Quy định về nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

quy-dinh-ve-nam-nu-chung-song-voi-nhau-nhu-vo-chong-ma-khong-dang-ky-ket-hon

Vấn đề nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là một hiện tượng xã hội, đã xảy ra khá “phổ biến” ở nước ta từ nhiều năm trước đây cho đến hiện tại. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

1. Quy định của pháp luật về việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Theo từng thời gian, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã có nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng trong thực tiễn giải quyết các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo Luật HN&GĐ hiện nay dự liệu có 03 cách xử lý, giải quyết đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Một là, không công nhận có quan hệ vợ chồng giữa hai bên; hai là, chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn bị coi là trái pháp luật và bị xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự; ba là, công nhận có quan hệ vợ chồng giữa hai bên. Có thể kể đến các văn bản:

Trước đây, Thông tư số 112 – NCPL ngày 19/8/1972 của TANDTC hướng dẫn xử lý về mặt dân sự các trường hợp kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn (theo Luật HN&GĐ năm 1959). Thông tư này hướng dẫn: Đối với những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, khi giải quyết, TAND chỉ coi là “hôn nhân thực tế” đối với những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là kể từ khi “kết hôn”, hai bên nam, nữ đã thực sự chung sống công khai, gánh vác chung công việc gia đình, được họ hàng, xã hội xung quanh coi như vợ chồng. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, khi giải quyết các vụ việc về “hôn nhân thực tế”, TAND cần xác định các điều kiện “cần” và “đủ” để công nhận hoặc không công nhận “hôn nhân thực tế”.

Đó là, về ý chí chủ quan, xem xét hai bên nam nữ thực sự yêu thương, mong muốn xác lập và duy trì quan hệ “vợ chồng” cùng nhau. Về mặt khách quan, việc chung sống như vợ chồng của hai bên nam, nữ đã được gia đình, xã hội thừa nhận. Họ đã thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng. Thông thường các trường hợp hai bên nam, nữ đã được gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán; giữa họ đã có con chung, có tài sản chung.

Hệ quả pháp lý: Hôn nhân thực tế được Tòa án công nhận có giá trị pháp lý như hôn nhân hợp pháp; quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng được pháp luật công nhận và bảo hộ. Chế độ tài sản của vợ chồng trong “hôn nhân thực tế” theo luật định được áp dụng là chế độ cộng đồng toàn sản2. Theo đó, vợ, chồng có quyền sở hữu và hưởng dụng tất cả các tài sản có trước và sau khi cưới, không phân biệt nguồn gốc tài sản; vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn (thuận tình ly hôn hoặc một bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn); vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau khi một bên chết trước theo quy định của pháp luật về thừa kế…

Ngoài ra, Thông tư này còn hướng dẫn cần phân biệt giữa “hôn nhân thực tế” với hành vi chung sống như vợ chồng một cách tạm bợ, lén lút, không coi nhau là vợ chồng.

Nghị quyết số 01/1988/HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đông thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn TAND các cấp áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 1986. Theo Nghị quyết này hướng dẫn: Nếu việc kết hôn không trái với một trong các điều 5, 6, 7 của Luật HN&GĐ năm 1986, chỉ vi phạm về thủ tục đăng ký kết hôn (chưa đăng ký kết hôn với nhau) thì không bị coi là trái pháp luật (Điều 5, 6, 7 Luật HN&GĐ năm 1986 quy định về các điều kiện kết hôn (về nội dung) để việc kết hôn hợp pháp: hai bên nam, nữ đều đã đủ tuổi kết hôn; tự nguyện và không vi phạm điều cấm của Luật HN&GĐ năm 1986). Hướng dẫn của Nghị quyết này đã có chiều hướng “mở rộng” điều kiện để TAND công nhận về “hôn nhân thực tế”.

Nghĩa là, nếu hai bên nam, nữ đều đã đủ tuổi kết hôn; đều tự nguyện chung sống trong quan hệ vợ chồng, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối; không mắc bệnh tâm thần mà không có khả năng nhận thức được hành vi của mình; không mắc bệnh hoa liếu; không phải là những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời; không phải là cha, mẹ nuôi và con nuôi của nhau… thì sẽ được Tòa án công nhận là “hôn nhân thực tế”.

2. Thực tiễn về nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn

Báo cáo Tổng kết công tác của ngành TAND năm 1995: Trong Báo cáo Tổng kết này, TANDTC đã hướng dẫn: Do ý thức pháp luật của nhân dân đã được nâng cao, từ nay chỉ công nhận có “hôn nhân thực tế” đối với những trường hợp hai bên nam, nữ đã chung sống với nhau được hàng chục năm, hoặc có con chung hay có tài sản chung. Hướng dẫn này đã định lượng về thời gian chung sống của hai bên nam, nữ trong quan hệ vợ chồng và định lượng cả về điều kiện giữa hai bên phải có “con chung” hoặc có “tài sản chung”!

Trong Báo cáo Tổng kết này, TANDTC đã trích lại một vụ việc hai bên nam, nữ sau khi được gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán mới được 24 ngày thì người chồng chết. Khi giải quyết vụ việc này, TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm tại thành phồ Hồ Chí Minh đã căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư số 112 – NCPL ngày 19/8/1972 của TANDTC và Nghị quyết số 01/1988/HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng thẩm phán TANDTC, quyết định “công nhận có hôn nhân thực tế”trong trường hợp này, bảo vệ quyền thừa kế của người vợ trong hôn nhân thực tế này đối với di sản thừa kế do người chồng chết để lại. Tuy nhiên, quyết định đã có hiệu lực pháp luật này đã bị người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và hướng dẫn giải quyết theo hướng không công nhận có “hôn nhân thực tế” trong trường hợp này! Như vậy, ba cấp xét xử đã có quan điểm giải quyết khác nhau về cùng một vụ việc.

Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn TAND các cấp áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. Trong đó đã hướng dẫn áp dụng Nghị quyết số 35/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội khóa X, về thi hành Luật HN&GĐ năm 2000;

Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ, quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000;

– Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 03/01/2001 (gọi là Thông tư số 01/2001/TTLT) hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 (gọi là Nghị quyết số 35/2000/QH10) của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000. Theo đó, Thông tư này đã hướng dẫn: Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.

3. Hậu quả pháp lý của việc nam chung sống với nhau như vợ chồng

Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; do đó, cần phân biệt như sau:

+ Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.

+ Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.

+ Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn và sau đó một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp này, thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.

+ Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
  • Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
  • Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
  • Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 11 HN&GĐ năm 2000, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu một trong các bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm c khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2000 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon