Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn theo luật hiện hành

nam-nu-chung-song-nhu-vo-chong-khong-dang-ky-ket-hon-theo-luat-hien-hanh

Xét thấy, người có quyền yêu cầu giải quyết chung sống như vợ chồng có thể quy định tương tự như người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật bao gồm: Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người chung sống như vợ chồng; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ. Vì về bản chất cả kết hôn trái pháp luật và chung sống như vợ chồng trái pháp luật, mặc dù có đặc điểm cũng như các quy định về trường hợp cụ thể, cách thức xử lý là khác nhau nhưng đều có điểm chung là không chỉ ảnh hưởng tới hai cá nhân kết hôn mà còn ảnh hưởng tới gia đình hai bên, tới xã hội, tới nhà nước.

1. Các dạng thức nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn theo pháp luật hiện hành

Nam nữ chung sống như vợ chồng là hành vi của hai bên nam nữ, tuy không phải là vợ chồng nhưng đã ăn ở với nhau và “coi nhau là vợ chồng”. Họ liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện và không đăng ký kết hôn. Qua việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận về hôn nhân, kết hôn và đăng ký kết hôn ở phần trên, có thể khẳng định một nguyên tắc, đó là việc kết hôn chỉ có giá trị pháp lý khi hai bên nam nữ tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ không được công nhận là vợ chồng trước pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại các dạng thức chính của nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn như sau:

1.1. Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn được pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng

Đây là trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 3/01/1987 trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực được gọi là “hôn nhân thực tế”. Bản chất của “hôn nhân thực tế” là chỉ quan hệ vợ chồng mà quan hệ đó không được xác lập theo các trình tự và thủ tục pháp lý nhất định nhưng lại tồn tại trên thực tế. Nội dung chủ yếu và cơ bản của “hôn nhân thực tế” chính là các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và các quyền và nghĩa vụ về tài sản phát sinh giữa hai bên đang chung sống. Như vậy, xét về bản chất thì “hôn nhân thực tế” và hôn nhân được phát sinh từ sự kiện kết hôn là không có sự khác nhau. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ công nhận “hôn nhân thực tế” đối với các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trước ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực (trước ngày 1/1/2001). Đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 1/1/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng. “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”.

Như vậy, việc Nhà nước thừa nhận hôn nhân thực tế dựa trên hoàn cảnh lịch sử và nhiều nguyên nhân khác nhau là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của các quan hệ HN&GĐ. Tuy nhiên, chỉ công nhận “hôn nhân thực tế” đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trước ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực. Tức là thuật ngữ “hôn nhân thực tế” đã được sử dụng rộng rãi trong các bản án, quyết định của Tòa án khi Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến hiện tượng nam, nữ chung sống như vợ chồng, có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn. Từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành, pháp luật về HN&GĐ đã không sử dụng cụm từ “hôn nhân thực tế” nữa thay vào đó sử dụng thuật ngữ “chung sống như vợ chồng” và trường hợp chung sống như vợ chồng trước ngày 3/1/1987 chính là trường hợp “kế thừa” “hôn nhân thực tế”. Như vậy, pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân, các bên chung sống phát sinh quan hệ vợ chồng dù không đăng ký kết hôn.

1.2. Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn không vi phạm pháp luật và không được pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng

Đây còn được hiểu là trường hợp nam, nữ chung sống với nhau không có giá trị pháp lý. Những trường hợp chung sống như vợ chồng không vi phạm pháp luật bao gồm:

Trường hợp thứ nhất: nam và nữ chung sống với nhau mặc dù có đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng lại không đăng ký kết hôn. Tức là các bên thỏa mãn các điều kiện về độ tuổi, về sự tự nguyện, về năng lực hành vi dân sự, không cùng giới tính và không thuộc một trong các trường hợp sau.

Trường hợp thứ hai: Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ khi một bên hoặc cả hai bên mất năng lực hành vi dân sự (NLHVDS).

Trường hợp thứ ba: chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.

Cảm xúc quan trọng trong đời sống và hoạt động của con người. Khi có sự giao lưu giữa hai người dù là cùng giới hay khác giới con người cũng trở nên ý tứ, tế nhị, cởi mở hoặc thận trọng, cảnh giác hơn. Chính vì điều này giúp con người hoàn thiện hơn về cảm xúc và phát triển nhân cách hài hòa hơn đó chính là cảm xúc giới tính

Cảm xúc có thể tạo nên mối quan hệ yêu đương nam, nữ lành mạnh, dẫn đến tình yêu hạnh phúc. Ngày nay, khi xã hội hiện đại cái nhìn của người dân về cộng đồng người LGBT nói chung và người đồng tính nói riêng đã cởi mở hơn trước. Bản thân những người đồng tính đã có điều kiện, động lực và niềm tin để sống thực với giới tính của mình. Tuy nhiên về vấn đề pháp lý thì mong muốn được kết hôn giữa những người cùng giới tính vẫn còn những rào cản.

Cả bốn Luật HN&GĐ đều chỉ đề cập về vấn đề giới tính của các chủ thể trong sự kiện kết hôn không quy định về chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính. Tuy vậy, dễ nhận thấy rằng trên thực tế số cặp đôi đồng tính chung sống với nhau chiếm số lượng không nhỏ. Luật HN&GĐ năm 2014 dường như đã “cởi mở” hơn với quan hệ của các cặp đôi đồng tính so với các luật trước đó được coi là một sự tiến bộ và phù hợp với điều kiện khách quan cuộc sống.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, nếu hai người cùng giới tính chung sống với nhau không bị cấm cũng không được thừa nhận và không vi phạm pháp luật khi họ cũng không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn chung. Trong trường hợp họ có vi phạm về các trường hợp cấm kết hôn vẫn bị coi là chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Ví dụ họ chung sống với nhau như vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên đang có vợ, có chồng; hoặc những người đồng tính chung sống với nhau lại có quan hệ trong phạm vi luật cấm kết hôn với nhau như con trai nuôi với bố nuôi, con trai riêng của vợ với bố dượng và có quan hệ tình dục với nhau.

1.3. Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn vi phạm pháp luật

Luật hiện hành chỉ đưa khái niệm về chung sống như vợ chồng mà không đưa ra khái niệm hoặc các trường hợp cụ thể về chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Tuy nhiên, ta hiểu chung sống như vợ chồng trái pháp luật là việc nam, nữ chung sống với nhau nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn; đồng thời, việc chung sống này đã vi phạm các quy định cấm của pháp luật. Dựa vào Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014 các trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật sẽ bao gồm các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Nam và nữ chưa đủ tuổi kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì có thể rơi vào trường hợp vi phạm những quy định của pháp luật về tảo hôn. Theo khoản 3 Điều 8 Luật HN&GĐ 2014 thì: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”. Điểm b, khoản 2, Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định cấm hành vi “tảo hôn”. Do đó, có thể khẳng định, chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định không đăng ký kết hôn là chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Bên cạnh đó nam, nữ chung sống như vợ chồng dưới độ tuổi luật định còn vi phạm các quy định trong pháp luật hình sự. Ví dụ: trường hợp nam (22 tuổi) và nữ (15 tuổi), chung sống với nhau như vợ chồng, có quan hệ tình dục với nhau mặc dù dựa trên sự tự nguyện nhưng vẫn bị xem là vi phạm pháp luật (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi)

Trường hợp thứ hai: Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ mà một bên hoặc cả hai bên đang có vợ, có chồng. (điểm c, khoản 2, Điều 5 Luật HN&GĐ 2014). Vậy hiểu thế nào là một người rơi vào tình trạng đang có vợ, có chồng? trước hết phải khẳng định khi một người đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp thì được coi là đang có vợ, có chồng. Bên cạnh đó, việc nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà trước đây theo hướng dẫn của Nghị Quyết số 35/2000/NQ- QH10ngày 09/06/2000 về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT ngày 03/01/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị Quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/06/2000 của Quốc Hội “về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình thì cũng được coi là đang có vợ, có chồng khi đáp ứng được những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, hiện nay cả hai văn bản trên đều đã hết hiệu lực. Khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực cũng ghi nhận trường hợp cấm kết hôn giữa những người đang có vợ hoặc đang có chồng song Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HN&GĐ không đề cập tới vấn đề này. Vấn đề này lần đầu tiên được quy định rõ ràng trong TTLT số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số điều luật hôn nhân và gia đình. Theo đó được coi là “Người đang có vợ hoặc có chồng” thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật mà chưa ly hôn hoặc một bên vợ (chồng) của họ chưa chết hoặc một bên vợ, chồng không bị tòa án tuyên bố là đã chết;
  • Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;
  • Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HN&GĐ nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.

Trường hợp thứ ba là những trường hợp thuộc điểm d, khoản 2, Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014

Đối với những người cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời, pháp luật quy định như vậy nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường của thế hệ sau, đồng thời đó cũng là sự phù hợp với đạo đức, truyền thống, phong tục tạp quán của người Việt Nam. Về mặt khoa học, theo các nghiên cứu đã chứng minh rằng, khi các cặp hôn nhân cận huyết thống có con thì con của họ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như đao, kém phát triển về trí não, còi cọc, mù màu, bạch tạng… cao gấp 10 lần so với những đứa trẻ bình thường khác.

Khi trưởng thành, những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có quan hệ anh em họ cũng dễ có nguy cơ sẩy thai hoặc vô sinh. Như vậy, từ những trường hợp chung sống giữa những người có quan hệ huyết thống gần với nhau đã làm ảnh hưởng tới nòi giống, gây suy giảm chất lượng dân số ở nước ta. Bên cạnh đó pháp luật về HN&GĐ cấm những người có quan hệ huyết thống gần kết hôn với nhau còn nhằm làm lành mạnh các mối quan hệ trong gia đình, bảo đảm thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam, phù hợp với các quy tắc đạo đức.

Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại rất nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mắc các bệnh phổ biến như dị tật, tan máu bẩm sinh .

Đối với những người có quan hệ cha, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng mặc dù xét về mặt thực tế, những người này gần như không hề có quan hệ huyết thống với nhau (trừ trường hợp cô, dì, bác, cậu ruột nhận cháu ruột làm con nuôi), nhưng giữa họ lại tồn tại quan hệ cha mẹ – con và có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng… Đây không phải là quan hệ máu mủ ruột già nhưng luôn được xã hội đề cao và coi trọng, vì vậy việc pháp luật quy định để bảo vệ quan hệ này là hoàn toàn hợp lý. Quy định trên nhằm làm lành mạnh các mối quan hệ trong gia đình, bảo đảm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo đảm các nguyên tắc của cuộc sống, làm ổn định trật tự giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, quy định này còn nhằm ngăn chặn hiện tượng lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc giữa cha mẹ nuôi với con nuôi để có hành vi cưỡng ép kết hôn. Đây vừa là quy định của pháp luật vừa là quy tắc đạo đức.

2. Quyền yêu cầu giải quyết việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn

Quyền yêu cầu (quyền khởi kiện) là một trong những nhóm quyền tố tụng thuộc quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và các công ước quốc tế khác. Theo đó, “Mọi người đều có quyền được các tòa án quốc gia có thẩm quyền bảo đảm bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền căn bản của họ mà đã được hiến pháp hay pháp luật quy định”.

Quyền yêu cầu ở đây được hiểu là người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết và xử lý các trường hợp chung sống như vợ chồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Các chủ thể như cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền. Tòa án có nghĩa vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Về nguyên tắc Tòa án chỉ xét xử khi có đơn khởi kiện của cá nhân, của các tổ chức hoặc quyết định khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật HN&GĐ hiện hành có quy định về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật (Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2014); người yêu cầu giải quyết ly hôn chứ không quy định về người có quyền yêu cầu giải quyết trong trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn.

Xét về chủ thể yêu cầu giải quyết trong trường hợp chung sống không đăng ký kết hôn nên xem xét dựa trên các dạng thức chung sống sẽ phù hợp hơn.

Đối với trường hợp chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận (trường hợp chung sống trước ngày 03/01/1987) thì quyền yêu cầu sẽ thuộc về các chủ thể được luật quy định như giải quyết khi vợ chồng ly hôn. Tức là vợ hoặc chồng (trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu một bên), hoặc cả hai người (trong trường hợp thuận tình ly hôn) có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người kia gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì cha, mẹ hoặc người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trong trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận về hôn nhân thì người chồng cũng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bên cạnh đó “trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý”. Như vậy, tất cả các dạng thức còn lại của chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn các bên có quyền yêu cầu khi muốn chấm dứt việc chung sống của mình Tòa án sẽ thụ lý. Nếu các bên có tranh chấp và muốn Tòa án giải quyết về con chung hoặc tài sản chung thì Tòa án cũng sẽ thụ lý và giải quyết như các vụ việc ly hôn thông thường.

Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề liên quan đến mỗi cá nhân để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của họ, đây thuộc về quyền tự do của cá nhân và không làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ cá nhân, tổ chức hay nhà nước. Do đó, trên thực tế nếu họ đang chung sống dưới dạng thức không vi phạm pháp luật thì cũng không một ai có quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt việc chung sống của họ. Họ đến với nhau vì tự nguyện khi họ muốn chấm dứt hành vi chung sống họ có thể tự thỏa thuận. Nhưng nếu có xảy ra tranh chấp mà bản thân cả hai bên chung sống đều không thể tự thỏa thuận, thương lượng được các vấn đề như về tài sản chung, con chung thì luật nên trao cho các bên chung sống như vợ chồng có quyền yêu cầu chấm dứt việc chung sống.

Tuy nhiên đối với trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật, đây là việc chung sống có tính chất và mức độ ảnh hưởng, xâm hại tới quyền lợi của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Vì vậy, nếu quyền yêu cầu chỉ dừng lại là hai bên chung sống trái pháp luật thì không đảm bảo được quyền lợi cho các bên liên quan. Trên thực tế có những trường hợp hai bên chung sống họ biết hành vi chung sống như vợ chồng của họ là trái pháp luật và bản thân họ không muốn yêu cầu chấm dứt hành vi này. Hơn nữa tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN&GĐ quy định trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn bao gồm cả trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn (tức là chung sống như vợ chồng trái pháp luật) mà có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết. Vậy nên quyền yêu cầu giải quyết việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật cũng nên được mở rộng như quy định tại Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2014 về yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như: Người bị cưỡng ép, bị lừa dối có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; Các cá nhân khác như là vợ, chồng của người đang có chồng mà kết hôn với người khác, cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon