Quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ

quyen-va-nghia-vu-cua-ben-mang-thai-ho

Pháp luật về hôn nhân và gia đình đã ghi nhận chế định về mang thai hộ, đây là một chế định đầy tính nhân văn, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là đảm bảo quyền làm cha, làm mẹ của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Với việc quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc mang thai hộ đã góp phần hạn chế tranh chấp xảy ra, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thế. Để nắm rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Thông tư số 34/2016/TT-BYT ngày 21 tháng 9 năm 2016;

1. Mang thai hộ vì mục đích nhận đạo là gì?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

2. Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ

Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 97 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:

– Bên mang thai hộ, chồng của bên mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

Bên mang thai hộ và chồng của người đó chỉ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc nuôi dưỡng con. Bên cạnh đó, Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng đã quy định rất chi tiết về thời điểm chấm dứt quyền, nghĩa vụ chăm sóc con như cha mẹ của cặp vợ chồng được nhờ mang thai hộ là từ thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Đây là một quy định hợp lý, đảm bảo tính nhân văn.

Quy định này nhằm đảm bảo trách nhiệm của người mang thai hộ và chồng của người mang thai hộ trong thời gian mang thai, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của đứa trẻ, tránh những trường hợp bên mang thai hộ không quan tâm, chăm sóc vì cho đó không phải là con đẻ của mình sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho đứa trẻ, hoặc ngược lại bên nhờ mang thai hộ ngăn cản việc chăm sóc sức khỏe cho đứa trẻ từ bên mang thai hộ dù người này có đủ các điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho trẻ sơ sinh như nguồn sữa mẹ.

– Bên mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

Vấn đề này được quy định tại Thông tư số 34/2016/TT-BYT ngày 21 tháng 9 năm 2016 quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị, xử trí các bất thường, dị tật của bào thai. Theo đó, việc sàng lọc, chẩn đoán và xử lí trước khi sinh đối với phụ nữ mang thai được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, trừ trường hợp bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tức là, việc sàng lọc, chẩn đoán và xử lý trước sinh đối với bên mang thai hộ là nghĩa vụ mà bên mang thai hộ buộc phải thực hiện.

Hoạt động này nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh Down, hội chứng Ewards (Trisomy 18), dị tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác, y học hiện đại đã áp dụng có hiệu quả việc sàng lọc trước sinh bằng cách sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian người mẹ mang thai để chẩn đoán, xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi. Từ đó, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra cho thai nhi, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo hiệu quả của hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Đây được coi là điều kiện đảm bảo sức khỏe của bên mang thai hộ cũng như sự an toàn và phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định nào về chế tài áp dụng đối với trường hợp bên mang thai hộ không tuân thủ các quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

– Bên mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhỏ mang thai hộ. Việc sinh con do mang thai hộ không tỉnh vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Cụ thể, bên mang thai hộ sẽ được hưởng các chế độ từ bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng các điều kiện: phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. (khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội) hoặc đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghĩ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội).

Trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện trên thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, bên mang thai hộ sẽ được hưởng các chế độ:

+ Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;

+ Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội, Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tỉnh cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

+ Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản 2, điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thi lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

– Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, bên mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mang thai hộ. Bởi hơn ai hết người phụ nữ mang thai hộ sẽ hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình để cân nhắc có thể tiếp tục hay không việc mang thai. Tuy nhiên, việc quy định để bên mang thai hộ hoàn toàn quyết định việc tiếp tục mang thai hay không sẽ dẫn đến trường hợp bên mang thai hộ không đồng ý chấm dứt thai kỳ theo yêu cầu của bên nhờ mang thai hộ để rồi cuối cùng sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, bệnh hiểm nghèo.

Điều này không những chỉ là nỗi đau của những trẻ mắc bệnh mà còn là nỗi đau, là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội, đồng thời không đảm bảo được mục đích của chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

– Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con. Đây là quyền tương ứng với nghĩa vụ không được từ chối nhận con của bên nhờ mang thai hộ.

– Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà vợ chồng nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình (Khoản 2 điều 99 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Theo đó, pháp luật đã ưu tiên bên mang thai hộ được quyền nhận đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ làm con nuôi trong trường hợp bên nhớ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

– Về quyền yêu cầu li hôn, Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, quy định này cũng được áp dụng đối với người chồng, trong trường hợp người vợ là người mang thai hộ. Điều này góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ mang thai cũng như thai nhi. Mặt khác cũng bảo đảm được quyền và lợi ích của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Bởi vì, sự đảm bảo về sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thưởng của thai nhi cũng góp phần đáp ứng sự mong đợi của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ về quyền và nghĩa vụ của bên mang thai hộ trong việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon