(2) Khai thông tin đăng ký kết hôn

Điền chính xác các thông tin của nam và nữ. Tại mục Hồ sơ đính kèm, tải các tập tin hình ảnh các giấy tờ sau để cơ quan chức năng xác minh và giải quyết nhanh hồ sơ:

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân xã cấp nếu người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại nơi làm thủ tục đăng ký kết hôn

Trường hợp đang công tác, học tập, lao động tại nước ngoài thì nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp (yêu cầu có bản chụp từ bản gốc)

– Giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên: Hộ chiếu, CMND/CCCD hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do có quan có thẩm quyền cấp và phải còn giá trị sử dụng.

– Giấy chứng minh nơi cư trú của hai bên nam nữ: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Nếu trường hợp sổ bị thu hồi thì phải xin xác nhận cư trú.

– Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

(3) Kiểm tra toàn bộ những thông tin đã kê khai và click chọn “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên”.

Chọn Tiếp tục và nhập mã xác nhận rồi nhấn Gửi thông tin để hoàn tất. Chờ kết quả xác nhận hồ sơ được gửi về địa chỉ email.

Khi đến nhận kết quả theo thời gian được hẹn, cần mang theo các giấy tờ bản gốc hoặc bản chứng thực để đối chiếu.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn và những nội dung liên quan. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon