Án lệ là gì? Trình tự tuyển chọn án lệ? Tổng hợp án lệ vụ án dân sự

an-le-la-gi-trinh-tu-tuyen-chon-an-le-tong-hop-an-le-vu-an-dan-su

Án lệ và áp dụng án lệ để giải quyết các tranh chấp pháp lý nảy sinh trong xã hội là hoạt động phổ biến và được thừa nhận từ lâu đời tại các quốc gia theo hệ thống pháp luật Common Law. Ngược lại, đối với các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Civil Law, trong đó bao gồm Việt Nam, việc thừa nhận án lệ và áp dụng án lệ là một điều mới mẻ. Trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành và có hiệu lực, án lệ và việc áp dụng án lệ vào việc giải quyết các vụ việc nói chung và vụ việc dân sự nói riêng chưa được chính thức thừa nhận. Bộ luật Dân sự năm 2015 là Bộ luật đầu tiên của nước ta quy định chính thức về việc áp dụng án lệ vào việc giải quyết các vụ việc dân sự. Với sự ghi nhận này, án lệ được coi là nguồn của luật dân sự; được áp dụng chính thức nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên chủ thể trong xã hội trong lĩnh vực dân sự. Bài viết nhằm tập trung phân tích thực trạng các quy định về án lệ, áp dụng án lệ vào việc giải quyết các vụ việc dân sự tại nước ta.

1. Khái niệm, đặc điểm của án lệ

Đối với các nước theo hệ thống luật thành văn thì sự ra đời của hệ thống án lệ nhằm giải quyết sự thiếu hụt của hệ thống pháp luật. Tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá đối với vụ việc đang cần giải quyết mà luật chưa có quy định hoặc có nhưng chưa rõ ràng, đang còn nhiều cách hiểu khác nhau và bản án này sẽ được Tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng cho các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.

Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp:“Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định về nhiệm vụ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử;”[1]. Dựa trên tình thần này, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định án lệ là một trong những loại nguồn được áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự.

Án lệ hiểu theo nghĩa rộng nhất là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi thẩm phán khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao và Tòa án tối cao hoặc căn cứ vào hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án. Theo nghĩa hẹp thì án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như một nguồn của luật được áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Để có cơ sở cho việc áp dụng án lệ, ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số: 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/12/215. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc áp dụng án lệ. Sau một thời gian, văn bản này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Do đó, ngày ngày 18 tháng 6 năm 2019 Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số: 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ để thay thế cho Nghị quyết số: 03/2015/NQ-HĐTP.

Theo Điều 1 của Nghị quyết số: 04/2019/NQ-HĐTP:

“Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Án lệ được lựa chọn để trở thành nguồn của luật dân sự cần phải thỏa mãn các tiêu chí sau đây:

(i) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

(ii) Có tính chuẩn mực;

(iii) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

2. Trình tự, thủ tục tuyển chọn án lệ

Để trở thành án lệ cần trải qua các bước sau đây:

Bước thứ nhất, đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí luật định cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Bước thứ hai, lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ

Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến, trừ trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số: 04/2019/NQ-HĐTP. Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải.

 Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số: 04/2019/NQ-HĐTP

Bước thứ ba, thành lập hội đồng tư vấn án lệ

Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng). Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bước thứ tư, lấy ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ.

Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.

Bước thứ năm, thông qua án lệ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ. Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:(i) Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết số: 04/2019/NQ-HĐTP; (ii) Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất; (iii) Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất; (iv) Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

 Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.

Bước thứ sáu, công bố án lệ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Nội dung công bố bao gồm: Số, tên án lệ; số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ; tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ; quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; nội dung của án lệ. Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

3. Tổng hợp án lệ trong lĩnh vực dân sự

Tính đến thời điểm hiện nay, có nhiều án lệ trong lĩnh vực dân sự đã được tuyển chọn và công bố có thể kể đến như:

Án lệ số 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản;

Án lệ số 03.2016/AL về vụ án ly hôn;

Án lệ số 04/2016/AL về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

Án lệ số 05/2016/AL về vụ án tranh chấp di sản thừa kế;

Án lệ số 06/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế;

Án lệ số 07/2016/AL về vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà;

Án lệ số 08/2016/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng;

Án lệ số 09/2016/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa;

Án lệ số 11/2017/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng;

Án lệ số 12/2017/AL về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa;

Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ;

Án lệ số 14/2017/AL về vụ án yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

Án lệ số 15/2017/AL về vụ án tranh chấp hợp đồng đổi đất;

Án lệ số 16/2017/AL về vụ án dân sự tranh chấp thừa kế tài sản;

Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản;

Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm;

Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân;

Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lí do khách quan;

Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản.

Án lệ số 31/2020/AL về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ là quyền tài sản.

Án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Án lệ sô 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường.

Án lệ số 35/2020/AL về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng.

Án lệ số 36/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ.

Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bào hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm.

[1] Điểm c khoản 2 Điều 22, Luật tổ chức TAND 2014

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon