Những trường hợp không được hiến bộ phận cơ thể

Nhung-truong-hop-khong-duoc-hien-bo-phan-co-the

Hiến bộ phận cơ thể là hành động tự nguyện khá phổ biến và cao đẹp được thực hiện trong những năm gần đây. Một người sẽ tình nguyện hiến tặng bộ phận cơ thể của mình cho người khác khi bản thân đã qua đời hoặc khi vẫn còn đang khoẻ mạnh. Tuy nhiên việc hiến bộ phận cơ thể không phải được thực hiện tuỳ tiện mà cần phải đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, pháp luật quy định tồn tại các trường hợp không được hiến bộ phận cơ thể. Vậy hiến bộ phận cơ thể là gì? Trình tự thủ tục thực hiện ra sao? Đâu là những trường hợp không được hiến bộ phận cơ thể? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

1. Hiến bộ phận cơ thể là gì?

Căn cứ theo khoản 2, 6 Điều 3 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006:

“2. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.”

“6. Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.”

Theo đó, việc hiến bộ phận cơ thể người phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật. Người có đủ các điều kiện hiến tặng bộ phận cơ thể có thể bày tỏ nguyện vọng của mình về việc hiến tặng với các cơ sở y tế. Sau khi hoàn thành việc hiến bộ phận cơ thể, bác sĩ có thể lấy bộ phận cơ thể được hiến để phục vụ cho mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

2. Trình tự, thủ tục hiến bộ phận cơ thể người

Việc hiến bộ phận cơ thể người được chia làm hai trường hợp là khi còn sống hoặc sau khi chết.

2.1. Thủ tục đăng ký hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết

Theo đó, thủ tục đăng ký hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Cụ thể:

Bước 1: Người hiến tặng liên hệ với cơ sở y tế về việc hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết

Người có đủ điều kiện về hiến bộ phận cơ thể người có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với cơ sở y tế.

Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

Bước 2: Trung tâm điều phối quốc gia tiến hành tư vấn cho người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết

Sau khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây:

+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;

+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;

+ Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến;

+ Báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.

2.2. Thủ tục đăng ký hiến bộ phận cơ thể ở người sống

Đối với trường hợp hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống thì thủ tục đăng ký hiến bộ phận được thực hiện theo quy định tại điều 12 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Cụ thể:

Bước 1:  Người hiến tặng liên hệ với cơ sở y tế về việc hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống

Tương tự như trường hợp hiến bộ phận cơ thể khi đã chết thì người hiến cũng cần có đủ điều kiện về việc hiến mô, bộ phận cơ thể theo quy định tại Điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Khi đủ điều kiện, người hiến bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế.

Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế quy định tại Điều 16 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

Bước 2: Trung tâm điều phối quốc gia tiến hành tư vấn cho người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người. Cụ thể:

+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;

+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;

+  Báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

Việc đăng ký hiến tặng có thể được thực hiện bằng các hình thức như sau: trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền; thông qua bưu điện hoặc đăng ký online qua website.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật việc hiến bộ phận cơ thể người được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện và xuất phát từ quyền nhân thân của mỗi công dân. Chính vì vậy, pháp luật tồn tại quy định trong mọi trường hợp người đăng ký hiến tặng đều có thể thay đổi quyết định của mình. Việc thay đổi chỉ cần gửi đơn đề nghị thay đổi hoặc huỷ bỏ về cơ sở y tế nơi đã tiếp nhận đơn và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng ban đầu là được đưa ra khỏi danh sách đăng ký hiến tặng.

3. Các trường hợp không được hiến bộ phận cơ thể

Hiến bộ phận cơ thể là một hành vi nhân văn, tuy nhiên việc hiến tặng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm sẽ không được phép hiến tặng. Cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, người hiến tặng không tự nguyện, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.” Như vậy, người hiến tặng phải đáp ứng quy định về độ tuổi, phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Tại Điều 14 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”  Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên có khả năng tự tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện. Họ chỉ bị mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi khi có quyết định của tòa án về việc hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Về mặt thuật ngữ thì “Hiến” cũng đã thể hiện được tính chất tự nguyện. Theo đó việc hiến tặng được xuất phát từ quan hệ nhân nhân nên việc hiến tặng phải xuất phát từ mong muốn của người được hiến. Trường hợp ép buộc người khác hiến tặng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy cá nhân không đáp ứng các điều kiện trên thì không có quyền tham gia hiến tặng.

Thứ hai, mục đích của việc hiến tặng không phù hợp, nhằm mục đích thương mại.

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì về nguyên tắc việc hiến bộ phận cơ thể người nhằm mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.

Tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi hiến tặng nhằm mục đích thương mại. Theo đó, không trả tiền cho việc hiến tặng bộ phận cơ thể người hay tồn tại sự đền bù trực tiếp cho người hiến, họ tuyệt nhiên không có quyền đòi hỏi bất kỳ một sự trả giá nào cũng như không được phép nhận thù lao dưới bất kỳ hình thức nào từ hành vi hiến tặng bộ phận cơ thể của mình. Các tổ chức nhận, giảng dạy, sử dụng, nghiên cứu khoa học cũng không phải trả bất kỳ khoản tiền nào do việc có được bộ phận cơ thể con người.

Ngoài ra, việc hiến tặng phải được giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Thứ ba, người hiến tặng không đáp ứng về điều kiện sức khoẻ

Đây là điều kiện vô cùng quan trọng trong việc hiến bộ phận cơ thể con người. Do đó, để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng, tinh thần cho người hiến, Luật đã đưa ra những quy định về việc người hiến bộ phận cơ thể phải được kiểm tra sức khoẻ.

Ví dụ: Theo quy định tại Quyết định số 43/2006/QĐ-BYT ngày 19/12/2006 của Bộ Y tế về việc thực hiện kỹ thuật cấy ghép thận, gan cho người bệnh có chỉ rõ là người hiến về sức khoẻ không bị mắc các bệnh nan y như: ung thư, nhiễm HIV, Bệnh Berger, viêm gan B,…

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Những trường hợp không được hiến bộ phận cơ thể”. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin hãy liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline: 1900.6568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon