Trường hợp vợ, chồng ly hôn có nguyên nhân từ hành vi bạo lực gia đình

Trong trường hợp vợ, chồng ly hôn có nguyên nhân từ hành vi bạo lực gia đình, việc xem xét yếu tố lỗi trong giải quyết ly hôn là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng là nạn nhân bạo lực gia đình. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, lỗi của một bên vợ, chồng không chỉ được xem xét để xác định căn cứ ly hôn mà yếu tố lỗi còn được tính đến khi xem xét giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng.

1. Áp dụng pháp luật về căn cứ ly hôn với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Như vậy, hành vi bạo lực gia đình của một bên vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào  tình trạng trầm trọng sẽ là căn cứ để Toà án giải quyết cho vợ, chồng ly hôn. Về điểm này, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành đã có những đổi mới khi quy định về căn cứ ly hôn, điều này không chỉ giúp cho thẩm phán khi giải quyết ly hôn xác định căn cứ ly hôn thuận tiện hơn mà ở một khía cạnh khác quy định này còn góp phần bảo vệ được nạn nhân bạo lực gia đình.

Bởi lẽ, việc xem xét yếu tố lỗi của vợ, chồng sẽ giúp Toà án có thêm cơ sở để xác định “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” để giải quyết cho vợ chồng ly hôn. Có thể nói, đối với nạn nhân bạo lực gia đình thì việc Toà án giải quyết cho họ ly hôn chính là việc giải thoát họ khỏi hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, thực tế giải quyết các vụ việc ly hôn cũng cho thấy, lỗi của một bên vợ chồng không phải là căn cứ Toà án giải quyết cho ly hôn mà trên cơ sở lỗi, Toà án vẫn phải xem xét bàn chất của cuộc hôn nhân. Vì thế, nhiều thẩm phán cho rằng, việc xác định “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” không dễ dàng khi giải quyết ly hôn. Trên  thực tế, có những trường hợp chồng có hành vi bạo lực gia đình với vợ, người vợ đã tự tìm cho mình lối thoát là sống ly thân suốt một thời gian dài trước khi quyết định ly hôn.

Do đó, có ý kiến cho rằng, pháp luật nên dự liệu “ly thân” là một căn cứ để Toà án giải quyết cho ly hôn, bởi vì khi hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mình, nạn nhân đã chọn cách ly thân để tự bảo vệ mình thì không cần phải xem xét tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được mà việc vợ chồng “ly thân” đã đủ có căn cứ giải quyết cho vợ chồng ly hôn.

2. Áp dụng dụng pháp luật trong trường hợp giải quyết ly hôn theo yêu cầu của người khác.

Cha mẹ hoặc người thân thích khác khi một bên vợ, chồng là người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình đồng thời là nạn nhân bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ có quyền yêu cầu giải quyết việc ly hôn.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, việc dự liệu cho phép cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn đối với trường hợp này là bảo vệ quyền lợi cho bên vợ, chồng là người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo đó, phải có đủ căn cứ cho thấy rằng, hành vi bạo lực gia đình của bên vợ, chồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của bên vợ, chồng là người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì Toà án sẽ giải quyết ly hôn theo yêu cầu của cha mẹ hoặc người thân thích khác.

Trên thực tế, yêu cầu giải quyết ly hôn đối với trường hợp này rất hiếm gặp nhưng quy định này rất cần thiết đối với việc bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình là bên vợ chồng là người yếu thế bởi vì trong trường hợp này việc giải quyết thấu đáo nhất để hạn chế rủi ro cho nạn nhân bạo lực gia đình chính là chấm dứt quan hệ hôn nhân để “cách ly” nạn nhân khỏi người thực hiện hành vi, các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình khác sẽ không có hiệu quả.

3. Áp dụng pháp luật giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi vợ chồng ly hôn nếu không thoả

thuận được có yêu cầu toà án giải quyết việc chia tài sản chung thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

(i) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

(ii) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

(iii) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

(iv) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Như vậy, lỗi của một bên vợ chồng được xem xét như là một yếu tố để chia tài sản chung của vợ chồng.

Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì  lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Như vậy, hành vi bạo lực gia đình của vợ, chồng có thể được xem xét làm căn cứ để xác định rõ phần tài sản mà mỗi bên được hưởng, theo đó để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng người là nạn nhân của hành vi bạo lực thì có thể cân nhắc chia cho người thực hiện hành vi bạo lực, phá tán tài sản chung phần tài sản ít hơn để bảo đảm sự bình đẳng trong việc hưởng lợi về tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết ly hôn, vấn đề này chưa được áp dụng một cách hiệu quả.

Nhiều thẩm phán cho rằng, quy định của pháp luật chưa tạo ra cơ sở pháp lý xác đáng để áp dụng pháp luật được chuẩn xác, thống nhất. Chẳng hạn, có thẩm phán cho rằng giải thích tại Thông tư số 01/2016/TTLT còn mang tính chất chung chung, chưa xác định rõ tỷ lệ chia như thế nào, cho nên việc áp dụng còn nhiều quan điểm khác nhau.

Mặt khác, việc xem xét yếu tố lỗi trên thực tế rất khó khăn. Bởi lẽ, phải có đủ căn cứ chứng minh yếu tố “lỗi” của bên vợ chồng, ví dụ người chồng có hành vi bạo lực gia đình thì phải chứng minh được hành vi bạo lực của vợ chồng để làm căn cứ áp dụng pháp luật xác định “yếu tố lỗi”. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ly hôn, người vợ là nạn nhân không cung cấp được chứng cứ để xác định “lỗi”của người chồng. Do vậy cũng khó để áp dụng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho bên vợ, chồng là nạn nhân bạo lực gia đình.

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong quá trình Toà án thụ lý và giải quyết ly hôn, nếu mâu thuẫn giữa vợ chồng có nguyên nhân từ hành vi bạo lực gia đình thì việc ly hôn có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực. Trong những trường hợp này, nếu không áp dụng pháp luật vể bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của vợ, chồng và các con.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Toà án cũng có thẩm quyền ra quyết định thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện.

Về các điều kiện ra quyết định thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc, như chúng tôi đã phân tích ở nội dung trên, các điều kiện này chưa bám sát tình hình thực tiễn của việc bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình cho nên rất khó áp dụng. Điều này cũng dẫn đến thực tế, có những vụ việc hậu quả bạo lực gia đình có thể đã được cảnh báo trước nhưng không áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, dẫn đến hậu quả đáng tiếc đối với nạn nhân. Bên cạnh đó, có trường hợp, không thực hiện việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mặc dù hậu quả có thể xảy ra đã được dự báo từ trước đó. Dẫn chứng về trường hợp cha dùng xăng đốt con ở Nông Cống Thanh Hóa là một cái kết đau lòng mà dư luận cho rằng nếu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc có thể sẽ phòng ngừa được hậu quả trên.

4. Thực tiễn giải quyết

Sự việc đau lòng này diễn ra khi Tòa án nhân dân huyện Nông Cống thụ lý và giải quyết vụ án ly hôn giữa Vũ Văn Quang và Lê Thị H12. Tại phiên tòa vào ngày 21/4/2011, Q đã tẩm xăng vào người bé L (là con chung của vợ chồng Q) và đe dọa rằng nếu tòa xử cho vợ chồng Q ly hôn thì Q sẽ thiêu bé. Ngay sau đó, vào ngày 27/4/2011, Q đã thực hiện hành vi dã man là đốt bé L như đã đe dọa.

Như vậy, một trường hợp bạo lực gia đình gây hậu quả rất nghiêm trọng đã được dự báo từ trước nhưng đã không được ngăn chặn kịp thời bằng biện pháp cấm tiếp xúc. Điều này làm dư luận hết sức lo ngại cũng như nghi ngờ sự vào cuộc của Tòa án với vai trò là cơ quan có thẩm quyền được áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, cần phải xem xét các điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho phù hợp với thực tế bảo vệ quyền của nạn nhân bạo lực gia đình. Bởi vì, với quy định về điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc như hiện nay, việc Tòa án không áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong nhiều trường hợp là hoàn toàn có sơ sở. Trở lại ví dụ trên, trường hợp này dù người vợ có nơi ở riêng, người con đã bị đe dọa bởi hành vi bạo lực, có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe nhưng người vợ không có yêu cầu thì Tòa án cũng không thể áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc.

5. Áp dụng pháp luật khi Toà án giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên

Theo quy định cuả pháp luật hiện hành, cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây13: (i) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; (ii) Phá tán tài sản của con; (iii) Có lối sống đồi trụy; (iv) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Nhận thấy rằng, các căn cứ được dự liệu trong pháp luật làm cơ sở để Toà án áp dụng biện pháp chế tài nhằm hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên chính là chế tài dân sự để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên.

Mặt khác những hành vi nói trên của cha mẹ đối với con chưa thành niên không chỉ là hành vi phạm quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chưa thành niên mà theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cũng được xác định là các hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, việc quy định chế tài này là cần thiết và việc giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên trong trường hợp này cũng là biện pháp cần thiết để bảo vệ con là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nhiều các yêu cầu đề nghị Toá án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên mới chỉ được áp dụng như một biện pháp khẩn cấp trong trường hợp Toà án thụ lý vụ án hình sự mà cha, mẹ là người thực hiện một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Điều này cho thấy rằng, nhiều hành vi vi phạm của cha mẹ đối với con chưa thành niên trên thực tế chưa bị xử lý bởi chế tài này. Đây cũng là một nguyên nhân làm gia tăng sự lạm quyền của cha mẹ đối với con, gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon